Lê Ngọc Quy, Phạm Tự Lực, Nguyễn Khánh Việt là 3 trong số 65 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu vừa được Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam thành phố trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2021. Những bác sĩ, cán bộ công an, nhân viên y tế này mang trong mình sức trẻ và lan tỏa tinh thần sống đẹp, sống có ích đến cộng đồng.
Bác sĩ Lê Ngọc Quy (bìa trái) cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Đ.T |
1. Vừa thay đồ bảo hộ để về nhà thực hiện cách ly sau hơn 2 tháng túc trực tại bệnh viện, bác sĩ Lê Ngọc Quy (28 tuổi, Khoa Nội 1, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) mới có khoảng thời gian trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại. Bác sĩ Quy hào hứng kể: “Ngày 18-10, sau khi bệnh nhân T.M.D.P - ca bệnh nặng chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cuối cùng được xuất viện cũng là lúc tôi trở về nhà thực hiện cách ly 14 ngày (anh đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin). Bệnh nhân này vào viện cuối tháng 8, qua một thời gian chạy ECMO, thở máy, khai khí quản, bệnh nhân tỉnh táo hơn, tiến triển tốt hơn. Đó là một trong rất nhiều bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi. Khoảng thời gian chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân rất vất vả nhưng cho tôi nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm đẹp cùng đồng nghiệp ở các Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Ngày bệnh nhân ra viện, tôi và cả ê-kíp đều vui mừng, thở phào nhẹ nhõm”.
Bác sĩ Lê Ngọc Quy công tác tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ cuối tháng 7-2020. Với vai trò một thầy thuốc trẻ, bác sĩ Quy trực tiếp tham gia điều trị các bệnh nhân Covid-19. Mỗi đợt, bác sĩ phải ở lại bệnh viện hơn một tháng, sau đó được ra khu cách ly nghỉ ngơi khoảng nửa tháng và vào lại bệnh viện tiếp tục công việc. Riêng từ tháng 8 đến nay, bác sĩ Quy xung phong ở lại Bệnh viện Phổi hơn 2 tháng để chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
“Lúc đầu đảm nhận nhiệm vụ tôi khá lo lắng nhưng với suy nghĩ phải hết mình cứu chữa bệnh nhân nên tôi không quản ngại khó khăn. Trong quá trình công tác, tôi luôn được gia đình động viên, các đồng nghiệp hỏi thăm, chia sẻ kinh nghiệm. Có những thời điểm bệnh nhân đông, trở nặng liên tục, nhiều lúc tôi và các đồng nghiệp áp lực, xuống sức nhưng nghĩ đến hình ảnh vui mừng của các bệnh nhân Covid-19 được xuất viện chúng tôi lại không ngừng cố gắng”, bác sĩ Quy bộc bạch.
2. Tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang sau đợt dịch này, Trung úy Phạm Tự Lực (28 tuổi, Công an xã Hòa Ninh) được rất nhiều người nhắc đến. Trung úy Lực không chỉ thực hiện tốt việc kiểm soát tại chốt phòng chống dịch, tuần tra xử lý vi phạm mà còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Một trong những câu chuyện được nhiều người nhắc khi nói về Trung úy Lực là anh đã hỗ trợ rất tốt một sản phụ sinh con tại nhà trên địa bàn. Trung úy Lực kể, một đêm cuối tháng 8, lúc đó khoảng 12 giờ khuya, anh vừa rời ca trực tại chốt kiểm soát dịch về thì nhận được tin báo có một sản phụ tại thôn An Sơn (xã Hòa Ninh) chuyển dạ. Được sự phân công của chỉ huy, anh lên đường hỗ trợ nhân viên y tế vào nhà đưa sản phụ đến bệnh viện. Tuy nhiên, sản phụ chuyển dạ nhanh, anh và nhân viên y tế phải hỗ trợ sản phụ sinh ngay tại nhà.
“Tôi chưa có gia đình nên lúc đầu hơi rối, song thấy tình thế gấp gáp, tôi chỉ nghĩ đến sự an toàn của hai mẹ con nên nghe theo chỉ dẫn của nhân viên y tế hỗ trợ hết mình để sản phụ sinh con an toàn. Sau khoảng một giờ đồng hồ, cháu bé ra đời trong tình trạng bình thường, nhân viên y tế cắt dây rốn, tôi đưa cháu bé sang bên cạnh cùng người thân mặc quần áo và gọi xe đưa hai mẹ con bệnh viện chăm sóc kịp thời”, Trung uy Lực chia sẻ.
Tại xã Hòa Ninh, với vai trò là cảnh sát khu vực, Trung úy Phạm Tự Lực nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; đồng thời, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra ngoài không cần thiết. Những ngày ảnh hưởng mưa bão, Trung úy Lực hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu. Từ ngày 30-7, Trung úy Lực cùng các cán bộ Công an xã tuần tra, xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với địa phương trao nhiều suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
3. Từ cuối tháng 4 đến nay, Nguyễn Khánh Việt (26 tuổi, Đoàn viên Đoàn cơ sở Trung tâm Y tế quận Hải Châu) miệt mài với công tác hỗ trợ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh, quản lý, khoanh vùng chặt chẽ những mẫu dịch tễ của hơn 1.000 bệnh nhân F0, hơn 2.000 F1 và F2 trên địa bàn. Khánh Việt còn hỗ trợ di chuyển kịp thời các bệnh nhân F0 đi điều trị sớm nhất khi vừa có kết quả, bảo đảm các F1 của bệnh nhân F0 chuyển cách ly tập trung và F2 được theo dõi sức khỏe tại nhà thường xuyên, không để dịch bệnh lây lan.
Cùng với đó, Nguyễn Khánh Việt luôn hoàn thành xuất sắc công tác hỗ trợ xét nghiệm cho các F1 được cách ly, xét nghiệm vét, xét nghiệm cộng đồng các hộ gia đình và các lực lượng khác với hơn 400.000 test. Việt còn hỗ trợ phân luồng, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm cho hơn 80.000 người dân thành phố. “Là cán bộ trẻ, tôi luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm của một chiến sĩ áo trắng, cống hiến hết mình vì cộng đồng. Trong những lần hỗ trợ truy vết, lấy mẫu có những thời điểm tôi cùng đồng nghiệp thức thâu đêm làm nhiệm vụ, tuy rất mệt nhưng được góp sức cùng các lực lượng chống dịch tôi rất vui và hạnh phúc”, Nguyễn Khánh Việt thổ lộ.
Ngày 13-10, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” cho 65 cá nhân có thành tích tiêu biểu. Đó là các y, bác sĩ tuyến đầu, các chiến sĩ công an, bộ đội, các tình nguyện viên trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt, khu phong tỏa, hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa cho người dân, các cán bộ hội tâm huyết… Họ là những tấm gương tạo cảm hứng cho cộng đồng trong công tác phòng, chống Covid-19, tích cực hỗ trợ nhân dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
|
ĐAN TÂM