Nước đã tràn đồng

.

Phải nói, đi lội đồng mùa lũ, râm ran và vui thích hệt như trẩy hội. Đứa nào đứa nấy da thâm nhợt, môi răng đánh lập cập vì dầm mưa và gió lạnh, thế mà vẫn cứ reo thích.

Dân gian thường có câu “Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, nhưng trong ký ức của một đứa trẻ “rặt” làng như tôi thì phải tầm đến tháng 9, tháng 10 âm lịch, nước mới nhảy. Vào độ ấy, mặt trời thường đi vắng, bầu trời ngày nào cũng xám xịt, sà thấp xuống, bầu không khí luôn ẩm ướt và sủng nước luôn chực chờ một cơn mưa. Hầu như ngày nào trời cũng mưa và mưa thường to hơn vào ban đêm. Sáng ra, nước dâng lên tràn đồng trắng bãi. Xóm dưới, xóm trên lại í ới gọi nhau đi đặt trúm, giăng lưới, thả lừ. Mấy đứa trẻ con quần xắn móng giò ống cao ống thấp, cũng le te chạy theo ra đồng cất vó.

Phải nói, đi lội đồng mùa lũ, râm ran và vui thích hệt như trẩy hội. Đứa nào đứa nấy da thâm nhợt, môi răng đánh lập cập vì dầm mưa và gió lạnh, thế mà vẫn cứ reo thích. Đứa khéo thì cất được vài con cá, hai ba lạng tôm, có đứa chẳng được con nào cũng hả hê cười tít mắt, đến gần trưa mới hớt hải mò về đến nhà.

Mùa nước lên, có loài cá từ thượng nguồn sông suối tràn về, có loài quanh năm chỉ sống trong ao, đìa lại đến mùa sinh sôi nảy nở. Tôi nhớ mãi tiếng gọi của mấy chú mấy bác trong thôn: “Bé ơi, bảo mẹ mua cá, mua tép? Nay nước tràn nên toàn cá ngon thôi”. Nhìn chậu cá, tép nhảy tanh tách, mình mẩy trong veo lấp lánh, tôi đáp dạ dạ không dứt.

Nội thường bảo, mùa nước sỉa thì chả cần gì chợ búa, sáng ra cứ cắt tàu lá chuối xoáy bốn góc, rồi ra đầu cống làng đứng ngóng, tha hồ món ngon để chọn.

Thiệt, bữa cơm mùa nước sỉa là đặc ân, có cá bống khom lưng ôm trứng kho nghệ tươm vàng, có đòng đong cân cấn (cá cấn) kho lá ném nồng thơm, có canh chua với lươn um, cá ngạnh, cá chẻng, có rô thia, cá mại, rồi rô ron rán mỡ bừng dậy cả nhà.

Trong các món, tôi thích nhất vẫn là món cá cấn kho nghệ. Cá cấn mặc dù không nhiều trứng, nhiều thịt bằng cá bống nhưng nó lại có vị ngon độc đáo rất bắt cơm. Nó là loại cá vụn, con to nhất cũng chỉ bằng đầu ngón tay cái, lại nhiều xương nên với những người làm nghề chài lưới thì thật sự cũng chẳng bổ béo gì. Có khi nó được xếp vào hàng phế phẩm đem cho vịt, ngan ăn. Thế nhưng với những người ghiền hương vị đắng nhân nhẫn thì loài cá ngũ sắc này đôi lúc cũng làm nên công chuyện.

Nội sẽ kiếm một cái nồi đất con con. Mớ cá rửa sạch, bỏ vô nồi đã được lót sẵn một lớp lá ném, nghệ tươi đâm nhuyễn. Kho cá cấn tốt nhất là vần lửa than hoặc để lửa ngọn nhỏ liu riu, lúc cá bắt đầu đổi màu thì rưới thêm ít nước đường, nước mắm, ớt bột và mỡ heo. Tiếng mỡ xèo sim síp, mùi nước mắm, đường và các loại gia vị bắt đầu dậy lên tỏa khắp gian bếp khiến tôi mê mải ăn trước bằng mắt.

Làng tôi là vùng quê quanh năm ruộng vườn êm ả, lưng tựa vào sông mặt hướng ra đồng. Mỗi năm vào mùa nước nhảy, ba tôi không gieo hạt, canh tác mùa màng nữa, ba tăng gia sản xuất bằng cách dựa vào con nước. Ba thăm dò đoạn mương, ruộng trũng trước nhà chỗ nào thích hợp để đặt chuôm. Khi có được chỗ, ba mới bắt đầu đi gom vật liệu. Đặt chuôm chính là làm nhà cho cá ở, nên ba chọn cành cây, nhánh nè nào có nhiều lá, nhiều nhánh nhỏ để tạo thành hang hốc, nơi chui rúc trú ẩn cho cá tôm.

Có đợt, chỉ sau một tuần, 10 ngày đặt chuôm, ba xách thau chậu ra thu hoạch thành phẩm, nhưng có đợt phải hơn một tháng, ba mới tháo chuôm. Đó là lúc gần cuối mùa, trời bắt đầu trở ấm, nắng liên tục bừng lên hong ráo cánh đồng. Nước ở các đám ruộng, mương, lạch bắt đầu rút cạn, xuôi về chỗ sâu hơn. Ba rủ mẹ con tôi đi tát cá. Tôi được chỉ định ngồi yên trên bờ canh giỏ, còn mẹ phối hợp với ba, người tháo lạch rút nước, người lại mò mẫm canh chỗ trũng để tôm, cá khỏi trườn ra. Khi nước được tát cạn xâm xấp mặt bùn, ba dùng tay mò cá. Lúc đầu, ba sục sạo những con rô, tràu, trê to gần bằng cổ tay, sau đó sẽ đến loài da trơn như lươn, chạch, cá nhét… Có đám bùn quánh chân, có nơi lại mềm nhão nhoẹt, nhưng bằng sự khéo léo và thành thục của mình, ba chẳng để con nào kịp chui nhủi, hay trốn thoát.

Bây giờ, quê tôi đã đến mùa mưa, những con nước từ thượng nguồn đổ về, từ sông suối ao đìa tràn lên. Ở nơi xa, sớm mai ngồi nhìn mưa rơi qua ô cửa, tôi nhớ nội, nhớ nồi cá cấn kho, nhớ những ban mai reo vui giữa xóm làng cùng hương bùn đìa xâm xấp, ngai ngái.

MINH THI

;
;
.
.
.
.
.