“Mời ông/bà ABC là mời cả hai vợ chồng tui hả? Xin đổi qua tiêm chỗ gần nhà được không? Tiêm xong tui ở lại đó cả ngày để theo dõi được chớ?...”. Những câu hỏi như vậy không hiếm gặp trên đường dây nóng (hotline) tiêm chủng Covid-19 0708081199 của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng những ngày này.
Dù gặp câu hỏi nào thì phía đầu dây bên kia luôn có ngay hồi đáp. Và cũng như sự lặng thầm của nhiệm vụ này, các bác sĩ đội đường dây nóng tiêm chủng ngại nêu tên hay nói về bản thân mình, họ chỉ sẵn sàng khi chia sẻ về công việc.
20 giây, 1 cuộc gọi
Được thành lập từ tháng 6-2021, lúc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng bắt đầu triển khai tiêm chủng Covid-19 cộng đồng và chỉ kết thúc khi chiến dịch tiêm chủng của thành phố hoàn tất, đường dây nóng tiêm chủng nhận trả lời tất cả thắc mắc của người dân đến tiêm do bệnh viện này phụ trách nói riêng và ở các điểm tiêm khác nói chung.
Ban đầu, có 2-3 bác sĩ được giao trực hotline, nhưng sau do số lượng tiêm chủng ngày càng nhiều nên các bác sĩ phải đi khám liên tục, đòi hỏi đội hotline tăng quân số gấp đôi để luân phiên giữ cho đường dây luôn… nóng. Hiện tại, hoạt động tiêm chủng tại Đà Nẵng mở rộng nhiều đối tượng, nhiều địa phương, rồi mũi 1, mũi 2 dần tăng nên công việc của hotline tiêm chủng cũng nhân lên, bởi nhiệm vụ của đường dây nóng không chỉ giải đáp thông tin trước mà cả sau tiêm chủng.
Các bác sĩ đường dây nóng tiêm chủng Covid-19 của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tất bật tiếp nhận cuộc gọi, giải đáp thắc mắc và xử lý thông tin tiêm chủng cho người dân. (Ảnh do Đội đường dây nóng tiêm chủng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cung cấp) |
Trách nhiệm của hotline là trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến việc trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 như: Đang mắc bệnh, uống thuốc có tiêm vắc-xin được không? Vừa cách ly tập trung về có đi tiêm được không?... Nhiều nhất vẫn là việc điều chỉnh những sai sót trên Hồ sơ sức khỏe (nơi cập nhật toàn bộ thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân để Bộ Y tế căn cứ theo số liệu đó báo lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19) để khớp với app Sổ sức khỏe điện tử (một ứng dụng cập nhật số mũi tiêm Covid-19 cho người dân, sử dụng thay giấy chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19). Việc người dân nào đó đã tiêm mũi 1 mà Sổ sức khỏe điện tử không hiển thị xác nhận thì đó cũng là một trong những nhiệm vụ tiếp nhận xử lý của đội hotline.
Nếu các câu hỏi trước tiêm thường đa dạng, muôn màu muôn vẻ, bởi người dân có rất nhiều thắc mắc trong lần đầu đi tiêm vắc-xin Covid-19 từ vấn đề sức khỏe, tiếp nhận thông tin, đến cách thức, thủ tục, thì sau tiêm, sự quan tâm của người dân chủ yếu xoay quanh vấn đề xử lý phản ứng phụ. 7 ngày sau mỗi đợt tiêm chủng cũng là những ngày đường dây nóng tất bật hơn bao giờ hết. Dù đã được cung cấp thông tin và tư vấn, dặn dò tại điểm tiêm khá cụ thể nhưng khi về nhà gặp phản ứng sau tiêm, ai cũng có tâm lý lo lắng và mong muốn hỏi lại bác sĩ trực tiếp… cho chắc. Nhiều thời điểm cứ 20-30 giây có 1 cuộc gọi, có khi lên đến hàng trăm cuộc mỗi ngày. Điều thuận lợi là người trực đường dây nóng là các bác sĩ có chuyên môn nên trả lời được ngay. Trong trường hợp cần cập nhật số liệu, bác sĩ đội hotline sẽ nhờ các “chuyên gia” ở nhà hỗ trợ. Các bác sĩ tiếp nhận phản ánh về điều chỉnh thông tin tiêm chủng có thể sẽ yêu cầu người dân chụp chứng minh nhân dân gửi qua Zalo để chuyển vào một nhóm khác phụ trách công việc chỉnh sửa, khớp nối.
Đối với những lo lắng về phản ứng sau tiêm, thông thường người dân sẽ được các bác sĩ đường dây nóng tư vấn cách xử lý như: sưng đỏ đau tại chỗ tiêm thì chườm đá và theo dõi. Trường hợp sốt cao trên 38,5 độ C, uống hạ sốt và theo dõi 4-6 giờ/lần. Với các phản ứng nặng (tức ngực, khó thở) hoặc dị ứng nặng như nổi ban, nổi mẫn thì đường dây nóng hướng dẫn gọi cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất. May mắn là thời gian qua những trường hợp này hiếm gặp.
