Thơ phương ngữ

.

* Xin cho biết tác giả câu thơ “Rủ nhau vô núi hái chơm chơm/ Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm”. Đây là thể thơ gì và có nhiều tác giả sáng tác theo thể đó không? (Trần Thị Hoàng, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)

- Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật “Năm vần phương ngữ” của nhà thơ Tường Linh (quê Quảng Nam) đề “Tặng các nhà thơ Quảng Nam”; toàn văn như sau:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm/ Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm/ Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc/ Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm/ Mùa đông tơi lá che mưa bấc/ Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm/ Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa/ Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm.

Đây là thơ phương ngữ, thể thơ sử dụng hình thức nhại tiếng địa phương. Trong bài, tác giả dùng vần ơm phát âm ôm theo giọng Quảng Nam.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong bài “Về giọng nói ở một nơi không có xe lam” đăng trên Báo Thanh Niên, khi giới thiệu bài “Năm vần phương ngữ” đưa ra nhận xét rằng, “chửi cha không bằng pha tiếng”, nhưng khi tự “pha tiếng” là chứng tỏ mình có bản lĩnh, không sợ ai cười.

Nhà thơ trào phúng Tú Rua (cũng quê Quảng Nam) đổi am thành ôm một cách rất... Quảng Nam:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm/ Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm/ Có chàng Công Tử quê Đà Nẽng/ Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm/ Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ/ Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm/ Thêm ông hàng xóm người Hà Lội/ Chẳng biết “mô”, “tê” cũng tọa đồm.

Nhà thơ còn dùng các từ phương ngữ “Đà Nẽng”, “Hà Lội” khiến bài thơ thêm thú vị.

Báo Phú Yên Chủ Nhật ngày 10-4-2016 đăng bài “Phương ngữ xứ Nẫu” của bác sĩ Nguyễn Thành Lãm làm độc giả quê Nẫu gần xa “đứng ngồi không yên”. Để những người ở các địa phương khác có thể đọc và hiểu nội dung bài thơ, tác giả phải “phiên dịch” phát âm hằng ngày của người địa phương theo chuẩn mực của từ điển tiếng Việt (từ trong dấu ngoặc):

Cửa nhà mà đở (để) tấu (tối) thui/ Thắp đèn hột dịt (vịt) lên coi, nhen bà!/ Ngầu (ngồi) không mà biểu (bảo) ngừ (người) ta/ Bắp đèn (bật lửa) đâu hé? Chết cha! Mất rầu (rồi)!/ Gấu (đầu gối) đau tui (tôi) lấy chai dầu/ Chớ chiện (chuyện) dô (vô) bíp (bếp), tui (tôi) hầu bà na (hay sao)?/ Thâu thâu (thôi thôi) ông đửng (đừng) có la/ Đang kím (tìm) thùng quẹt (hộp diêm) đây mà, ông ơi!/ Nầu (nồi) phai (khoai) dừa (vừa) chín tới nơi/ Bả (bà ấy) kiu (kêu) tụi nhỏ ới ời dậy mau/ Đông ngừ (người) thì có sao đâu/ Hở (hễ) mà chật quá thì ngầu (ngồi) xít (xích) dô (vô)/ Đang ăn, mưa bỗng ồ ồ/ Ổng (ông ấy) kiu (kêu) mai dẫy (như vậy) sao khô lúa hè?/ Ông trời như ổng (ông ấy) cũng nghe/ Chặp sau thì xửng... mừng ghơ (ghê) nhen bà!

Ở Việt Nam chủ yếu có 3 vùng phương ngữ chính: phương ngữ Bắc (Bắc Bộ), phương ngữ Trung (Bắc Trung Bộ), phương ngữ Nam (Nam Trung Bộ và Nam Bộ). Các phương ngữ này khác nhau chủ yếu ở ngữ âm, rồi đến từ vựng, cuối cùng là một chút khác biệt ngữ pháp. Qua các bài thơ nói trên, thấy sự khác biệt về ngữ âm là nhiều nhất, nhưng có thể đoán được.

Tác giả Đỗ Thành Dương trong bài “Bàn thêm về phương ngữ” đăng trên Lao Động Online, cho rằng phương ngữ là tiếng nói thân thương nhất trong đáy sâu tâm khảm của mọi người con dân đất Việt, trên các vùng miền đất nước ta. Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ - đặc biệt trong ngôn ngữ viết, mọi người đều cố gắng hạn chế dùng phương ngữ mà hướng đến sử dụng ngôn ngữ toàn dân vì phương ngữ nhiều lúc khó hiểu.

Tác giả dẫn câu Kiều viết bằng ngôn ngữ toàn dân “Trông theo nào thấy đâu nào” của đại thi hào Nguyễn Du (quê Hà Tĩnh) được người Nghệ - Tĩnh phát âm thổ ngữ rất khó hiểu thành “Ngó dọi nỏ chộ mô mồ”.

Tuy có thể “làm khó” cho nhiều người nhưng phương ngữ vùng miền sẽ luôn còn mãi, không bao giờ bị tiêu biến, như một biểu hiện của nguồn cội.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.