Tiếng hét của chàng trai, tiếng rú ghê rợn của cọp vang động cả cánh rừng, chim muông lạc loài, tan tác, cây cối nghiêng ngả, xác xơ, song cuộc thư hùng vẫn bất phân thắng bại.
Mộ tiền hiền Trần Bình (ảnh trái) và mả Ngài đều được dân làng trùng tu vào năm 2020 theo cùng một kết cấu, kích cỡ giống nhau. |
Qua khỏi cầu Trà Linh vắt ngang thượng nguồn sông Thu Bồn là tới địa phận thôn Trà Linh Tây, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có con đường bê-tông chạy ngoằn ngoèo theo dòng suối trong vắt đêm ngày róc rách dưới chân dãy Trường Sơn Đông.
Dòng suối ở nơi núi rừng hoang vu, rậm rạp này bao đời nay có cái tên nghe rất lạ, đó là khe Mả Ngài. Càng lạ hơn khi bên cạnh vạt rừng ven suối còn có một nấm mộ cũng trùng tên mả Ngài. Gần mả Ngài là ngôi mộ tiền hiền làng. Hỏi thì ai cũng biết, nhưng chỉ các cụ cao niên của địa phương và những người nghiên cứu dân gian mới tường tận về nguồn gốc hai nấm mộ này.
Sự hiện diện của hai ngôi mộ bắt đầu từ một truyền thuyết, rằng ngày xưa vùng núi non Trà Linh không một bóng người do địa hình cheo leo, hiểm trở, thú hoang trên rừng, cá tôm dưới sông nhiều vô kể, song những người dân cùng định cư ngụ dưới vùng hạ lưu sông Thu Bồn lại trăm bề khốn khó, đói khổ.
Trong một lần ná nỏ, cung tên ngược dòng vượt qua Hòn Kẽm Đá Dừng để săn bắt, chàng lực điền Trần Bình phát hiện ra vùng đất có các dãy núi cao ôm trọn dòng sông lững lờ thơ mộng, hai bên bờ xanh ngắt một màu tươi tốt.
Trần Bình về xuôi kể cho mọi người nghe rồi dẫn một số tráng đinh lam lũ trong làng quyết tâm tới vùng Trà Linh khai canh, lập cư. Dọc bên phía đông của dòng suối sát sông là những trảng đất khá bằng phẳng, Trần Bình huy động dân làng cày cuốc cấy lúa nước, trên các triền đồi trồng sắn, khoai nên cuộc sống của bà con dần dà no đủ.
Một buổi trưa, Trần Bình và dân làng Trà Linh gánh lúa gặt từ ruộng về nhà thì gặp tai ương giữa đường. Một con cọp vằn vện to lớn hung dữ từ trong bìa rừng nhảy xổ ra gầm gừ. Tiếng thét của “ông ba mươi” vọng vào vách núi vang xa, khiến ai cũng hãi hùng, kinh sợ. Mọi người quăng gánh bỏ chạy tán loạn, chỉ một mình Trần Bình đứng lại, xắn tay áo quyết một phen giáp lá cà với chúa tể sơn lâm.
Trần Bình vốn giỏi võ nghệ, mặc cho chàng tung các cú chưởng hiểm hóc, nhưng cọp rừng vốn hung hăng, mạnh khỏe nên chẳng thấm tháp gì với nó. Cuộc thư hùng mỗi lúc càng diễn ra căng thẳng. Tiếng hét của chàng trai, tiếng rú ghê rợn của cọp vang động cả cánh rừng, chim muông lạc loài, tan tác, cây cối nghiêng ngả, xác xơ, song vẫn bất phân thắng bại.
Trận tử chiến kéo dài tới xế chiều, cả Trần Bình và cọp đều khát khô họng, đuối sức. Cả hai lết từng chút xuống bờ suối ở gần đó để giải cơn khát rát bỏng. Do bụng đói cồn cào, kiệt lực, lại uống quá nhiều nước làm bụng căng phình nên cả người và thú đều tắt thở.
Khi núi rừng trở lại yên tĩnh mà vẫn chưa thấy Trần Bình quay về, dân làng Trà Linh chia nhau đi tìm thì thấy xác của Trần Bình và con cọp nằm sóng soài bên bờ suối. Mặc dù căm giận con cọp hung tợn nhưng khi mai táng người con dũng mãnh của làng xong, họ cũng khiêng xác con cọp chôn cất đàng hoàng bên mộ của Trần Bình ở sát dòng suối nơi cả hai tử trận.
Để tưởng nhớ người có công mở đất và dẹp trừ hổ họa mang lại sự bình yên cho thôn xóm, bà con làng Trà Linh cùng nhau dựng lăng thờ cúng Trần Bình, tôn phong ông là vị tiền hiền của làng quê xứ núi. Từ đó, nấm mộ của con cọp và dòng suối được dân chúng đều gọi là Mả Ngài và khe Mả Ngài lưu truyền cho tới ngày nay.
Mỗi khi nghe câu chuyện này, có người thắc mắc không hiểu vì sao một con cọp rừng bắt nạt dân làng, gây náo loạn cuộc sống vốn yên ả, là kẻ thù của bà con hiền lành như vậy mà lại gọi nó bằng “ngài”?
Chắc có lẽ người xưa dùng từ này cho cọp trước hết xuất phát từ tấm lòng, từ nền nhân văn của con người đang sống đối với kẻ đã chết. Bên cạnh đó, chữ “ngài” ở đây còn thể hiện hàm ý của sự tôn kính và sợ sệt về sức mạnh và quyền uy, pha lẫn sự huyền bí của tâm linh huyền hoặc.
Vì vậy, qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ mộ Trần Bình và mộ cọp đều được người dân lo toan chu đáo. Đặc biệt, năm 2020, bà con thôn Trà Linh Tây chung góp xây mới hoàn toàn lại hai ngôi mộ theo một kết cấu, kích cỡ giống nhau từ những viên đá trái nhẵn bóng dưới đáy sông Thu Bồn.
Vào ngày 14-7 âm lịch hằng năm, dân làng thôn Trà Linh Tây sắm sửa lễ vật, hương hoa cúng kính Trần Bình, vị tiền hiền khai phá vùng đất Trà Linh, người có công đánh cọp để cho dân làng yên ổn, làm ăn, sinh sống. Bên cạnh mâm cơm cúng tiền hiền, bà con còn đặt miếng thịt heo sống trong chiếc mâm đồng để trước bức bình phong của nhà thờ tiền hiền Trần Bình có đắp nổi hình con cọp, thắp hương cúng vái ngài, một cử chỉ đậm đà lòng bao dung, tha thứ có từ ngàn đời của dân tộc ta.
THÁI MỸ