Đà Nẵng - những đổi thay từ sau năm 1975

.

Từ sau tháng 3-1975, huyện Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 16 xã: Hòa Châu, Hòa Khánh, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Minh, Hòa Nhơn, Hòa Phát, Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Quý, Hòa Sơn, Hòa Thọ, Hòa Tiến, Hòa Xuân, Hòa Hải, Hòa Hiệp - bao gồm cả Hòn Sơn Trà con thuộc xã Hòa Hiệp và quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc xã Hòa Hải chưa được nâng cấp thành huyện đảo.

Đến ngày 23-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 79-HĐBT phân vạch địa giới một số xã và thị trấn thuộc huyện ở Quảng Nam - Đà Nẵng, theo đó chia xã Hòa Liên thành 2 xã lấy tên là xã Hòa Bắc và xã Hòa Liên, chia xã Hòa Sơn thành 2 xã lấy tên là xã Hòa Sơn và xã Hòa Ninh - huyện Hòa Vang lúc này có 18 xã.

Ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, mở ra chặng đường xây dựng và phát triển với diện mạo đô thị được chỉnh trang, quy hoạch theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, mở ra chặng đường xây dựng và phát triển với diện mạo đô thị được chỉnh trang, quy hoạch theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN

Ngày 11-1-1986, Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục ban hành Quyết định số 05/HĐBT về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn của các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn và Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, theo đó tiếp tục chia xã Hòa Phong thành 2 xã lấy tên là xã Hòa Phong và xã Hòa Phú - huyện Hòa Vang đã có cả thảy 19 xã. Đặc biệt, ngày 11-2-1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 194/HĐBT về việc thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Nhiều người chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai

Một thay đổi đáng kể nữa của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1975 - đúng hơn là từ sau tháng 3-1975, đến cuối năm 1996 là trên cơ sở đất nước thống nhất, đã diễn ra hiện tượng chủ động hồi cư và vận động hồi cư về quê cũ, hoặc vận động chuyển đến các vùng kinh tế mới, đối với những người nhập cư trong thời gian chiến tranh.

Đương nhiên trong giai đoạn này, Đà Nẵng - với tư cách là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng - còn có nguồn nhập cư mới từ 3 nhóm cán bộ khu/tù/kết (ở vùng giải phóng xuống/ở tù ra/ở ngoài Bắc về quê) và nhóm cán bộ miền Bắc chi viện, cùng với gia đình họ, đến sống và làm việc ở thành phố này. Đó là chưa kể trước năm 1997, Đà-Nẵng-cấp-huyện có một nguồn nhập cư nội tỉnh không nhiều nhưng thường xuyên là số cán bộ/công chức/viên chức - và thường kèm theo gia đình họ - được điều động/thuyên chuyển về tỉnh lỵ để công tác tại các cơ quan/đơn vị cấp tỉnh.

Sự phát triển vượt bậc của hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập trong giai đoạn này góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm giáo dục đại học trong khu vực duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên, cũng tác động rõ nét đến việc gia tăng nguồn sinh viên và giảng viên ngoại tỉnh nhập cư vào thành phố, trong đó nhiều người đã trở thành người Đà Nẵng, chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai…

Phát triển về giáo dục

Một thay đổi khác của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1975 - đúng hơn là từ sau tháng 3-1975 - đến cuối năm 1996 là trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Từ chỗ có rất ít trường công lập - nhất là ở bậc trung học, từ sau năm 1975 tất cả các trường học trên địa bàn Đà Nẵng/Hòa Vang đều được công lập hóa - không còn trường bán công và tư thục; càng không còn những trường học do tôn giáo quản lý, không còn trường dành riêng cho nữ sinh, không còn trường dành riêng cho con em người Hoa. Trong mấy thập niên, hầu như không còn mô hình trường trung học 7 năm từ lớp 6 đến lớp 12 như Trung học Phan Châu Trinh trước năm 1975, thay vào đó là mô hình trường phổ thông cơ sở 9 năm từ lớp 1 đến lớp 9.

Đến nửa đầu thập niên 1990, tiếng Nga chiếm vị thế áp đảo, thậm chí gần như độc tôn trong dạy - học ngoại ngữ ở trường phổ thông. Nhà trẻ và trường mẫu giáo công lập phát triển mạnh trên địa bàn, nhất là khu vực nội thành như Nhà trẻ Tiên Sa, Mẫu giáo Mầm Non, Mẫu giáo Tuổi Thơ, Mẫu giáo Ánh Hồng…

Và như đã nói trên, hệ thống trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp công lập phát triển vượt bậc so với trước năm 1975, với sự ra đời của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng, Trường Trung học Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng (trước năm 1975 có Trường Sư phạm Đà Nẵng từ niên khóa 1972-1973), Trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam Đà Nẵng, Trường Dạy nghề Nguyễn Văn Trỗi…

