Cây sầu đâu chữa bệnh?

.

* Tôi nghe nói trong dân gian có bài thuốc dùng các bộ phận của cây sầu đâu để chữa một số bệnh. Xin quý báo giải thích rõ hơn về nội dung này. (Trương Văn Mỹ, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Ăn quả sầu đâu có thể bị ngộ độc. Ảnh: V.T.L
Ăn quả sầu đâu có thể bị ngộ độc. Ảnh: V.T.L

- Trước hết, xin lưu ý là không phải loại sầu đâu nào cũng có thể dùng để chữa bệnh.
Theo phân tích của Công ty TNHH Thảo dược Kiên Minh (vienthiacanh.vn), cây sầu đâu có tên gọi khác là cây Neem, sầu đông, xoan Ấn Độ; tên khoa học là Azadirachta indica, thuộc họ Meliaceae; tên Tiếng Anh: Neem tree.

Nhiều người lầm tưởng sầu đâu chính là cây xoan Việt Nam vì bề ngoài của chúng khá giống nhau. Tuy nhiên, hai loại cây này khác nhau hoàn toàn. Sầu đâu hay xoan Ấn Độ có lá xanh, hoa màu trắng, lá có thể ăn được và là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Xoan Việt Nam có lá xanh nhưng hoa tím và đặc biệt lá độc không ăn được.

Bác sĩ Thanh Lan trong bài viết “Thận trọng khi sử dụng lá sầu đâu chữa bệnh” đăng trên Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế), cho biết cụ thể hơn: Hiện ở nước ta có nhiều loại sầu đâu như sầu đâu bản địa, sầu đâu Ấn Độ và sầu đâu rừng. Sầu đâu bản địa còn gọi là cây xoan, xoan trắng, sầu đông, thầu đâu, khổ luyện, xuyên luyện... Cây to, thân gỗ cao từ 8-15m, lá kép lông chim lẻ, cụm hoa mọc ở lá thành xim phân đôi, mọc trước hoặc cùng thời gian với lá non. Hoa có màu trắng hoặc tím nhạt.

Sầu đâu Ấn Độ còn có tên khác là cây nim, được trồng nhiều và phát triển tốt tại Ninh Thuận, lá có thể dùng để làm gỏi (còn gọi là xoan ăn gỏi). Còn sầu đâu rừng thuộc họ thanh thất, cây dạng tiểu mộc, mọc thành bụi, chùm; còn gọi là sầu đâu cứt chuột, khổ luyện tử, nha đảm tử, khổ sâm... Loại này có công dụng và độc tính giống sầu đâu bản địa.

Cây sầu đâu bản địa hiện có tên trong danh sách dược liệu của Việt Nam. Các bộ phận của cây có vị đắng, tính lạnh nhưng chỉ vỏ rễ và vỏ thân cây mới được dùng trong y học. Hoạt chất chính trong vỏ rễ và thân là chất toosendamin, còn gọi là khổ luyện tố, có tác dụng diệt giun đũa, giun kim, chống nấm, chống độc tố botudin do vi khuẩn gây ra. Riêng các bộ phận khác của sầu đâu có chứa độc tố. Tùy vào liều lượng, độ mẫn cảm của đối tượng sử dụng mà mức độ độc tính cũng khác nhau.

Lá sầu đâu bản địa được dùng làm thuốc diệt côn trùng, sâu bọ chứ không ăn vì có thể gây nguy hiểm và cũng chưa được nghiên cứu nhiều. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta cho lá sầu đâu vào chum đựng các loại hạt ngũ cốc, gạo... để tránh phát sinh nấm, sâu mọt hoặc dùng nước sắc lá sầu đâu (4kg lá trong 10 lít nước) phun lên lá cây bị sâu bọ ăn hại.

Ăn quả sầu đâu có thể bị ngộ độc như: nôn mửa, tiêu chảy, suy thận, xuất huyết nội tạng, tim đập nhanh...

Bác sĩ Thanh Lan kết luận: “Theo nghiên cứu, các loại sầu đâu đều có dược tính, tuy đem lại lợi ích trị bệnh nhưng độc tính cũng cao. Nếu sử dụng không đúng và quá liều có thể ảnh hưởng xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người dân không nên sử dụng làm thuốc hoặc rau ăn hằng ngày một cách tùy tiện, đặc biệt không nên ăn một lúc quá nhiều vì độc tố sẽ vượt khả năng chịu đựng của cơ thể”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.