Mưa trút xuống khắp phố phường. Con đường vào chợ chẳng mấy chốc ngập lút nửa bánh xe. Đêm về, những cơn gió đông rủ theo cái lạnh đầu mùa lang thang thăm phố. Gió xô giật từng hồi làm hàng cây trước nhà nhún nhảy như vũ điệu nhịp nhàng, gió luồn lách đến từng kiệt, hẻm sâu hun hút của dãy phố. Mưa và gió đông se sắt gợi tôi nhớ về bao tháng ngày đã qua, nhớ những món ăn dân dã mà chỉ có những chiều mưa như thế may ra mới có, đó là đúc bánh xèo.
Bánh xèo được đúc với nhiều loại nhưn, cuốn kèm rau gì cũng được. Ảnh: ST |
Ngày trước, đời sống của bà con nông dân quê tôi còn vô vàn khó khăn nên để có bữa bánh xèo không phải dễ. Thường chỉ sau mùa gặt lúa xong, có nồi cơm gạo trắng lại gặp lúc tiết trời không thuận lợi cho đồng áng, rảnh tay thì mới có nhà đúc bánh xèo hoặc tráng mỳ để í ới gọi nhau xì xụp quanh lũy tre làng.
Tôi nhớ như in những chiếc bánh xèo của mẹ ngày xưa đúc trong chái bếp lè tè rực đỏ than hồng, lòng bỗng chộn rộn, nôn nao. Tôi bảo vợ đúc bánh xèo, bởi trong tủ bếp còn nguyên mấy bao bột gạo mua sẵn ngày cả thành phố giãn cách phòng chống Covid-19 cùng với nhúm tôm đất, nấm rơm mua chiều qua. Thứ bột này chỉ cần pha loãng với nước chứ khỏi phải ngâm gạo, xay bột như hồi trước. Bà xã quày quả xuống bếp sửa soạn, tôi pha chế bột gạo, đứa con gái mở tủ lạnh lấy gói tôm ra lặt râu và bóc chẻ làm đôi những chiếc nấm rơm rồi trộn với lá hẹ thái nhỏ đổ vào xô bột gạo khuấy đều. Lúc bếp gas đã đỏ rực, bà xã bắc chảo lên, đổ vài muỗng dầu phụng. Khi chảo dầu vừa chín thì múc vá bột đổ vào tráng đều, rắc vài ba con tôm, ít nấm rơm, bốc nhúm giá đỗ trải trên lớp bánh úp vung chừng 30 giây là gắp bánh ra dĩa để đúc chiếc khác. Cứ thế, đôi tay của vợ thao tác đều đều, rất thành thạo. Tôi cứ đứng trân người cạnh bếp nhìn chiếc chảo sủi bọt dầu nóng hổi không biết chán, vợ phải giục: “Anh làm rau sống đi chớ. Nhớ cắt mấy trái chuối chát xắt trộn mới ngon”. Cũng là thứ cất trong tủ lạnh để dành dùng dần, cha con tôi ngồi nhặt bỏ những lá rau úa vàng do thời gian ngâm lạnh lâu. Đứa con gái làm lụng vô tư nhưng tôi lại miên man, nghĩ ngợi.
Chẳng biết bánh xèo xuất xứ từ bao giờ mà thấy tên gọi cũng có nguyên cớ của nó, bởi khi dầu trên chảo đang ở nhiệt độ cao bị đổ nước bột gạo vào thì phản ứng phát ra âm thanh x…è…o kéo dài nhỏ dần cho tới lúc bánh chín. Những chiếc bánh xèo được dọn ra mâm vàng rộp, nóng hổi và cả nhà quây quần bên nhau để ăn bữa tối. Ai cũng lấy miếng bánh tráng loại mỏng đặt lên bàn tay, gắp miếng bánh xèo đã được cắt làm tư, bỏ ít rau sống vào giữa cuốn tròn chấm chén nước mắm dằm ớt tỏi, cắn từng khúc. Vị béo ngậy của bánh xèo, vị cay nồng thoang thoảng của ớt tỏi, mùi thơm đậm đà vị mặn của nước mắm cá cơm màu cánh gián làm cho cả nhà đều hít hà khen ngon.
Không ai rõ bánh xèo xuất từ bao giờ và nơi nào có trước, chỉ biết từ thuở xa xưa người dân Đà Nẵng, Quảng Nam đã biết chế biến món bánh xèo để thay đổi bữa cơm của gia đình. Hiện tại nhiều nơi từ quê đến phố đều có mở quán bánh xèo phục vụ khách rất chu đáo. Bánh xèo được đúc với nhiều loại nhưn, cuốn kèm rau gì cũng được, song nếu thiếu giá đỗ chắc có lẽ không phải bánh xèo. Những chiều đông âm u, mưa rả rích, các quán bánh xèo trong từng ngõ nhỏ, phố nhỏ càng dập dìu khách khứa vô ra.
Vẫn biết những chiếc bánh xèo vàng hươm, giòn rụm ở quán được tạo thành từ những bàn tay chuyên nghiệp của các mẹ, các chị rất khéo và thơm ngon tuyệt hảo, thế nhưng tôi vẫn thích mình được cùng người thân trong gia đình vào bếp. Mỗi khi tiếng x...è…o phát ra từ chiếc chảo nghi ngút khói, tôi lại nhớ về những chiều xưa gió mưa dầm dề, cánh đồng làng phía trước nhà chỉ còn trơ gốc rạ mẹ mới xay bột đúc bánh xèo cho các con ăn. Còn bây giờ khi cả gia đình quây quần bên mâm bánh xèo tỏa mùi phưng phức rất hấp dẫn, song tôi luôn có cảm nhận vẫn không thể nào ngon hơn những cái bánh xèo ngày xưa của mẹ!
THÁI MỸ