LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM

Chờ lao động quay lại

.

Người lao động còn “mắc kẹt” ở quê vì lý do phòng, chống dịch khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm hụt lao động khi mở cửa trở lại sau giãn cách. Tuy nhiên, thay vì vội tuyển cho đủ nhân lực, họ vẫn kiên nhẫn chờ người lao động của mình quay lại.

Không chỉ được học kiến thức, người học nghề trước hết được đào tạo về thái độ phục vụ để có thể trở thành người thợ chuyên nghiệp trong tương lai.  (Ảnh do Trung tâm Đào tạo - Hướng nghiệp Á-Âu cung cấp, chụp trước thời điểm xảy ra Covid-19)
Không chỉ được học kiến thức, người học nghề trước hết được đào tạo về thái độ phục vụ để có thể trở thành người thợ chuyên nghiệp trong tương lai. (Ảnh do Trung tâm Đào tạo - Hướng nghiệp Á-Âu cung cấp, chụp trước thời điểm xảy ra Covid-19)

Qua đợt dịch này càng cho thấy, những người thợ tận tâm với công việc thì ở giai đoạn nào cũng được chờ đón.

Giữ lao động yên tâm gắn bó

Hơn 30 năm làm công việc bảo trì, sửa chữa ô-tô, anh Nguyễn Đức Khánh, Giám đốc Garage Khánh Hồng (địa chỉ 357 Huỳnh Ngọc Huệ, quận Thanh Khê) trải qua không ít thăng trầm, nhưng “cơn sóng” Covid-19 là một trong những thách thức lớn, nhất là vấn đề giữ chân người lao động để họ yên tâm chờ dịch bệnh đi qua tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp.

Anh Khánh cho biết, công ty thường xuyên có 20 thợ hoạt động. Đầu tháng 10-2021, khi thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ mở cửa trở lại, lượng xe khách đưa đến gara tăng gần bằng thời điểm trước dịch. Một phần ô-tô để lâu không sử dụng cần bảo dưỡng, một phần vào mùa mưa nên xe cần cứu hộ cũng tăng, thế nhưng công ty có đến 5 thợ đang ở quê chưa thể vào Đà Nẵng ngay vì lý do phòng, chống dịch. Bài toán đặt ra với anh cùng toàn thể nhân viên là mỗi người nỗ lực hơn một chút để giữ chất lượng phục vụ. Tuy chỉ còn 15 thợ trong thời gian đầu nhưng với anh Khánh, đó đã là điều rất đáng quý khi dịch không ảnh hưởng vài ngày mà kéo dài đến vài tháng, nhiều sự thay đổi về nơi ở, việc làm diễn ra khắp nơi. “Có những nhân viên làm ở đây lâu năm, có anh em còn trẻ, hoàn cảnh gia đình cũng khác nhau nhưng khi nhận thông tin tập trung làm việc, mọi người đều có mặt ngay ngày đầu tiên. Để anh em gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn, công ty hỗ trợ thu nhập lẫn động viên tinh thần trong thời điểm tạm dừng công việc”, anh Nguyễn Đức Khánh chia sẻ.

Cũng làm trong ngành hút khách ngay sau giãn cách, anh Nguyễn Khoa Nhật Phương, chủ salon tóc Phương (địa chỉ 126 Ông Ích Khiêm, quận Thanh Khê) phấn khởi: “Mệt, đuối nhưng rất vui”. Ngày hoạt động trở lại, khách đặt lịch kín mít, tiệm thường ngày có 7 người làm nhưng qua dịch hụt đến 3 người ở Huế và Quảng Trị. Làm việc luôn tay, có lúc qua cả giờ ăn nhưng ai cũng mừng vì được bận rộn. “Chuyện thiếu người làm chỉ tạm thời, khi hoàn tất các giấy phép về lưu thông và được tiêm vắc-xin đầy đủ theo quy định, người lao động có thể vào làm lại ngay. Mở cửa và có thợ làm lại là tốt rồi. Trong thời gian nghỉ dịch, một số thợ có nhà hoặc ở trọ tại Đà Nẵng được hỗ trợ thu nhập, tuy nhiên đa phần anh em mong muốn chia sẻ khó khăn chung với chủ tiệm nên không nhận. Thợ của tiệm đều làm từ 5-7 năm nay rồi. Tôi thực sự trân quý tình cảm này”, anh Phương bộc bạch.