Đến thập niên 1990, Đà Nẵng mới chuyển một số trường công lập sang trường bán công: Năm học 1992-1993 chuyển Trường Phổ thông trung học công lập Trần Phú trên đường Trần Phú thành Trường Phổ thông trung học bán công Trần Phú; năm học 1995-1996 chuyển Trường Bổ túc văn hóa tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành Trường Phổ thông trung học bán công Ngô Quyền và năm học 1996-1997 xây dựng thêm Trường Phổ thông trung học bán công Nguyễn Hiền trên đường Phan Đăng Lưu. Năm 1990, Trường Mầm non - Tiểu học tư thục Đức Trí (trường tư đầu tiên ở Đà Nẵng sau năm 1975) được thành lập trên đường Phan Châu Trinh. Đà Nẵng cũng là địa phương sớm có mô hình dân lập/tư thục ở bậc đại học, tiêu biểu như Đại học Dân lập Duy Tân khai giảng vào cuối năm 1994.

Hình thành mô hình hợp tác xã

Một thay đổi khác nữa của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1975 - đúng hơn là từ sau tháng 3-1975 - đến cuối năm 1996 là mô hình hợp tác xã (HTX) được hình thành và phát triển trên nhiều lĩnh vực như tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp...

Có thể nói, trong quá trình thực hiện cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa vào thập niên từ năm 1975-1985, mô hình HTX nông nghiệp ở miền Bắc thời bao cấp tác động khá sớm và khá mạnh tới lĩnh vực nông nghiệp của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang ngay sau năm 1975, trong đó nổi bật là HTX nông nghiệp Hòa Tiến 1 ở xã Hòa Tiến huyện Hòa Vang - là một trong 3 HTX nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập từ năm 1977; hay HTX Nông nghiệp 1 Hòa Châu thành lập tháng 9-1978 - là một trong 7 hợp tác xã tiên phong đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và giữ vững 10 năm là HTX tiên tiến xuất sắc đã được khen tặng là HTX nằm trong danh sách Câu lạc bộ 10 tấn/năm của toàn quốc; hay HTX Nông nghiệp Hòa Nhơn 3 đã xây dựng hồ chứa nước Trước Đông khởi công đầu năm 1982, hoàn thành đầu năm 1983 với dung tích 2,5 triệu m³, diện tích 35 ha mặt nước - là hồ chứa nước lớn thứ ba của thành phố Đà Nẵng. Hình thức công - tư hợp doanh cũng được quan tâm xây dựng trong giai đoạn này như Xí nghiệp công - tư hợp doanh Dệt 29 tháng 3 thành lập năm 1978, hay Xí nghiệp công - tư hợp doanh Vận tải ô-tô hàng hóa Quảng Nam Đà Nẵng...

Nhanh chóng thích nghi với tư duy đổi mới kinh tế

Vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang cũng là địa phương nhanh chóng thích nghi với tư duy đổi mới kinh tế do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986. Có thể kể một vài thành tựu trong công cuộc đổi mới trên lĩnh vực kinh tế ở Đà Nẵng vào thập niên 1986-1996, chẳng hạn năm 1992 Liên doanh giữa Tập đoàn Furama Hotels & Resorts International FHRI và Khu du lịch Bắc Mỹ An với số vốn đầu tư 42 triệu USD đã được thành lập để khởi công xây dựng Khu nghỉ dưỡng ven biển Furama - khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên và chính thức đưa Việt Nam lên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng biển sang trọng trên thế giới từ năm 1997; Khu chế xuất An Đồn mở ra triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở Đà Nẵng. Sự phát triển khu chế xuất trong giai đoạn này cũng tạo điều kiện thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài và lao động ngoại tỉnh nhập cư vào thành phố.

Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn này, vị trí pháp lý của vùng đất Đà Nẵng luôn là một vấn đề được các cấp có thẩm quyền tập trung giải quyết. Sau tháng 3-1975, vùng đất Đà Nẵng được chia thành 3 đơn vị hành chính cấp huyện là quận I, quận II và quận III thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Vì vậy, sự kiện thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 228-CP ngày 30-8-1977 của Hội đồng Chính phủ - “nay phê chuẩn việc hợp nhất các quận I, II và III thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính thống nhất lấy tên là thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng” - được xem là sự kiện lịch sử mang tính động lực đầu tiên nhằm thúc đẩy vùng đất Đà Nẵng phát triển đúng tầm, đưa Đà Nẵng trở thành thủ phủ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng một cách đầy thuyết phục, nhất là khi Đà Nẵng được xếp hạng đô thị loại II theo tiêu chuẩn nêu trong Quyết định số 132-HĐBT ngày 5-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị.

Sự kiện lịch sử mang tính động lực nhằm thúc đẩy vùng đất Đà Nẵng phát triển đúng tầm là sự kiện tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 ngày 6-11-1996 của Quốc hội khóa IX. Ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng chính thức bước vào một giai đoạn phát triển mới với 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

BÙI VĂN TIẾNG 
;
;
.
.
.
.
.