Có nhiều loại hình du lịch như tham quan, trải nghiệm, thử thách, kết hợp chữa bệnh, dự hội nghị..., nhưng cốt lõi của du lịch là đi chơi và ăn ngon. Tùy theo loại hình, lứa tuổi mà không gian ngủ, nghỉ cũng cần được người (và nơi) làm du lịch lưu ý nhằm mang đến sự phục vụ tốt nhất cho du khách.
Thành phố Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực du lịch. Ảnh: TUẤN LÊ |
Suy cho cùng, công tác quảng bá du lịch là làm cho ai đó chưa có ý định đi du lịch, thành có ý định đi; nếu họ đã có ý định thực hiện một chuyến đi chơi thì làm sao khiến họ nghĩ đến địa phương mình và ưu tiên lựa chọn. Công việc đó nói chữ là làm công việc truyền thông quảng bá.
Vậy, làm sao để có sự hấp dẫn? Ai cũng biết, để du khách chọn một nơi để đến, trước hết nơi đó phải có sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có. Do đó, việc quan trọng hàng đầu của chính quyền là mang đến môi trường thuận tiện, hấp dẫn, duy trì khả năng tạo ấn tượng tích cực và quan trọng nhất là phải có cái để du khách ngạc nhiên. Tôi có đọc đâu đó một ý kiến khuyên người nước họ rằng, hãy sớm đi du lịch Việt Nam trước khi nước này hoàn thành… công nghiệp hóa. Mới đọc hơi ngạc nhiên, nhưng nghĩ kỹ thấy họ nói có cái đúng. Điều du khách nước ngoài thích đến Việt Nam không phải là những con đường choáng ngợp, những dãy phố nguy nga mà chính là sự bình yên “lạ lùng” của làng quê với màu xanh điển hình của cây lúa nước, màu vàng rựng tít tắp của những cánh đồng vào vụ gặt, là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, là sinh hoạt văn hóa độc đáo...
Hình ảnh con trâu tha thẩn gặm cỏ ven đường hay chiếc thúng nan tròn lắc trên sông nước để di chuyển là những thứ lần đầu họ được thấy, được cảm. Và du khách, những người bỏ tiền từ vạn cây số để tới Việt Nam mà nhiều khi chỉ cần một mình đạp xe thong thả trên con đường quê, ngất ngây trước mùi rau húng vừa cắt, với họ như thế cũng xứng đồng tiền và thời gian. Trên trang du lịch của một đài nổi tiếng nước ngoài, đã có một phóng sự dài về cái màu vàng của đô thị cổ Hội An, cái màu mà họ cho rằng qua đó giới thiệu hình ảnh đầy đủ và chính xác về cảnh và người nơi ấy. Tôi cũng từng nghe ai đó khuyên du khách hãy một lần trải nghiệm cảnh mưa ở Huế, cái cảnh mà chỉ Huế mới có. “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên” (Tố Hữu).
Biết tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo từ nền văn hóa vùng miền là công việc không dễ. Đà Nẵng có lợi thế tuyệt đối về tài nguyên du lịch biển, là điểm đến để du khách trải nghiệm các di sản thế giới của các địa phương lân cận. Chúng ta có cái mà cả nước (và thế giới) hiếm nơi nào có được như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, dòng sông Hàn tuyệt đẹp chảy qua thành phố… Chính quyền thành phố tạo ra cơ chế thúc đẩy, huy động, “thức tỉnh” các khả năng đầu tư của doanh nghiệp, để du khách tìm được trải nghiệm độc đáo từ các sản phẩm du lịch biển, biến những con đường hai bên dòng sông Hàn thành nơi nâng niu những bước chân du khách mà khi về họ sẽ nhớ mãi.
Có cái phải có tiền và nhiều tiền mới làm được, nhưng có cái chỉ cần dựa vào tự nhiên. Chưa kể, chính thái độ của người dân với du khách nhiều khi là sự quảng bá hiệu quả nhất. Đà Nẵng được khen là thành phố sạch đẹp, ngăn nắp; phải làm sao để mỗi người dân ý thức được rằng hoạt động hằng ngày, thái độ thân thiện, hành xử văn minh của mình sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo môi trường tích cực cho du lịch. Ví như, chớ xem những hành vi "nói thách", "chặt chém", "chụp giựt" khi bán hàng là chuyện nhỏ, nhất là tại các chợ, các cửa hàng, quán ăn... Như hồi mới tách tỉnh, HĐND thành phố có phiên họp bàn chuyện các quán ăn thành phố cần bỏ rác vô giỏ. Phát triển du lịch hay xây dựng Đà Nẵng phải hướng đến những việc lớn nhưng cũng cần chú ý cả những việc nhỏ nhưng - là - hình - ảnh - chân - thực của thành phố. Đà Nẵng đã nổi tiếng với slogan “Thành phố đáng sống”, nay có lẽ nên thêm: Đà Nẵng cũng là nơi đáng đến.
TRẦN THU THỦY