Người Đà Nẵng với Chu Văn An

.

Trong 6 người Việt Nam được UNESCO vinh danh trên lĩnh vực văn hóa, có 3 người từng làm nghề dạy học: Một là Hồ Chí Minh - thầy giáo Nguyễn Tất Thành - với khoảng hơn 1 năm dạy học ở Trường Dục Thanh Phan Thiết; hai là Nguyễn Đình Chiểu với khoảng hơn 30 năm vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy giáo ở Gia Định và ở quê nhà Ba Tri Bến Tre; ba là Chu Văn An suốt đời theo đuổi sự nghiệp trồng người. Cả ba danh nhân văn hóa thế giới này đều là những nhà thơ.

Danh nhân văn hóa Chu Văn An. (Ảnh tư liệu)
Danh nhân văn hóa Chu Văn An. (Ảnh tư liệu)

Đóng góp lớn nhất của thầy giáo Chu Văn An cho sự nghiệp giáo dục Đại Việt đương thời là đã tự mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung bên kia sông Tô Lịch, góp phần đào tạo hơn 3.000 học trò hầu hết là con cái thường dân. Trong sách Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - 3 bậc thầy của giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục, 1997), nhà nghiên cứu Trần Lê Sáng đánh giá rất cao về đóng góp này của thầy giáo Chu Văn An: “Suốt cuộc đời mình, Chu Văn An không lúc nào sao nhãng sự nghiệp giáo dục... Điểm nổi bật trong công lao đóng góp của ông là việc sáng lập nên trường học trong nhân dân; việc học và dạy có kết quả lớn. Trường Huỳnh Cung đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch trình phát triển sâu rộng của nền giáo dục nước ta”.

Từ thầy giáo trở thành nhà thơ

Có thể nói, Chu Văn An là người đầu tiên khởi xướng loại hình trường ngoài công lập ở nước ta, góp phần tạo cơ hội học tập cho con em những người lao khổ trong bối cảnh trường công lập đang hết sức hiếm hoi và chủ yếu chỉ dành cho con nhà quyền quý. Trong khoa thi năm Giáp Dần 1314, hai học sinh trường Huỳnh Cung của thầy giáo Chu Văn An cùng đỗ Thái học sinh - tương đương học vị Tiến sĩ ngày nay, từ đó thương hiệu Chu Văn An và Huỳnh Cung được nhiều người nghe tên biết tiếng. Do vậy, vua Trần Minh Tông đã cho mời Chu Văn An làm Tư nghiệp/Hiệu trưởng Quốc tử giám nhưng thực chất là giao nhiệm vụ trực tiếp dạy Thái tử Trần Vượng. Sau khi Thái tử Trần Vượng trở thành vua Trần Hiến Tông vào năm 1329, Tư nghiệp Chu Văn An mới có thể bắt đầu chuyên tâm vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Quốc tử giám, biên soạn bộ sách giáo khoa Tứ thư thuyết ước…

Đời vua Trần Dụ Tông, sau khi dâng Thất trảm sớ xin chém đầu 7 nịnh thần mà không được vua chấp thuận, Chu Văn An từ chức để về Chí Linh tiếp tục làm thầy giáo làng, gắn bó với sự nghiệp trồng người cao quý cho đến cuối đời. Câu chuyện dâng sớ xin xử tội các quan chức triều đình thoái hóa biến chất và văn hóa từ chức của quan Tư nghiệp Chu Văn An đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Trong 6 người Việt Nam được UNESCO vinh danh trên lĩnh vực văn hóa thì cả 6 người đều làm thơ - có người rất nổi tiếng như Nguyễn Du - tác giả Truyện Kiều. Nhà thơ Chu Văn An có 2 tập thơ Tiều Ẩn thi tập bằng chữ Hán và Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm. Tên hai thi tập này - Tiều Ẩn nghĩa là người ẩn dật đốn củi - cho thấy Chu Văn An sáng tác thơ chủ yếu sau khi đã rời bỏ chính trường về núi Phượng Hoàng (nay thuộc xã Văn An - địa danh hành chính mang tên Chu Văn An - huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sinh sống và dạy học. Tuy nhiên, hầu hết thơ Chu Văn An đều thất truyền, chỉ còn 12 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, trong đó có bài Giang đình tác/Cảm tác ở đình bên sông với 4 câu cuối giãi bày tâm sự của Chu Văn An ở thời điểm này: Công danh dĩ lạc hoang đường mộng/ Hồ hải lưu vi hãn mạn du/ Tự khứ tự lai hồn bất quản/ Thương ba vạn khoảnh tiện phi âu - Công danh đã rơi vào giấc mộng hoang đường/ Tạm dạo chơi lang thang miền hồ hải/ Đi lại tự mình, chẳng gì trói buộc/ Thèm cảnh chim âu bay liệng trên muôn khoảng sóng xanh.

Đường và trường học mang tên Chu Văn An

Người Đà Nẵng thế hệ 1950 trở về trước chỉ biết đến Chu Văn An qua sử sách, người Đà Nẵng thế hệ 1950 trở về sau còn biết đến Chu Văn An qua tên đường Chu Văn An. Người Đà Nẵng vinh danh Chu Văn An qua việc đặt tên đường từ rất sớm. Vào thập niên 1950, người Đà Nẵng đã đặt tên cho 3 con đường nối đường Hoàng Diệu với đường Phan Châu Trinh: Một là đường Lê Đại Hành (nay đường này không còn, tên đường Lê Đại Hành được đặt cho con đường mới ở quận Cẩm Lệ), hai là đường Nguyễn Trường Tộ và ba là đường Chu Văn An - trong đó đường Chu Văn An được đặt từ năm 1955, sớm nhất. Song song với đường Hoàng Diệu và đường Phan Châu Trinh là đường Huỳnh Thúc Kháng, tạo thành 3 giao lộ nhỏ: Ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Lê Đại Hành, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Trường Tộ và ngã ba Huỳnh Thúc Kháng - Chu Văn An. Và nếu được nối dài bằng cách mở rộng một con hẻm cũng khá sầm uất trên đường Phan Châu Trinh thì đường Chu Văn An có thể nối đường Hoàng Diệu với cả đường Trưng Nữ Vương.

Đà Nẵng không có nhiều trường học mang tên danh nhân là thầy giáo, nhưng cũng có thể kể ra một số trường học đang mang tên những người làm nghề dạy học chuyên nghiệp như Trường THCS Trần Quý Cáp trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ), Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu trên đường Trường Chinh (quận Thanh Khê) và Trường THCS Chu Văn An trên đường Lê Đình Lý (quận Thanh Khê).

Tiền thân của Trường THCS Chu Văn An là Tiểu học tư thục Báo Ân nằm chung khuôn viên với chùa Kỳ Viên (trước là chùa Quang Lâm thành lập năm 1960). Năm 1975, chính quyền cách mạng đổi tên Trường Báo Ân thành Trường Phổ thông Cấp 1, 2 Chu Văn An và đến năm 1997 chuyển thành Trường THCS Chu Văn An.

Vinh dự mang tên một người từng được tôn vinh là vạn thế sư biểu/thầy của muôn đời như Chu Văn An và cũng là danh nhân văn hóa thế giới, chắc hẳn những cô giáo, thầy giáo của Trường THCS Chu Văn An Đà Nẵng mang hết tâm huyết và tài năng sư phạm để góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo của quận Thanh Khê và của thành phố bên sông Hàn.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.