Sau hai bộ phim hành động võ thuật từng ghi dấu vào điện ảnh Việt là Dòng máu anh hùng (2007) và Hai Phượng (2019), khán giả gần đây mới có dịp xem tiếp một phim đậm chất hành động không thua gì hai tác phẩm vừa kể trên là 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng), được công chiếu toàn quốc từ ngày 20-5.
Hoa hậu H’Hen Niê trong phim 578: Phát đạn của kẻ điên. |
Như rất nhiều bộ phim hành động khác, mô-típ quen thuộc vẫn là cuộc báo thù của nhân vật chính với những kẻ xấu đã gây ra nỗi đau cho mình. 578: Phát đạn của kẻ điên sở hữu một câu chuyện đơn giản, với hành trình bắt kẻ ác trả giá của người cha (Alexandre Nguyễn) khi chứng kiến cô con gái bé bỏng bị bọn xấu xâm hại. Lồng ghép trên nền chính này là những góc khuất về tệ nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ, tình yêu thương mù quáng dành cho con cái…
Với những phân đoạn hành động dồn dập từ đua xe máy và xe container trên các đoạn đường đèo ở vùng núi Tây Bắc; những màn đấu tay đôi giữa người cha và băng nhóm xã hội đen trên đồng cỏ, ở một góc núi, giữa cảng container, trong căn biệt thự… đều thật sự làm người xem mãn nhãn. Thủ thuật ăn gian góc máy của các phim Việt Nam hay áp dụng để giải quyết bài toán khó cho những cảnh võ thuật được tiết chế tối đa trong phim 578. Có thể nói, sự hỗ trợ của đạo diễn võ thuật người Hàn Quốc Oh Sea Young cùng với phần tập luyện cật lực của dàn cast từ Alexandre Nguyễn đến H’Hen Niê, Hoàng Phúc, Jessica Minh Anh, Ngọc Tình… đã được trả lại bằng những pha hành động đáng “đồng tiền bát gạo”.
Không chỉ “ăn điểm” ở phần võ thuật, 578 còn gây chú ý ở việc tạo ra rất nhiều khung hình đẹp của thiên nhiên Việt Nam, nhất là khu vực núi rừng Tây Bắc. Dĩ nhiên, đâu đó khán giả sẽ nhận ra chút “tham lam” của đạo diễn Lương Đình Dũng khi sử dụng khá nhiều cú máy flycam để khắc họa nên những vẻ đẹp này.
Song, với việc tập trung các phân cảnh hành động, bộ phim lại để lộ ra rất nhiều điểm yếu không đáng. Thực tế, khán giả không quá quan trọng một câu chuyện phim xuất sắc ở thể loại hành động, nhưng không vì thế mà cách dẫn chuyện và diễn xuất của diễn viên được đặt vào thế yếu.
Với việc cắt dựng khá lộn xộn, đan cài nhiều cảnh flashback (hồi tưởng)… khiến khán giả không tìm thấy được sự liền mạch của đường dây. Phần lời thoại cũng như khả năng thoại của hầu hết diễn viên đều có vấn đề. Nếu để khán giả tập trung vào cảm xúc và quên luôn tính phi logic của câu chuyện thì tiết tấu của phim cũng phải cực tốt. Trong khi đó, 578 có rất nhiều trường đoạn dài lê thê, kéo tụt cảm xúc khán giả một cách không đáng có.
Nỗ lực của đạo diễn Lương Đình Dũng và ekip với bộ phim 578 là đáng ghi nhận. Song, sự ôm đồm phần kịch bản của đạo diễn mà không có sự “tiếp lửa” từ các biên kịch chắc tay, khiến bộ phim không trọn vẹn như mong đợi. Những lỗ hổng từ kịch bản vô tình làm giảm đi rất nhiều giá trị đáng khích lệ từ mảng hành động và các góc máy đẹp trong phim tạo ra.
Làm phim hành động không chỉ tiêu tốn nhiều kinh phí sản xuất và cực nhọc cho ekip thực hiện, nó còn cho thấy sự dấn thân của các nhà làm phim giữa một thị trường đang bão hòa với dòng phim remake (dòng phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa), tình cảm, tấu hài… Thế nên, 578 có thể vẫn chưa đạt được mức độ hài lòng nói chung với khán giả Việt lúc ra rạp, nhưng vẫn là một món ăn lạ cần thiết cho thị trường…
Đến thời điểm này, 578 vẫn nhận được nhiều luồng ý kiến khen chê khác nhau. Đó có thể là một sự khích lệ cần thiết cho nhà sản xuất vì bộ phim tạo ra được dư luận. Song song đó, với mức doanh thu phim đang có chỉ xoay quanh mốc 3 tỷ đồng sau khoảng 1 tuần trình chiếu chính thức, là một thất bại rất nặng nề của phim do kinh phí đầu tư được biết lên đến 60 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận 578 là một bước tiến của điện ảnh hành động Việt. Tuy nhiên, 578 không thành công như mong đợi sẽ thêm một lần nữa làm nhiều nhà sản xuất phim chùng tay trong việc đa dạng hóa thể loại phim tại thị trường Việt Nam.
NGUYỄN PHONG VIỆT