Mùa bông gòn bay

.

Đâu đó trên bờ sông, góc vườn, mảnh ruộng, thỉnh thoảng người ta mới thấy thấp thoáng một góc trời màu trắng sữa vào những ngày hè bừng nắng tháng Năm… Màu trắng ấy tinh khôi, khiêm nhường, đôi khi cũng yêu kiều khiêu vũ cùng đất trời, nắng gió.

Bông gòn là loài cây lớn, thân có gai và khi đã trưởng thành thì tỏa tán rất rộng. Ở làng tôi, chẳng hiểu cây được con người trồng để lấy bông hay đã từ rất lâu hạt của cây từ xa nương theo gió về, chỉ đậu trên biền bãi như một loài cây hoang dại mà thôi. Khi còn bé, cây hòa lẫn sắc xanh trong muôn vàn cây cối. Cây chỉ trở nên khác biệt và được chú ý sau vài năm cắm đất, trở nên cao vút, lá cành bung tỏa và lủng lẳng khắp mình những quả bông chín trắng như mây.

Những cây bông gòn trụi lá để lại lốm đốm những mảng bông trắng xóa trên cành cây. Ảnh: mytour.vn
Những cây bông gòn trụi lá để lại lốm đốm những mảng bông trắng xóa trên cành cây. Ảnh: mytour.vn

Quả bông khi còn non có màu xanh, da dày cứng, chúm chím như những ngón tay. Qua năm tháng, quả dài ra, thuôn đuột như quả mướp, đong đưa dưới mây trời.

Cây bông trên triền đê năm nào, dù không hề có ai vít cành, níu lá để hái quả rớt xuống thì những đám mây bông vẫn có cách để tự buông mình, bồng bềnh, nô đùa theo gió.

Vỏ quả bông vì nắng mà khô giòn, nứt toác ra, tự xẻ dọc thân quả thành bốn năm phần đều nhau. Gió bấy giờ như vị khách lạ mơn man cùng ghé đến, rủ bông tinh nghịch, khiêu vũ khắp đất trời. Vậy là khắp xóm làng được tắm mình bồng bềnh trong một trận mây bông…

Có lần mẹ sai chị em tôi đi nhặt bông gòn về làm gối. Chúng tôi chọn ngay cây bông cổ thụ sát bờ sông đầu làng. Cây bông gòn này tán cành đều rộng, thân cây cao lớn, chi chít những vết chạm trổ, khắc chữ tinh nghịch của tụi trẻ chăn trâu.

Để có được bông sạch, ban đầu chúng tôi dùng sào tre để khoèo xuống những trái bông to dài màu nâu đất vừa hườm chín. Mãi một lúc sau, khi ai nấy đều mỏi hết cổ thì chúng tôi mới cùng nhau bấm bụng, đành nhặt tạm những trái bông tự rụng trên bờ cỏ. Tay này phủi bớt đất cát, tay kia cho vào giỏ, thoăn thoắt, chẳng mấy chốc hai chị em đã gom đủ bông theo nhiệm vụ được giao. Mỗi đứa mỗi bên, chúng tôi cùng xách bông về nhà.

Mùa gòn chín bao giờ cũng là mùa trời nhiều nắng nhiều gió nhất. Trước sân phơi, mẹ trải một tấm bạt rồi đổ gòn lên, phơi cho thịt bông tơi ra, khô khén thật thơm tho và giòn giã.

Mà quả bông gòn cũng có hạt, những chiếc hạt khô, màu đen, cứng và to gấp 3-4 lần hạt tiêu. Tôi vẫn còn nhớ những chiếc gối bông gòn êm ái được mẹ thêu tay tỉ mẩn. Trong tháng đầu sử dụng, nếu chỉ nằm mãi một bề thì lớp bên dưới sẽ luôn dồn lại vài chục chiếc hột bông gòn. Tôi thích những chiếc hột này, mỗi khi nằm, tôi thường dùng da đầu miết vào rồi lắng nghe chúng xào xáo nhau tạo ra thứ âm thanh rào rạo… Sau này tôi mới biết, bằng cách nào đó, những đứa trẻ bạn tôi cũng y như tôi, luôn muốn sở hữu những chiếc gối bông gòn không êm ái đến mức hoàn hảo. Với chúng tôi, một chiếc gối bông gòn còn sót hột mới thực sự là một người bạn đồng hành thú vị trong những đêm mơ…

Bông gòn là loài cây hiền lành, đẹp đẽ và cô đơn. Bây giờ, đâu đó tôi vẫn nghe người ta nhắc đến phố bông gòn hay những con đường rộ nở hàng hoa bông gòn. Thế nhưng, ở quê, chẳng mấy khi tôi thấy bông gòn mọc thành khóm, cụm, thành hàng lối.

Đâu đó trên bờ sông, góc vườn, mảnh ruộng, thỉnh thoảng người ta mới thấy thấp thoáng một góc trời màu trắng sữa vào những ngày hè bừng nắng tháng Năm… Màu trắng ấy tinh khôi, khiêm nhường, đôi khi cũng yêu kiều khiêu vũ cùng đất trời, nắng gió.

Mỗi lần nhắc đến bông gòn, nhìn thấy bông gòn, lòng tôi bỗng dưng bình an hơn, và tha thiết. Cảm xúc ấy như là sự gặp lại, là sự chạm đến những điều nhẹ bẫng, thư thái trong chuỗi ngày tháng mây bay…

ĐAN HẢI

;
;
.
.
.
.
.