Cách tổ chức chăm sóc người già phòng đột quỵ tại một thành phố nhỏ của Nhật Bản minh chứng cho những lợi ích thiết thực từ cách tiếp cận phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị khác nhau trong hệ thống y tế.
Một phụ nữ cao tuổi đang đi trên đường phố Tokyo. Khoảng 29% số người Nhật có độ tuổi trên 65, tỷ lệ cao nhất thế giới. Ảnh: AFP |
Với tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới, trong 2 thập niên qua, Nhật Bản rất chú trọng tìm giải pháp kết nối giữa việc điều trị tại bệnh viện với các nỗ lực phòng ngừa quy mô lớn hơn và dịch vụ chăm sóc người già.
Kết hợp các dịch vụ chăm sóc y tế công và tư
Năm 2000, Nhật Bản triển khai Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn, được thành lập để cấp nguồn tài chính chăm sóc lâu dài cho những người trên 65 tuổi, nhóm tuổi chiếm khoảng 29% dân số của xứ sở hoa anh đào. Không giống các chương trình phúc lợi khác, hệ thống này ưu tiên lựa chọn cá nhân của người bệnh và tích hợp các hoạt động chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội. Theo đó, số người được hưởng các lợi ích từ chương trình như thăm tận nhà và các dịch vụ chăm sóc người già đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ khi chương trình ra mắt, lên 6,7 triệu người.
Từ năm 2006, Nhật Bản triển khai hệ thống chăm sóc tích hợp dựa vào cộng đồng. Theo sáng kiến này, chính quyền các thành phố nhắm tới lộ trình đến năm 2025 sẽ điều phối kết hợp các dịch vụ chăm sóc y tế công và tư dành cho người lớn tuổi. Mục tiêu là giúp người già vừa có thể sống ngay tại cộng đồng, vừa tiếp tục hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn.
Một quan chức y tế Nhật Bản từng chia sẻ với báo Financial Times rằng: “Nhật Bản đang phải chịu tác động kép của việc già hóa dân số rất nhanh trong khi tỷ suất sinh giảm”. “Hệ thống chăm sóc tích hợp của chúng tôi là nỗ lực ở mức từ trung tới dài hạn nhằm kiềm chế các rủi ro như thiếu hụt lao động, bằng cách xây dựng một hệ thống dựa trên cộng đồng thay vì chỉ phụ thuộc vào các nhân viên chuyên trách”, người này nói.
Bốn năm trước, giống như nhiều nơi khác ở Nhật, thành phố Komagane (tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản) có tỷ lệ dân số già rất lớn, chiếm gần 1/3 trong tổng số 32.000 cư dân, cũng là những người đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao. Đáng nói hơn, tỷ lệ người chết vì đột quỵ tại Komagane lúc đó, đặc biệt ở nữ giới, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình cả nước.
Giới chức y tế thành phố Komagane hiểu rõ người bệnh đột quỵ đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng hơn nhiều nếu bệnh tái phát; trong trường hợp không tử vong, người bệnh cũng đối mặt với những hậu quả tồi tệ vĩnh viễn. Họ cũng hiểu những thay đổi trong lối sống có thể giảm thiểu nguy cơ, nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó?
Khi các quan chức thành phố Komagane bắt tay hợp tác với Bệnh viện đa khoa Showa Inan - bệnh viện lớn nhất tại địa phương, để đưa chính sách chăm sóc tích hợp dựa vào cộng đồng vào thực tiễn, họ thấy rõ tình trạng tái đột quỵ là nhân tố đáng kể khiến tỷ lệ tử vong vì bệnh này của thành phố tăng cao. Bên cạnh đó, hầu hết các ca tử vong thường xảy ra trong năm đầu tiên sau khi người bệnh ra viện.
Cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ
Theo chương trình hành động chung do chính quyền thành phố và các bác sĩ cùng xây dựng, người bệnh đột quỵ có thể lên kế hoạch để quản lý sức khỏe với sự hỗ trợ của y tá và chuyên gia dinh dưỡng. Sau khi ra viện, họ được phát thiết bị đếm bước chân để theo dõi vận động, được yêu cầu ghi lại thói quen ăn uống hằng ngày và chỉ số huyết áp vào một cuốn sổ tay.
Trên cơ sở các dữ liệu này, nhân viên bệnh viện theo dõi tình trạng người bệnh trong suốt 12 tháng sau khi ra viện nhằm bảo đảm họ vẫn duy trì kế hoạch quản lý sức khỏe.
Để giúp sự phối hợp này đơn giản hơn, thành phố Komagane lập một văn phòng ngay tại Bệnh viện đa khoa Showa Inan kết nối trực tiếp với những người lớn tuổi cần chăm sóc dài hạn.
Các nỗ lực của họ đã được đền đáp. Dữ liệu thống kê của bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tái phát ở người bệnh đột quỵ sau một năm ra viện giảm từ 10% năm 2017 xuống 3% năm 2020.
Ông Tatsuya Hama, một quan chức thành phố Komagane tham gia dự án cho biết, sự hợp tác giữa thành phố và bệnh viện đã tạo thêm nhiều lợi ích cho các lĩnh vực khác trong chăm sóc y tế. Chẳng hạn, lúc Covid-19 bùng phát, thành phố của ông có thể điều phối nhân viên bệnh viện để hỗ trợ người bệnh Covid-19 và gia đình họ sau khi xuất viện.
Mô hình của Komagane thành công tới mức Nhật Bản đang quảng bá về cách làm của địa phương này như hình mẫu cho việc chăm sóc sức khỏe tích hợp (integrated healthcare) trên toàn châu Á. Chương trình nhấn mạnh nhu cầu hợp tác sâu hơn giữa các đơn vị khác nhau trong hệ thống chăm sóc y tế ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia.
ĐỖ DƯƠNG (theo Financial Times)