Những lùm xùm trên không gian mạng liên quan bà Nguyễn Phương Hằng đã khép lại với việc nhân vật này bị khởi tố về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý và đây là bài học cho bất kỳ ai về ứng xử trên không gian mạng để không vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, thông tin bước đầu về quá trình điều tra vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4-4. Ảnh: TTXVN |
1. Hơn 1 năm qua, biết bao drama nổi lên từ các buổi livestream “bóc phốt” do bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam tại Bình Dương) “chủ xị”. Nhiều người đã bị kéo vào “cuộc chiến” này, từ nghệ sĩ đến nhà báo..., khiến người nghe, người xem cảm giác như bất kỳ ai “làm trái ý”, “làm mất lòng” bà Hằng thì sẽ bị “tố” với đủ lời lẽ tục tĩu, thóa mạ…
Mạng xã hội bỗng xuất hiện thêm “rác” với những phát ngôn lệch chuẩn, thiếu văn hóa. Những buổi livestream “bóc phốt” ấy “hot” đến mức thu hút cả triệu người xem, rồi bàn luận, hóng chuyện rôm rả… Người ủng hộ thì a dua, người phản đối thì bày tỏ bức xúc. Tất cả đã tạo nên một diễn đàn chưa từng có; đồng thời chính tâm lý đám đông dẫn đến những ảo tưởng về sức mạnh của sự nổi tiếng, sức mạnh của đồng tiền, để rồi người đi “bóc phốt” càng nói thì càng dở, càng tạo ra “một kênh truyền thông tiêu cực”, gây hoang mang và bức xúc cho dư luận.
Điều đáng nói, cùng livestream với bà Hằng còn có một số “khách mời” phụ họa cho việc chửi bới là những người am hiểu pháp luật như tiến sĩ luật, luật sư…
Thành ra, hệ lụy từ những cuộc “đấu tố” ấy là vô cùng lớn bởi một bộ phận người dân dễ dàng cho rằng việc chửi bới, xúc phạm danh dự người khác, thậm chí ngang nhiên kết tội người khác trên mạng xã hội là việc bình thường, ai thích nói gì thì nói.
2. Mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhất là Facebook, Youtube, Tiktok, cung cấp thêm những kênh tương tác hữu hiệu, có sự lan tỏa lớn, để mọi người thể hiện quyền tự do cá nhân và quyền tự do kinh doanh.
Tuy nhiên, mạng xã hội chứa đựng thông tin giả, tin xấu, tin độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Người tham gia mạng cần có đủ sự tỉnh táo và hiểu biết để gạn đục khơi trong cũng như ứng xử phù hợp.
Pháp luật quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận” (Điều 25, Hiến pháp năm 2013), nhưng “việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4, Điều 15, Hiến pháp năm 2013). Hơn nữa, pháp luật còn bảo đảm cho công dân “… quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của mình” (Điều 21, Hiến pháp năm 2013).
Theo Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018, những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Như vậy, mọi tranh chấp nếu có cũng phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Mọi hành vi tự do ngôn luận nhưng vi phạm quy định pháp luật đều không được pháp luật bảo hộ và việc tham gia không gian mạng cũng không nằm ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật.
3. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 nêu rõ: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.
Dù Bộ quy tắc nói trên chỉ mang tính chất “hướng dẫn”, nhưng đều dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng đến môi trường mạng văn hóa, văn minh, trong lành. Trong đời sống thật của một xã hội văn minh, “thượng tôn pháp luật” là điều bắt buộc để bảo đảm mọi công dân đều sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, còn không gian mạng dù ảo nhưng vẫn phải có quy tắc ứng xử... Theo đó, việc sử dụng mạng xã hội để đôi co, “đấu tố”, “bóc phốt”, trả đũa lẫn nhau là hành vi lệch chuẩn và nếu đã vượt “lằn ranh đỏ” thì đương nhiên phải bị “tuýt còi”.
Mạng ảo nhưng sự ảo tưởng và hành động của con người là có thật. Việc ứng xử trên mạng cũng thể hiện giá trị của con người về nhận thức và văn hóa.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trương “xây dựng môi trường văn hóa cơ sở” trong năm 2022, trong đó có việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ…
Vậy thì sao không sử dụng những ưu thế của mạng xã hội để chia sẻ những thông tin tích cực, lan tỏa nguồn năng lượng sống, nhằm xây dựng con người văn hóa - gia đình văn hóa - cộng đồng văn hóa…
Những giá trị chân - thiện - mỹ… sẽ được bồi đắp mỗi ngày từ những hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước, từ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ những con người vượt khó, từ những gương người tốt - việc tốt, từ khát vọng vươn ra biển lớn để hội nhập và phát triển… Nếu dùng mạng xã hội để truyền cảm hứng, lan tỏa những điều tốt đẹp thì một điều tử tế có thể nhân lên hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu điều tử tế.
KHÁNH LINH