Do ảnh hưởng dịch bệnh, những hoạt động kết nối của sinh viên (SV) năm thứ nhất với thầy cô, bạn bè ở trường đại học (ĐH) chỉ mới tiến hành thông qua các ứng dụng trên không gian mạng. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, các chiêu thức lừa đảo SV, nhất là với tân SV, càng ngày càng tinh vi. Trước thực tế này, việc trang bị kỹ năng sống để tân SV “tỉnh táo” trong môi trường mới được nhiều trường ĐH chú trọng.
Tân sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tham gia các hoạt động tựu trường trực tuyến. Ảnh: HÀ TRẦN |
Trong chuỗi hoạt động trực tuyến Tuần lễ định hướng cho SV năm thứ nhất của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Phòng Công tác Sinh viên đã lồng ghép các nội dung để giúp SV có thể rút ra một số kinh nghiệm cho mình trước các tổ chức đa cấp bất hợp pháp, những cạm bẫy, chiêu trò lừa đảo núp dưới bóng các trung tâm giới thiệu việc làm…
Thầy Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Có những nội dung, nhà trường mời báo cáo viên thuộc lực lượng Công an đến nói chuyện, trao đổi với tân SV. Từ những câu chuyện người thật việc thật, SV được cung cấp kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trong điều kiện sống xa gia đình, ở môi trường hoàn toàn mới mẻ. Những kỹ năng, kiến thức căn bản được hình thành từ Tuần lễ định hướng, cùng với các hoạt động bổ trợ từ các CLB, đội, nhóm, sẽ góp phần tạo sức “đề kháng” cho tân SV tránh được những sai lầm không đáng có, tập trung tốt cho mục tiêu học tập, tích lũy kiến thức, kỹ năng trong những năm tháng học tập ở giảng đường ĐH”.
Thế nhưng, không phải tân SV nào cũng đủ tỉnh táo và bản lĩnh để chọn con đường đi đúng. Từ một tân SV bước vào trường ĐH với điểm xét tuyển khá cao, P.X.T (SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) bị cảnh báo học vụ ở năm thứ hai khi tham gia sâu vào con đường kinh doanh đa cấp. Bỏ ra 20 triệu đồng sau khi tham gia khóa đào tạo cách bán hàng, cách xây dựng chi nhánh… với những lời chào mời hấp dẫn như “đóng chục triệu lời trăm triệu”, quay vòng vốn nhanh cùng những hứa hẹn nhanh chóng thăng chức làm quản lý…, T. xao nhãng việc học. Sự việc chỉ được gia đình phát hiện khi T. mở lời vay tiền của bố mẹ để “làm ăn lớn”. Gia đình T. đã thuyết phục con quay trở lại giảng đường bằng cách cùng T. tìm hiểu những biến tướng của bán hàng đa cấp cùng các chiêu trò, những vụ án có liên quan đến cách gọi vốn của mô hình kinh doanh đa cấp. Nhớ lại những ngày tháng đó, T. kể: “Em chỉ nghĩ đơn giản là có thu nhập từ công việc làm thêm thì sẽ đỡ gánh nặng cho ba mẹ. Cũng may em chưa lôi kéo thêm bạn nào vào con đường kinh doanh như em”.
Trường ĐH Kinh tế đã gửi thông điệp đến SV mới nhập học, cần cẩn trọng với những lời chào mời, những công việc làm thêm đầy hấp dẫn như môi trường làm việc thoáng, thu nhập cao, phù hợp với SV. Nhà trường cũng nhấn mạnh rằng, nếu gặp khó khăn trong sinh hoạt, tài chính, trước hết SV hãy liên hệ với các tổ chức đoàn thể của trường hoặc với giảng viên để được hỗ trợ bước đầu. Thậm chí, không được cho mượn tùy tiện những giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước công dân, mã số SV…, để tránh trường hợp gánh những khoản nợ... trên trời rớt xuống.
Thầy Trần Quốc Hùng cũng cảnh báo, ngoài việc rủ rê tham gia các dự án kinh doanh, SV cũng phải cảnh giác trước những lời mời chào tham gia các hội, nhóm ở bên ngoài trường học. Có những hội, nhóm núp dưới danh nghĩa hỗ trợ việc làm, học tập để lôi kéo SV gia nhập các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng… Vì vậy, tân SV cần cẩn trọng với những mối quan hệ mới. Trong đó, không loại trừ những lôi kéo từ chính các SV khóa trước, dưới danh nghĩa đồng hương, đồng khoa…
HÀ TRẦN