Cần sự tận tâm và yêu nghề

Làm công việc dịch vụ chuyên phục vụ, chăm sóc khách hàng không đòi hỏi quá cao về bằng cấp nhưng rất cần người lao động có kỹ năng và thái độ “được lòng” khách. Đó cũng là lý do cả anh Khánh và anh Phương đều chia sẻ thật lòng rằng, nếu thợ của mình vì dịch bệnh chưa trở lại trong mùa cao điểm từ đây đến cuối năm họ cũng không vội tuyển người mới. Kiên nhẫn chờ vẫn là lựa chọn hàng đầu của cả hai, bởi có được những người thợ hiểu việc, hiểu khách không đơn giản. Đối với người làm ngành dịch vụ, sự chăm chỉ, chu đáo và kinh nghiệm chỉ có được ở những người xác định gắn bó lâu dài với nghề và với nơi mình làm.

Về quan điểm này, chị Trần Thị Tuyết Nhung (trú đường Thái Phiên, quận Hải Châu), một người làm bánh “handmade” có tiếng tại Đà Nẵng chia sẻ: Đúng là nghề dịch vụ kén người. Để trở thành một người thợ, kiến thức có thể học bằng truyền miệng hay qua mạng mà không nhất thiết phải đến trường lớp chính quy, nhưng có những đòi hỏi của nghề buộc người thợ phải phát huy sở trường, năng khiếu cộng rèn luyện bền bỉ mà có. Chẳng hạn, người làm bánh phải có “gu” ẩm thực, kiên nhẫn, tỉ mỉ để sản phẩm làm ra tinh thế, hấp dẫn và khác biệt, mới đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của khách hàng. Một số tiệm bánh lớn thường xảy ra tình trạng người chưa có tay nghề thì vào làm để học việc, khi dần quen lại nghỉ ra làm riêng, vì vậy, người có tay nghề cũng khó gắn bó lâu dài. Dao động thường xuyên là thực tế khó tránh khỏi trong lĩnh vực này, song chỉ cần người lao động đam mê công việc và có sự tận tâm thì làm ở đâu cũng có thể thu hút khách hàng.

Hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề, một đại diện phòng Truyền thông của Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp Á-Âu, chi nhánh Đà Nẵng cũng đồng quan điểm: Một người thợ thành công hay không, ngoài kiến thức chuyên môn phải có thái độ chuyên nghiệp, bởi đặc thù của người làm dịch vụ là đem lại sự hài lòng, thoải mái cho khách hàng. Vì lý do đó, cơ sở đào tạo hiện nay rất chú trọng việc uốn nắn thái độ của học viên ngay khi bước chân vào trường. “Thái độ không chỉ được hiểu là đối với khách hàng, mà trước hết các em học cách ứng xử chuẩn mực với giảng viên, bạn bè, nội quy của trường lớp. Phải quan tâm thái độ ứng xử với chính bản thân và với những người gần mình nhất, sau này ra trường các em mới biết quan tâm đến đối tượng mình phục vụ. Chẳng hạn trong lớp nấu ăn, nhà trường không cử nhân viên tạp vụ dọn dẹp mà chính học viên phải tự vệ sinh căn bếp của mình. Chỉn chu, hiểu từng khâu mình làm dù là nhỏ, đơn giản nhất và không mang ý nghĩ “làm sếp” ngay khi ra trường mới có thể trở thành một người có tay nghề thực sự”, vị đại diện này chia sẻ.

So với thế hệ học viên trước, hoặc ngay trong lớp học hiện tại, giữa học viên lớn tuổi và các bạn 2K (sinh sau năm 2000), các giảng viên trường nghề cũng thấy một sự khác biệt, đó là các bạn trẻ có phần thiếu sự kiên nhẫn và chịu khó hơn; nhưng bù lại, các bạn chủ động, sáng tạo và nhanh nhạy tiếp cận trào lưu. Theo các chủ doanh nghiệp ngành dịch vụ và người làm công tác đào tạo nghề, chỉ cần các bạn trẻ phát huy thế mạnh của mình cộng với thái độ phục vụ tốt thì cơ hội việc làm luôn rộng mở, đặc biệt tại thành phố Đà Nẵng, lĩnh vực dịch vụ vốn phát triển và cần lượng lớn lao động có tay nghề.

TOÀN VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích