Khi những cơn mưa cuối mùa xuất hiện cũng là lúc thời tiết bắt đầu se se lạnh, bữa cơm đầm ấm bên gia đình trở thành ký ức đẹp đẽ của những người xa quê. Đó cũng là dịp nhiều người tìm về những món ăn bình dị nhưng đậm đà hương vị quê nhà để nhớ ngày xưa cũ.
Từng con cá cấn nhỏ vàng ươm màu nghệ và thơm nồng hương lá nén là món ăn hấp dẫn của những người con xa quê. Ảnh: Đ.H.L |
Hương vị quê nhà
Trong ký ức của chị Đặng Cẩm Lý (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) luôn vấn vương hình ảnh nồi cháo hến thơm nồng của vị ngọt phù sa nơi con sông bên bồi bên lở chạy ngang qua nhà mình khi còn sinh sống ở quê. “Mỗi lần trời mưa, nhắc đến món này, tôi lại nhớ những ngày tháng êm đềm, vui vẻ cùng các cô chú. Nhà nội tôi có đến 10 người con, trong đó chú Út chỉ lớn hơn tôi 6 tuổi nên suốt ngày vui đùa cùng các cô chú trong một mái nhà. Khi các cô chú đi cào hến, tôi thường chạy lon ton theo sau. Nhà nội đông người nên nồi cháo cũng rất to. Nhưng nội nấu cháo rất sành và có một vị đặc biệt. Hến ngày đó bắt ở sông cũng có vị rất riêng mà giờ mua ở chợ không tìm ra vị đó nữa. Giờ thì cô chú cũng đã già, chẳng ai ra sông bắt hến như ngày xưa”.
Món ăn thực sự ngon hơn khi chúng ta tự đi kiếm nguyên liệu và nấu bằng chính đôi tay của mình. Từng công thức, bí kíp nấu ăn của bà, của mẹ được truyền lại cho con cháu trong từng món ăn để tạo nên hương vị đặc trưng riêng có của mỗi gia đình. Chính vì vậy, khi đi xa quê, nhiều người không thể tìm đâu ra món ngon như chính tay mẹ nấu, khiến lòng luôn đau đáu nhớ về quê hương.
Những ngày mưa, như bao gia đình quê ở Quảng Nam, nhà nội của chị Cẩm Lý thường tụ tập đổ bánh xèo. Đó là những ngày vui như Tết khi mọi người quây quần bên nhau trò chuyện râm ran bên bếp củi than hồng. Những buổi chiều mưa bay rả rích, những chiếc bánh xèo nóng giòn, vàng ươm ăn kèm với rau sống cùng chén nước chấm được pha chế đậm đà luôn là món ăn hấp dẫn. Món ngon đôi khi không chỉ bởi hương vị món ăn mà còn nhờ thêm những câu chuyện thân tình của mỗi người góp mặt.
“Có nhiều món ăn ngày mưa rất mộc mạc như cá đồng kho lá nghệ, thịt kho ruốc nhưng học cả đời cũng không nấu ngon được như người thân trong gia đình. Tôi có bà dì nấu những món này rất đỉnh, ăn một lần là mê tới tận giờ. Mặc dù quan sát kỹ cách nấu của dì, cũng bỏ chừng đó gia vị nhưng tôi vẫn không thể nào nấu ra đúng vị như vậy, chỉ cần giống 70% là đã thành công rồi”, chị Cẩm Lý chia sẻ thêm.
Còn chị Phạm Kim Hòa (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) vào ngày mưa lại ghiền món thịt kho ruốc sả, mắm dưa. “Nhà tôi ai cũng thích ăn mấy món này vì dễ “đưa” cơm. Khi làm thịt kho ruốc nên chọn thịt ba chỉ nhiều mỡ để ăn không bị khô. Miếng thịt phải hơi hồng hồng, hơi ướt át một tý. Đặc biệt là phải dùng ruốc Huế mới đậm vị. Nguyên liệu không cầu kỳ lắm bởi đây là món ăn dân dã, nhưng quan trọng là cách chế biến và nêm nếm mới tạo ra được hương vị thơm ngon của món thịt kho ruốc sả”, chị Kim Hòa bộc bạch.
Cùng với món thịt kho ruốc sả, chị Kim Hòa cũng học được từ mẹ món măng xào thịt ba chỉ. Có lẽ mùa mưa đến là lúc những bụi măng được tắm mát nên thân căng mập, chứa nhiều chất dinh dưỡng rất ngọt.
Chia sẻ cách chế biến, chị Kim Hòa cho biết: “Măng tươi mua về rửa sạch với muối rồi trụng qua nước sôi. Thịt ba chỉ cắt lát hoặc cắt cục nhỏ dài, rồi ướp với tỏi, hành tím, phần trắng của hành lá, gia vị cho thấm. Sau đó, dùng chảo dầu phi tỏi dậy mùi thơm rồi cho măng vào xào cùng với tí muối, bột nêm. Tiếp theo, vẫn dùng cái chảo đó, cho dầu, hành tím, tỏi băm vào phi thơm xong cho chén thịt đã ướp vào xào. Khi thịt vừa chuyển màu, cho măng vào xào chung rồi nêm nếm,thêm hành lá. Nếu thích nước thì cho thêm tí nước lúc xào. Quê hương luôn gắn với hình ảnh cây tre nên khi ăn món này sẽ vơi bớt nỗi nhớ nhà”.
Món cá chim trắng hấp cuốn bánh tráng luôn được nhiều người dân ven biển Đà Nẵng yêu thích. Ảnh: Đ.H.L |
“Mùa nào thức nấy”
Với những người nội trợ, có lẽ cách lựa chọn nguyên liệu ngon nhất là “mùa nào thức nấy”, điều này cũng khiến hương vị món ăn mang đặc trưng vùng, miền. Vào những ngày mưa, người dân Đà Nẵng thường đánh bắt nhiều hải sản tươi ngon để biến tấu các loại cá thành món ăn hấp dẫn thay cho những món kho đơn điệu.
Chia sẻ về cách nấu món cá hấp cuốn bánh tráng của miền Trung, chị Phan Thu Loan (nguyên đạo diễn sân khấu và truyền hình tại VTV8) chia sẻ: Với món này cần chọn những loại cá ít xương như cá nục, cá mú, cá ngừ, cá chim trắng. Đây là những loại cá rất mềm và béo. Trước khi hấp, khía nông thân cá rồi ướp mắm, hành, muối. Nấm mèo, nấm hương ngâm, thái cỡ ngón tay; miến ngâm sơ cắt khúc xào tất cả với cà chua, hành tây rồi đổ xung quanh cá. Khi ăn lấy bánh tráng cuốn rau sống, cá, các loại nấm, miến... chấm với mắm cái hay tôm chua rất ngon. Vào những ngày mưa cuối tuần, cả gia đình cùng quây quần bên nhau thưởng thức món cá hấp cuốn bánh tráng càng thêm đầm ấm.
Đặc biệt, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, khi những cơn mưa bắt đầu rơi nặng hạt cũng là lúc cá cấn theo dòng nước len lỏi trong các đồng ruộng hay những con lạch, con suối nhỏ. Trong bữa cơm của người dân xứ Quảng không thể thiếu nồi cá cấn kho lá nén. Dù là món ăn dân dã nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người con xa quê .
Nhớ về món ăn này, anh Lê Hoàng (phường Tam Thuận, Thanh Khê) chia sẻ: Mùa cá cấn xuất hiện trên đồng cũng là lúc những vồng nén bắt đầu xanh mướt. Đây là nguyên liệu chính làm nên nồi cá cấn. Hương hăng nồng của nén giúp khử mùi tanh của cá. Để có một nồi cá cấn kho “đúng điệu”, cần chọn cá còn tươi sống nhỏ bằng ngón tay út. Sau khi rửa sạch, cá cấn được tẩm ướp gia vị, nghệ tươi, hành, tỏi và tất nhiên là không thể thiếu củ nén. Khi kho cá trên bếp than liu riu lửa, mùi cá quyện mùi nén, mùi nghệ thơm lừng cả một góc bếp.
“Cá kho nguyên mật có vị hơi nhân nhẩn đắng và ngọt nhẹ. Tuy là món ăn bình dị nhưng hương vị lại thơm ngon khó cưỡng, thấm vào trong từng kỷ niệm tuổi thơ, để rồi lúc xa quê, những chiều đông lạnh lại thấy nhớ đến nao lòng”, anh Lê Hoàng xúc động nhớ lại.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG