Một khoảng đất rộng khá bằng phẳng trên ngọn đồi nhỏ. Đầy những sim. Đang vào mùa, sim bắt đầu lên nụ, một số đã hé nở những cánh trắng xen tím, e ấp. Nhìn vào hướng nam là cánh đồng đang xanh rờn màu lúa non. Xa hơn chút ngát xanh màu của núi đồi. Phía ấy là hồ nước, một hồ chứa nước. Tên hay, Sương Mai Lãng Đãng, còn gọi là Sương Mai. Nhưng cũng phải thêm nhiều năm nữa mới có đủ nước tưới khắp vùng. Bạn tôi bảo, phía dưới chân đập tràn của hồ là nhà của bạn gái nó. Tên cũng đẹp, là tên một mùa bình yên trong năm. Tôi cũng từng lên đó. Đạp xe qua mấy cái dốc dài muốn ná thở. Nhưng lên đến cuối dốc thì cả người giãn ra. Vì gió. Vì cái man mác của hơi nước. Của hồ. Bạn giục tôi cùng leo lên một mỏm đồi. Cùng nhìn về hướng Bắc. Bạn khoát tay bảo, nhà tao ở phía kia kìa! Chẳng thấy gì cả ngoài màu xanh của bạt ngàn cây cối. Bạn, lại bảo, khi chết tao muốn được nằm ở đó!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ thị trấn trung tâm huyện lỵ, đạp xe sáu, bảy cây số, vượt qua một cái đập tràn ngăn con suối nhỏ là đến quê bạn. Là mới tới bờ sông thôi. Lại phải đạp xe loanh quanh mấy bờ ruộng nằm bên mép cánh rừng nghèo lưa thưa những bụi cây dại rậm rạp, phải vượt một cánh đồng phất phơ lúa quanh năm thiếu nước mới tới nhà bạn.
Hồi ấy, chưa có đập nên lúa ở quê bạn đều nhờ nước trời. Mà nước trời thì ôi thôi, trời muốn sao cũng được, người có réo cũng bằng không. Thêm mấy vườn mía chen giữa làng mạc và cánh đồng. Đến mùa hạ, những thửa ruộng mía cứ xơ xác. Mà hình như xơ xác quanh năm. Bạn bảo, coi vậy chứ mía vào đường lắm, rất ngọt. Hà, mỗi sự phi lý lại có cái lý riêng của nó. Vậy mới sống được. Đời cũng rứa, mi nà! Bạn chen một câu triết lý kiểu ông cụ non. Nên, bạn khá yêu đời, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện xa xôi chi hết, khác hẳn bọn tôi. Nhà gần cơ quan nhưng bạn thích ở lại. Buồn buồn “chế” dăm ly rượu rồi đàn và hát tới tận khuya. Có người nghe cũng đàn hát, một mình cũng hát với đàn.
Có lần tôi hỏi, mi có ước muốn gì không, bạn nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: Ước muốn chi hè? Với bạn, chỉ thấy công việc. Luôn bày ra cái này cái khác, rồi làm. Không ai hưởng ứng thì làm một mình. Có lần tôi cự lại những ý định thiếu khả thi của bạn rồi thở dài: Số mi rứa nên sẽ khổ suốt đời thôi. Bạn không trả lời, móc thuốc ra châm lửa hút rồi với tay lấy cây đàn. Lại hát Trở về Soriento. Về đây khi mái tóc còn xanh xanh/ Về đây với màu gió ngày lang thang/ Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng/ Ôi lãng du quay về điêu tàn. Bài ruột của bạn. Vui thì hát Triệu đóa hoa hồng. Giọng bạn ngọt ngào. Tặng một đại dương hoa hồng thắm/ Cho người ca sĩ anh yêu thầm…
Tượng đài nằm trên đồi. Phối cảnh khá quen thuộc như nhiều nơi khác. Chỉ có ngọn đồi từng mang tên một căn cứ bằng tiếng Anh giữa cái thung lũng một thời vang lừng chiến trận thì không lẫn vào đâu được. Nhiều buổi chiều cuối tuần không về nhà, bạn hay rủ tôi cùng leo lên đồi, ngồi dưới chân tượng đài, đàn và hát. Mãi tận khuya mới về. Một lần bạn bảo, coi yên lành vậy chứ nơi đây trước kia bao nhiêu người đã nằm xuống. Cái giá của độc lập, tự do không hề rẻ, mi hỉ! Tôi là người từ xa tới nên im lặng nghe bạn.
Về lý thuyết thì lẽ ra phải có thêm ít nhất một cô gái nữa cùng hát mới phải. Có lần tôi thắc mắc, mi quen toàn mấy cô gái xinh lại hát hay nữa sao không rủ đi cùng. Bạn nhìn tôi, ngạc nhiên: Tại sao phải rủ? Hát một mình mới thấm thía chớ!
Nhưng lạ, vẫn có nhiều bóng hồng loáng thoáng quanh đời bạn mà.
Nhà Hà Xuyên ở bên kia đèo. Đạp xe khỏi cơ quan vài cây số là đến chân đèo. Bắt đầu dắt bộ ngần ấy cây số nữa sẽ đến đỉnh đèo. Cao cũng mấy trăm mét kể từ mặt nước biển. Nghỉ chân vài chục phút, vục mặt vào nước suối cho tỉnh táo rồi bắt đầu leo lên yên xe, thả đèo. Thả đến cây cầu sắt là hết trớn. Lại cong lưng đạp qua con đường đầy ổ gà và đá dăm. Nhà cô bé ở ngã ba đường dẫn ra thị tứ ven bờ sông. Có vẻ như bạn muốn tán cô bé. Một bữa vô tình gặp Hà Xuyên đang đi bộ đến cầu sắt, bạn năn nỉ được chở cô về. Tôi giật mình trước lời đề nghị quá nhã và “nguy hiểm” của bạn, bởi cái lốp xe sau của bạn vừa trải qua một “tai nạn” và đang được tạm thời “băng bó” để đi cho hết chuyến kiểm tra này mới về xử lý.
Có vẻ Hà Xuyên cũng biết chuyện. Nhưng, con gái mà, cô bé ngước đôi mắt tròn xoe và long lanh nhìn bạn, cười rất duyên: “Anh chở em à? Coi chừng mệt à nghen!”. Gương mặt bạn bừng lên, sáng rực như chưa từng khó nhọc vượt qua cả đèo lẫn dốc lẫn ổ gà ổ trâu. “Ồ! Sá chi! Chuyện nhỏ mà!”. Nàng vén áo, nhẹ nhàng ghé mông lên sau ba ga và bạn hì hục đạp. Tôi ái ngại dõi theo. Và, quành qua một cái tàu tát nước, xe bạn loạng choạng. Tôi hét lên: “Coi chừng té, Từ Hiền!”. Bạn khoát tay như bảo yên chí không sao, còn Hà Xuyên quay lại che miệng cười.
Và, “oành!”, chiếc xe loạng choạng rồi kéo theo bạn ngã ùm xuống tàu tát đầy ắp nước. Bằng một cú vọt lẹ như sóc, chân Hà Xuyên đã nhẹ nhàng chạm xuống đất. “Có sao không anh Hiền?”. Giọng Hà Xuyên ngân lên trong vắt. Bạn khoát tay như muốn nói không sao, không sao, trong khi người ngợm ướt nhẽm nước lẫn bùn. “Đã bảo rồi mà cứ đòi chở cho được!”, giọng Hà Xuyên đầy trách móc. Lại phải dắt bộ non chục cây số mới có tiệm sửa xe. Ba đứa đi bộ suốt chặng đường dài. Lạ, cả bạn và cô bé tỉnh bơ như không hề có chuyện gì xảy ra.
Mấy ngày sau, tôi nghe tin Hà Xuyên đi lấy chồng. Không thấy mời bạn lẫn tôi dự đám cưới. Hỏi, bạn nói tao biết “nó” sắp lấy chồng rồi mà. Biết, sao còn đòi chở cho nổ cả lốp xe? Bạn cười, mày ngu thiệt, không chở lần ấy thì còn dịp nào để chở nữa hả thằng khờ? Sau này gặp Hà Xuyên, tôi hỏi sao em ác vậy. Hà Xuyên cười rất tươi, anh chẳng biết chi hết trơn à, người ta thích chở thì để người ta chở chớ, xe nổ lốp là tại... xe, chứ có tại em đâu. Giọng cô bé chợt nhẹ bâng: Với lại, em muốn có một kỷ niệm đẹp trước khi đi lấy chồng anh nà! Tôi chợt giật mình, cô bé hình như có vẻ hợp với bạn, mà sao họ không “cùng nhau” nhỉ?
Mười năm ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân cùng bạn, cuối cùng, không chịu đựng nổi, tôi cũng đành phải thúc thủ, xin chuyển về quê nhà, chuyển mãi không xong đành bỏ việc, tìm công việc mới. Thỉnh thoảng, có ai đó nhắc đến tên bạn, vẫn không giảm đi sự ngạc nhiên về tính cách và công việc của bạn. Tôi thì không, chỉ ngạc nhiên vì sao thời thế lẫn con người đã thay đổi đến chóng mặt mà bạn vẫn cứ vậy, chẳng thay đổi gì. Hỏi, rồi “nó” có ai chưa? Vẫn vậy, chẳng thấy ai! Nghe và thầm ái ngại cho bạn. Rồi sẽ ra sao nhỉ, bạn tôi?
Bạn nhập viện, nằm mấy tháng rồi đi. Về với đồi sim. Nhưng cũng vừa kịp bảo vệ xong đề tài quy hoạch và phát triển kinh tế vùng xung quanh hồ Sương Mai, thêm mấy bài hát khá hay bạn sáng tác dành cho bọn trẻ lứa tuổi đang yêu thỉnh thoảng tôi được nghe qua tivi. Căn nhà bọn tôi hay về ở lại chơi năm xưa trở nên cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng. Cha mẹ bạn đều đã già. Mấy đứa em đều có gia đình và ra ở riêng, mỗi đứa một nơi. Chỉ còn lại hai ông bà già lặng lẽ sống ở một góc trời biệt lập. Thỉnh thoảng, nhà có giỗ quảy đám chạp, con cháu mới tụ về ít ngày rồi đi. Chỉ còn lại hai người già. Và bạn. Ngày càng lạc lõng.
Con đường rẽ vào nhà bạn đã khang trang hơn rất nhiều, ô-tô có thể vào tận nơi. Có nước thủy lợi về từ hồ Sương Mai, những đám ruộng lúa và mía xanh rờn trong nắng sớm. Nhà cửa đã mọc lên san sát từ con đường liên xã vào đến tận xóm xa. Người đi viếng tang bạn khá đông, nhanh chóng xua tan nỗi ái ngại đang lởn vởn trong đầu tôi.
Hải, đứa em kế của bạn đón tôi ở ngõ. “Anh đã về! Chị Hai cũng đang mong anh!”. Tôi ngạc nhiên: “Chị Hai nào vậy?”. Hải ngó tôi: “Thì… của anh Hai chứ ai nữa! Trước khi nhắm mắt, anh Hai còn dặn chị bằng mọi cách phải báo tin anh cho được, anh à!”
Tôi bất giác ngước mắt nhìn về phía bàn thờ bạn và nhận ra trong đám những người bận đồ tang một bóng dáng khá quen thuộc. Nửa giống Hà Xuyên, nửa giống cô gái có tên gọi của một mùa trong năm sống dưới chân hồ nước.
Vườn nhà bạn trong ngày tang gia bối rối vẫn rạng rỡ với bao nhiêu sắc hoa hồng. Như có cả một đại dương hoa hồng thắm.
Nơi đây cách hồ Sương Mai hơi xa một chút nhưng đồi sim lại ở phía sau nhà bạn. Rất gần.
LÊ TRÂM