* Năm Nhâm Dần 2022, có người nói rằng có nhuận 1 tháng âm lịch, có người bảo rằng không có. Vậy xin hỏi, năm nhuận và tháng nhuận trong âm lịch được xác định bằng cách nào? (Trương Quang Bình, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)
- Bình thường, một năm dương lịch có 12 tháng với 365 ngày; một năm âm lịch cũng 12 tháng nhưng chỉ có 354 ngày. Khi một năm có số ngày tăng (theo dương lịch) hoặc số tháng tăng (theo âm lịch) thì năm đó sẽ là năm nhuận. Dương lịch được tính theo chu kỳ Trái đất quay quanh Mặt trời, còn âm lịch được tính theo chu kỳ Mặt trăng quay quanh Trái đất.
Theo Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (voh.com.vn), chu kỳ quay của Mặt trăng quanh Trái đất chỉ 29,53 ngày nên một năm âm lịch chỉ 354 ngày. So với dương lịch thì năm âm lịch ngắn hơn 11 ngày, nên cứ sau 3 năm sẽ chênh lệch đến 33 ngày, tức hơn 1 tháng.
Để cân bằng thời gian giữa năm âm lịch và năm dương lịch, cứ 3 năm âm lịch phải cho thêm một tháng nhuận. Tuy nhiên, năm âm lịch vẫn sẽ chậm hơn so với năm dương lịch. Người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
Các tài liệu nghiên cứu cho biết, từ thời Xuân Thu (tên gọi một giai đoạn lịch sử từ năm 771 đến năm 476 TCN trong lịch sử Trung Quốc), người Trung Quốc đã tìm ra sự chênh lệch và lập ra quy ước là “Thập cửu niên thất nhuận” (cứ 19 năm có 7 năm nhuận).
Mimir - Từ điển bách khoa tiếng Việt (mimirbook.com) cho biết, về sau, nhà thiên văn học Hy Lạp cổ Meton của Athens (thế kỷ thứ V TCN) tái phát hiện điều này và xác lập cơ sở để tính các năm nhuận, tháng nhuận cho âm lịch theo chu kỳ mang tên ông - Chu kỳ Metonic - còn gọi là Enneadecaeteris (từ tiếng Hy Lạp cổ đại ἐννεακαιδεκαετηρίς nghĩa là “Mười chín năm”).
Trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch, tương ứng với 235 tháng âm lịch, thừa 7 tháng so với năm dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. 7 tháng nhuận đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm theo chu kỳ Metonic.
Vì vậy, muốn tính năm âm lịch có nhuận hay không, ta lấy năm dương lịch tương ứng chia cho 19, nếu chia hết hoặc cho ra các số dư 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm đó sẽ có tháng nhuận. Với câu hỏi nói trên, 2022 không phải năm nhuận theo âm lịch vì 2022 chia cho 19 dư 8. Đến năm 2023 mới là năm nhuận âm lịch vì 2023 chia cho 19 dư 9.
Nếu năm nhuận dương lịch luôn có thêm 1 ngày vào tháng 2 (tháng 2 có 29 ngày) thì tháng nhuận âm lịch được đặt vào các tháng không có Trung khí - khái niệm rút ra từ quy luật chuyển động của Trái đất và Mặt trời.
Theo đó, người ta chia đường đi của Mặt trời giữa các chòm sao (gọi là hoàng đạo) ra 12 khoảng cách đều nhau tương ứng thời gian 1 tháng gọi là 12 cung hoàng đạo và quy định rằng Mặt trời cứ đi vào nửa cung hoàng đạo thì có một tiết tương ứng. Lúc Mặt trời bắt đầu đi vào đến cung hoàng đạo gọi là Trung khí (Trung có nghĩa là ở giữa). Còn lúc Mặt trời tối giữa cung hoàng đạo gọi là Tiết khí (Tiết có nghĩa là ngăn).
Như vậy, một năm có 12 Trung khí (Xuân phân, Cốc vũ, Tiểu mãn, Hạ chí, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí, Đại hàn, Vũ thủy) và 12 Tiết khí (Thanh minh, Lập hạ, Mang chủng, Tiểu thử, Lập thu, Bạch lộ, Hàn Lộ, Lập đông, Đại tuyết, Tiểu hàn, Lập xuân, Kinh trập).
Trong một năm nhuận âm lịch, nếu có một tháng không có ngày Trung khí thì tháng đó là tháng nhuận. Nếu nhiều tháng trong năm nhuận đều không có ngày Trung khí thì chỉ tháng đầu tiên sau Đông chí là tháng nhuận. Tháng đầu năm (tháng Giêng) và tháng cuối năm (tháng Chạp) không bao giờ được lấy làm tháng nhuận âm lịch.
ĐNCT