Dấu ấn Nguyễn Trãi tại Đà Nẵng

.

Vào niên hiệu Thiệu Bình thứ hai, tức năm Ất Mão 1435, khi Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tông giao nhiệm vụ biên soạn cuốn Dư địa chí - cuốn địa chí do người Việt ghi chép sớm nhất ở nước ta hiện còn lưu giữ được - Đà Nẵng đã trải qua hơn một thế kỷ thuộc lãnh thổ Đại Việt, cụ thể là đương trực thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, lộ Thuận Hóa. Qua hình dung của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ, Đà Nẵng đơn thuần là vùng đất phía nam núi Hải Vân: “Nay xét Thuận Hóa về mặt đường bộ thì qua Ải Vân đã tới Thăng Hoa” (Nguyễn Trãi, Ức Trai tướng công di tập - Dư địa chí, Sài Gòn, 1966).

Chủ tịch Hội Sử học Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng dâng hoa tại tượng Nguyễn Trãi. Ảnh: HẢI CHÂU
Chủ tịch Hội Sử học Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng dâng hoa tại tượng Nguyễn Trãi. Ảnh: HẢI CHÂU

Nội dung tác phẩm Bình Ngô đại cáo (được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta, sau bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt) của Nguyễn Trãi được nhiều thế hệ học trò Đà Nẵng ghi nhớ khi thể hiện rõ ý thức độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hóa Đại Việt: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương (Ngô Tất Tố dịch). Không chỉ xuất hiện trong các bài giảng dành cho học sinh phổ thông, một số học sinh trung học chuyên nghiệp cũng được tiếp cận hình tượng Nguyễn Trãi lúc học nghề.

Nghệ sĩ ưu tú Phan Văn Quang của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kể lại thuở mới bắt đầu đến với nghề hát bội: “Năm 1988, hay tin đoàn Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng tuyển sinh lớp diễn viên Tuồng, tôi đến dự thi và được Hội đồng thi tuyển thống nhất lựa chọn, thông báo trúng tuyển. Lúc bấy giờ, lớp học đã vào học một thời gian nên bản thân phải học dự thính. Trong thời gian ngắn, tôi học bốn vai diễn tiêu biểu như vai Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn và diễn báo cáo cho Hội đồng Nghệ thuật, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xem. Từ thành công này, tôi chính thức vào học diễn viên tuồng khóa 1987-1990”.

Tại Đà Nẵng, một số trường phổ thông vinh dự mang tên Nguyễn Trãi. Có thể kể đến Trường THCS Nguyễn Trãi trên địa bàn quận Thanh Khê. Đây là ngôi trường hình thành sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 với tên gọi cũ: Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Trãi Đà Nẵng, trên cơ sở tiếp quản Trường Trung học tư thục Ánh Sáng. Hoặc Trường THPT Nguyễn Trãi tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khởi công năm 1980 và chính thức khai giảng từ năm học 1982-1983. Đây cũng là thời điểm Nguyễn Trãi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO tôn vinh là "Danh nhân văn hóa thế giới" nhân kỷ niệm 600 năm năm sinh của ông (1380-1980).

Với niềm tự hào dân tộc cũng như giáo dục thế hệ trẻ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đã cho dựng tượng ba danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, Nguyễn Du và Nguyễn Trãi trong khuôn viên nhà trường, đầu năm 2014. Cả ba bức tượng được chế tác từ đá cẩm thạch nguyên khối mang về từ Thanh Hóa, có chiều cao 1,5m (kể cả bệ tượng là 2,6m), mỗi tượng nặng trung bình 4 tấn, do ThS.KTS Lê Thị Ly Na thiết kế, nghệ nhân Phạm Đình Vũ cùng các nghệ nhân điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước chế tác.

Đặc biệt, từ năm 1958, trên bản đồ Đà Nẵng đã có tuyến đường Nguyễn Trãi nối Trần Bình Trọng với Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu). Chưa kể sau này Đà Nẵng còn đặt tên Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) cho tuyến đường cùng quận Hải Châu và đặt tên Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi) cho một tuyến đường tại quận Liên Chiểu. Những điều này đều là cách người Đà Nẵng giãi bày tình cảm và dành sự tưởng nhớ đến Nguyễn Trãi - một nhà thơ, người sáng lập văn học cổ điển Việt Nam và là một danh nhân văn hóa thế giới.  

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.