Đông y sĩ Nguyễn Mẫn là gương mặt thầy thuốc Đông y tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung. Rất tiếc nhiều tác phẩm sáng tác văn nghệ, biên soạn dịch thuật Đông y của ông đã mai một và thất lạc...
Chân dung Đông y sĩ Nguyễn Mẫn. (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Trong cuốn sách Thương hàn trị liệu do ông Lương Trọng Hối biên soạn (Hội Y Dược Việt Nam, Tổng chi Trung phần, Tỉnh hội Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1958) có hai bài phụ lục đầu và cuối sách của tác giả Đông y sĩ Nguyễn Mẫn, Phó Hội trưởng Tỉnh hội Quảng Nam - Đà Nẵng: bài thơ Lời hiệu triệu Đông y và bài Văn tế Y tổ Hải Thượng Lãn Ông. Thi tứ, văn phong cả hai bài viết rất hào sảng và chuyên nghiệp.
Khi chúng tôi dò hỏi “tung tích” tác giả, một số lão y cao niên Quảng Nam - Đà Nẵng không biết gì thêm. Mãi về sau, nhờ đọc bài Thầy Hồi Xuân Nguyễn Mẫn của tác giả Đỗ Thượng Thế trên đặc san Xuân Điện Bàn năm Quý Sửu 2003, mới biết thêm một số thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của ông.
Rất may, từ những thông tin trên mạng, tôi đã liên lạc được với một người con của ông là nhà giáo Nguyễn Hiếu Học (85 tuổi), một người say mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa đang sống ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tôi đã được thầy Hiếu Học chuyển cho một di ảnh của cha mình và hướng dẫn đọc thêm một số thông tin viết về ông trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng.
Đông y sĩ Nguyễn Mẫn nguyên quán ở làng Tứ Câu, nay thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hồi nhỏ, ông tên Nguyễn Hiếu Học, về sau ông lấy tên này đổi lại tên cho con trai.
Xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống hành nghề Đông y, thuở nhỏ, Nguyễn Mẫn theo cả Nho học và Tây học, được thân phụ là Đông y sĩ Nguyễn Tích truyền cho nghề thuốc chuyên về nhãn khoa. Vốn sự thông minh, nhanh nhẹn, Nguyễn Mẫn không chỉ thông thuộc làu làu các bài phú, phương thi chữ Hán nói về dược tính các vị thuốc và bài thuốc chữa bệnh thông dụng, mà còn biên soạn diễn dịch các kiến thức đó bằng hình thức văn vần ca Nôm dễ nhớ, dễ thuộc, phổ biến cho bạn đồng môn và đồng bào trong làng.
Đến năm 30, 40 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Mẫn là một chủ nhà thuốc Đông y có tên Nhà thuốc Hồi Xuân. Nhờ tay nghề cao về nhãn khoa, giúp được nhiều bệnh nhân hồi phục thị lực nên đương thời đồng bào, bệnh nhân thường thân mật gọi ông là “Thầy Hồi Xuân”.
Trước năm 1945, Nguyễn Mẫn từng được triều đình Huế trao giải thưởng văn học về đề tài khuyến nông. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tản cư vào Quế Sơn, Tam Kỳ, tham gia công tác khuyến nông, y tế và văn nghệ thuộc Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Nam. Trong giai đoạn này, ông sáng tác một số vở tuồng hát bội như Hồn thiêng sông núi, Cờ đẫm máu..., đã được dàn dựng công diễn nhiều lần ở Quảng Nam, Bình Định, tạo nhiều ấn tượng sâu sắc, tác động mạnh mẽ trong lòng công chúng những năm 1948-1951.
Các thành viên Hội Y Dược Việt Nam tại Trung Việt - Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu) |
Năm 1952, Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Quảng Nam cho phép thành lập Hội Đông y tỉnh do ông Lương Trọng Hối làm Hội trưởng, để động viên các thầy thuốc Đông y cứu chữa nhân dân đỡ bớt phần nào bệnh tật, khó khăn sau những đợt hạn hán, lũ lụt gây mất mùa đói kém và dịch bệnh hoành hành. Ông Nguyễn Mẫn tham gia công tác Hội và được cử làm Phó Hội trưởng đến năm 1958.
Sau năm 1954, Hội Đông y tiếp tục hoạt động trong vùng tạm chiếm dưới tên gọi Hội Y Dược Việt Nam, đến ngày 7-12-1959 bị Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn thu hồi giấy phép hoạt động vì lý do “vi phạm điều lệ”. Trong giai đoạn giao thời này, các cụ trong Ban lãnh đạo Tỉnh hội Quảng Nam - Đà Nẵng nhanh trí vận động chuyển đổi trụ sở của Tỉnh hội Đông y thành Nhà thờ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông tại ngã ba Cai Lang (nay là số 10 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng) để làm nơi giao lưu hợp pháp.
Sau năm 1958, ông Nguyễn Mẫn vào sống tại Sài Gòn. Tại đây, ông tiếp tục tham gia làm Phó Hội trưởng Hội Đông y Sài Gòn (1959-1975), ngoài ra còn tham gia công tác cách mạng nội thành. Cảnh sát Sài Gòn phát hiện nhà ông nuôi giấu các cán bộ kháng chiến, bắt giam ông vào khám Chí Hòa nhiều lần.
Lúc nằm trong nhà lao Chí Hòa ở Sài Gòn, ông làm bài thơ cảm tác, có đoạn: Hùm thiêng thất thế mơ rừng núi,/ Chó dại thi tài mặc sủa la!/ Giải phóng miền Nam binh dấy động,/ Trảm yêu phá ngục hẹn ngày ra.
Đầu tháng 8-1969, Nguyễn Mẫn được trả tự do và sinh hoạt trong các tổ chức y tế, xã hội tại đây. Đặc biệt, khi vừa ra tù, hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông viết liền một mạch bài Văn tế Cụ Hồ Chí Minh dài 150 câu, gây chấn động dư luận đương thời. Theo lời ông kể lại, ngày 20-9-1969, lễ tưởng niệm và truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể và trang nghiêm tại chùa Khánh Hưng (Hòa Hưng) do Thượng tọa Pháp Lan trụ trì với hàng trăm đồng bào và phật tử tham gia. Tại buổi lễ, Văn tế Cụ Hồ Chí Minh được ông long trọng đọc lên giữa tiếng nấc, tiếng khóc sụt sùi tiếc nuối của hàng trăm trái tim đại diện cho hàng triệu trái tim đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và hàng chục triệu trái tim của đồng bào miền Nam chưa một lần được gặp mặt Cụ... Mặc cho mật vụ Mỹ và chế độ Sài Gòn ngày đêm rình rập theo dõi, lễ tưởng niệm Cụ Hồ Chí Minh vẫn được đều đặn tổ chức hằng năm cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Sau tháng 4-1975, Đông y sĩ Nguyễn Mẫn tiếp tục đảm nhiệm Phó Hội trưởng Hội Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất năm 1987, an táng tại nghĩa trang Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
PHAN CÔNG TUẤN