Hôm 28-10, ông chủ công ty mạng xã hội Facebook thông báo một tin dù đã được chờ đợi, phỏng đoán, nhưng vẫn gây chú ý lớn với dư luận: đổi tên Facebook thành Meta Platforms, hay ngắn gọn hơn chỉ là “Meta”.
Tỉ phú Mark Zukerberg công bố về những tham vọng gắn với tương lai metaverse của Facebook sau khi đổi tên công ty thành Meta. Ảnh: QUARTZ |
Quyết định đổi tên công ty của ông Marck Zuckerberg là động thái rõ rệt nhất cho thấy Facebook sẽ có sự chuyển hướng chiến lược kinh doanh lõi trong tầm nhìn ít nhất 10 năm nữa. Theo đó, công ty mạng xã hội này sẽ tập trung phát triển theo hướng đưa Facebook từ một công ty mạng xã hội thành một công ty metaverse (vũ trụ ảo) - thế hệ tiếp theo của Internet. Vũ trụ ảo sẽ phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ thực tế ảo, theo đó, thay vì lướt web, gửi tin nhắn qua mạng, bạn có thể cảm thấy giống như mình đang hiện diện thực sự ở một nơi nào đó, tương tác với những phiên bản ảo của người thực, địa điểm thực và cửa hàng thực.
Metaverse là gì?
Nhưng metaverse (vũ trụ ảo) đó là gì, hay nói chính xác hơn nội hàm định nghĩa cụ thể của nó là gì? Thực tế, metaverse chưa thực sự tồn tại, ít nhất là lúc này. Tìm về thuở ban đầu của nó, ý tưởng về một vũ trụ ảo từng được phổ biến từ năm 1992 khi tiểu thuyết viễn tưởng Snow Crash của Neal Stephenson ra đời. Trong cuốn sách đó nhân vật chính có thể đi lại, hoạt động trong một thế giới thực tế ảo. Cùng đeo đuổi và hình dung thêm về ý tưởng này, các cuốn sách, bộ phim và chương trình truyền hình khoa học viễn tưởng khác như The Matrix, Ready Player One, và Stranger Things cũng đã khám phá ý tưởng về “các thế giới ảo song song tồn tại cùng thế giới thật, nơi mọi thứ trong thế giới thật đều có một phiên bản số của nó trong thế giới ảo”.
Trong vũ trụ ảo metaverse, bạn có thể tới trường, đi làm, chơi game, xem hòa nhạc, lướt dạo qua các cửa hàng và còn nhiều trải nghiệm khác mà không hề phải đi đâu. Nếu mạng Internet là không gian hai chiều - nơi bạn thấy chữ và hình ảnh trên các màn hình phẳng - thì metaverse là một dạng không gian ba chiều và đa cảm giác, mang lại những trải nghiệm và cảm giác “thật” hơn rất nhiều.
Tại thời điểm này, đã có một số không gian ảo mang những đặc tính tương đồng với metaverse như nền tảng tương tác mạng xã hội Topia và nền tảng thực tế ảo AltspaceVR. Các nhà sản xuất game online như Fortnite và Roblox có lẽ là những công ty đã được chuẩn bị kỹ càng nhất để tiến vào thế giới metavese.
Việc Facebook bất ngờ đổi tên cũng được cho là cách để công ty này vượt khủng hoảng. Họ muốn thoát khỏi những cáo buộc cho rằng Facebook đặt lợi nhuận trên sự an toàn và hạnh phúc của người dùng từ cựu nhân viên Frances Haugen đã điều trần trước thượng viện Mỹ, quốc hội Anh và sắp tới là nghị viện Liên minh châu Âu (EU).
Đổi tên có thoát khủng hoảng?
Bên cạnh những ý kiến cho rằng Facebook thay đổi tên gọi như một cách khẳng định thông điệp của họ về thay đổi chiến lược kinh doanh, cũng có những quan điểm trong giới quan sát cho rằng ông lớn mạng xã hội chỉ đang chơi chiêu để đánh lạc hướng dư luận. “Facebook thành Meta: Tên mới nhưng các vấn đề thì cũ”, đó là tiêu đề bài viết cho thấy rõ quan điểm này của chuyên trang công nghệ có tiếng CNET.
Trang này cho rằng trong bối cảnh ngập đầu vì các bê bối, Facebook đổi tên thành Meta, song khoan hãy bàn tới những chiến lược phát triển metaverse xa xôi, CNET cho rằng họ phải lấy lại được niềm tin của người dùng trước đã.
“Câu thần chú” một thời của Facebook là “tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ” (Move fast and break things) từng được nêu ra như một thông điệp khuyến khích những ý tưởng mới mà không cân nhắc kỹ lưỡng những nguy cơ của chúng. Và vũ trụ ảo metaverse sẽ tạo nên môi trường hoàn toàn mới cho các vấn đề tồn tại của Facebook tiếp tục “bắt rễ”.
Tới thời điểm này, Facebook đang đối mặt với một loạt cáo buộc về quyền riêng tư dữ liệu người dùng, nội dung thù địch, chia rẽ và thông tin sai, tin giả trên nền tảng mạng xã hội của họ. Mạng xã hội này cũng bị cáo buộc phá hoại nền dân chủ và tạo điều kiện cho tình trạng bắt nạt và chế giễu người khác.
Dĩ nhiên Facebook phủ nhận mọi cáo buộc đó. Họ khẳng định đang có hơn 40.000 nhân viên đảm nhiệm việc giữ an toàn và an ninh cho người dùng trên Facebook. Khoảng 3,58 tỉ người dùng Facebook và các dịch vụ khác của họ mỗi tháng.
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng chiêu thay tên đổi vận của Facebook sẽ không giúp họ tránh xa được các rắc rối hiện nay. “Việc đổi tên không thể ngay lập tức xóa sổ những vấn đề thuộc về hệ thống vốn đã nhấn chìm công ty này”, Phó Chủ tịch công ty Forrester kiêm Giám đốc nghiên cứu, ông Mike Proulx bình luận. “Nếu Meta không giải quyết được các vấn đề của nó thay vì giữ quan điểm phòng thủ, hời hợt, các vấn đề tương tự đó vẫn sẽ tiếp tục chiếm lĩnh ở metaverse”.
Công ty Forrester đã khảo sát ngẫu nhiên 745 người sống tại Mỹ, Canada và Anh, 75% trong họ cho rằng việc đổi tên công ty không làm tăng thêm niềm tin của họ với Facebook.
Các thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Marsha Blackburn cũng đã cảnh báo Facebook việc đổi tên sẽ không khiến họ từ bỏ theo đuổi việc điều tra về những bê bối liên quan công ty. Đây chính là hai nhà lập pháp đã chủ trì tiểu ban thượng viện gần đây tổ chức phiên điều trần với cựu nhân viên Frances Haugen của Facebook.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Quartz, CNET)