Thời gian đầu, các bác sĩ trực đường dây nóng tiêm chủng không tránh khỏi bỡ ngỡ trước các vấn đề liên quan đến số liệu và phần mềm, bởi công tác chuyên môn hằng ngày trước đây là khám chữa bệnh, nhưng làm dần thành quen. Đội ngũ chỉnh sửa số liệu cũng đã được nhân viên công nghệ thông tin của bệnh viện tập huấn. Để công việc trôi chảy, mọi người tự tìm tòi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong vấn đề hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, nhất là với các cụ trên 65 tuổi không sử dụng và không thành thạo điện thoại thông minh.
Những công việc không tên
Cầm hotline vừa tập luôn tính kiên nhẫn. Mỗi lần tin nhắn tiêm chủng gửi về cho người dân, đồng nghĩa lúc đó hotline reo liên tục, những cuộc gọi nối nhau từ sáng sớm đến nửa đêm. Như trường hợp cụ 70 tuổi, 2 ngày sau mới đọc tin nhắn báo mời đi tiêm vắc-xin, đến 23 giờ cụ gọi hỏi có còn được tiêm hay không. Chuyện bác sĩ nhận hotline xong cả gia đình cùng thức giấc không còn lạ với đội.
Các bác sĩ tham gia trực đường dây nóng đều trẻ, năng động và đến từ các khoa khác nhau. Người cầm hotline có thể làm ở nhà hoặc tại bệnh viện hay bất cứ hiện trường nào. Trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ” như vừa qua, bác sĩ có thể ở lại bệnh viện hoặc ở nhà trực đường dây nóng tùy theo sự phân công nhân lực. Cả đội chuyền nhau “tấm ảnh vui” về một đồng nghiệp 2 tai áp 2 điện thoại nghe cùng lúc vừa đường dây nóng cấp cứu vừa đường dây nóng tiêm chủng (tình huống nào khẩn cấp hơn thì giải đáp trước). Chuyện tưởng để trêu nhau nhưng đó hoàn toàn là hình ảnh thật khi lực lượng đang phải chia đều các “chiến tuyến” nên một người làm cả việc người kia không khó hiểu trong thời điểm này.
Người được giao phụ trách đường dây nóng luôn túc trực 24/7 bên chiếc điện thoại, bất kể dang dở việc gì cũng gác sang bên để tiếp nhận cuộc gọi ngay lập tức. Tiếng chuông reo báo hiệu sự khẩn thiết và mong mỏi giải đáp thắc mắc của người dân, nên các bác sĩ của đội đều thấu hiểu và cố gắng vượt qua để phục vụ được tròn vẹn nhất.
Nhiều trường hợp người dân gọi đến với nội dung không thuộc nhiệm vụ giải quyết của đường dây nóng như: xin dời lịch (sang sớm hoặc muộn hơn do không thu xếp đi được), lo chở người đi tiêm (người già) ra đường bị phạt (người chở không có giấy đi đường), 2 ông bà dùng chung số điện thoại đăng ký giờ chỉ có 1 người được mời, thấy tin nhắn báo nhưng sợ bị lừa…, nhưng đội vẫn vui vẻ chia sẻ và giải đáp nỗi lo của bà con trong khả năng có thể.
Đặc biệt, thấy hotline của Bệnh viện Phụ sản - Nhi nên cứ liên quan đến bà mẹ, trẻ em thì người dân gọi đến hỏi. Những trường hợp này đội gặp thường xuyên, nhất là hiện nay phụ nữ mang thai đã được chích ngừa, cuộc gọi vì thế cũng dồn về khá nhiều.
Trực đường dây nóng tiêm chủng mùa này quả thật rất “nóng”, nhưng các bác sĩ trong đội đều mong muốn được tham gia để hỗ trợ hết mình người dân trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Có thể mọi người hình dung chống dịch là phải mang đồ bảo hộ kín mít để xử lý các hệ thống máy thở phức tạp, nhưng những việc làm lặng lẽ nơi hậu phương như trực đường dây nóng tiêm chủng cũng đã và đang góp công sức không nhỏ trong cuộc chiến này. Các bác sĩ đường dây nóng vẫn bảo vui với nhau rằng, chưa bao giờ được nghe và trò chuyện trên điện thoại nhiều như thế. Mỗi cuộc điện thoại kết thúc, họ thấy nhẹ nhõm hơn vì có thêm một người nữa yên tâm tiếp cận với vắc-xin, thành trì quan trọng trong cuộc chiến cam go này.
Các bác sĩ trực đường dây nóng tiêm chủng bảo vui với nhau rằng, chưa bao giờ được nghe và trò chuyện trên điện thoại nhiều như thế. Mỗi cuộc điện thoại kết thúc, họ thấy nhẹ nhõm hơn vì có thêm một người nữa yên tâm tiếp cận với vắc-xin phòng Covid-19, thành trì quan trọng trong cuộc chiến cam go này. |
TOÀN VÂN