* Câu nói nhận định về trí thức“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là của ai và xuất hiện trong bối cảnh như thế nào? (Lê Trọng Thành, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)
- Câu nói nổi tiếng trên là của vị Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực Đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, người vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu tại Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
Câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung được cách điệu trên trang sách trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử giám, Hà Nội. Ảnh: V.T.L |
Vua Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm và coi trọng giáo dục, thi cử, đã mở rộng Quốc Tử Giám, tổ chức lại việc học và thi, dựng bia Tiến sĩ, đặt lễ xướng danh và lễ vinh quy. Văn bia Tiến sĩ ghi lại những ý tứ cao siêu, coi như phương châm đào tạo nhân tài, xây dựng đất nước. Việc học dưới thời Lê Thánh Tông đã được Phan Huy Chú nhận xét trong Lịch triều hiến chương loại chí (NXB Sử học, Hà Nội, 1960, tập 3, tr.12): “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp”.
Theo tài liệu của Cục Di sản văn hóa (dsvh.gov.vn), đến nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 bia ghi rõ họ tên, quê quán của 1.304 nhà trí thức khoa bảng (85 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa; 283 hoàng giáp và 939 tiến sĩ). Trong số văn bia này, bia Tiến sĩ có niên đại sớm nhất, được dựng năm 1484, đời Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442; bia tiến sĩ có niên đại muộn nhất, được dựng vào năm 1780, ghi về khoa thi năm 1779.
Thân Nhân Trung (1418-1499) quê ở Bắc Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Trên 50 tuổi, ông mới đỗ tam giáp đồng Tiến sĩ, làm quan hơn 20 năm thì về hưu. Thân Nhân Trung được triều đình tin dùng trong việc tuyển chọn và đào tạo nhân tài. Các kỳ thi hương, thi hội đều có đóng góp tích cực của ông, việc xem xét bài vở của các thí sinh, vua đều giao cho Thân Nhân Trung xem xét đọc duyệt để trình lên. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông sắc lập bia đề tên Tiến sĩ, ông cùng với Đỗ Nhuận nhận lời và cùng phân công biên soạn. Lúc bấy giờ, vua lập Tao Đàn, tự xưng là Tao Đàn Nguyên súy, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm phó Nguyên súy, gồm 28 người ưu tú, gọi là “Tao Đàn Nhị thập bát tú”.
Nguyên văn đoạn trích từ Văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (Tuyển tập Văn bia Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.35): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi thấp xuống. Vì vậy, các đấng Thánh đế, Minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.
Cùng ý nghĩa đó, Văn bia Tiến sĩ do Đỗ Nhuận soạn (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tập 2, tr.492) ghi: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của đế vương không cần gì kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của nhà nước tất cả phải chờ ở bậc hậu Thánh. Bởi vì trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào hậu Thánh thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điển chương đầy đủ”.
Ngày nay, khi giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hóa, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung vẫn còn nguyên giá trị.
ĐNCT