Mẹ từ đồng về, tay xách chiếc xà cạp vải đựng đầy cua cùng mớ rau dền cơm xanh mướt. Mẹ bảo, lâu nay toàn nấu cua đồng với rau đay, mồng tơi, với hoa bí, rau cải, rau muống…, nay mẹ sẽ nấu với rau dền đãi cả nhà. Món canh cua rau dền nghe có vẻ là lạ nhưng mới ăn lần đầu đã khiến tôi nhớ mãi.
Rau dền có nhiều loại: dền cơm, dền đỏ, dền xanh, dền khoang, dền gai… Ảnh: KHÁNH HOÀNG |
Rau dền là loài rau dân dã, gắn liền với những năm tháng lam lũ, khổ cực của người nông dân xưa. Dền cũng là loài cây thân thảo, có bộ rễ khỏe nên chịu hạn, chịu úng rất tốt. Dền có nhiều loại: dền cơm, dền đỏ, dền xanh, dền khoang, dền gai… Không chỉ làm món ăn như luộc, xào, nấu canh, rau dền còn là vị thuốc nam chữa được nhiều bệnh. Phải chăng vì thế, nó còn được gọi là rau “trường thọ”.
Dền có vị ngọt, tính hàn, nên được xem là loại rau của mùa hè. Trong số rất nhiều loại rau dền, tôi vẫn thích dền cơm hơn cả: lá xanh, cọng nhỏ, thân thẳng cao, mọng nước, rau non và ăn ngon nhất khi cây phát triển khoảng chừng một gang tay. Dền cơm chủ yếu mọc tự nhiên nên thân, lá và bông rau nhỏ, hương vị đặc trưng hơn so với dền gieo hạt. Dền cơm như thức quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là loại rau vừa sạch, lại vừa an toàn. Dền cơm nấu canh rất ngon khi kết hợp với tôm, cá, nấm,… nhưng ngon nhất có lẽ là nấu với cua đồng.
Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần theo mẹ ra đồng làm cỏ cho lạc, đỗ, khoai lang…, hay ra vườn chăm sóc mấy luống rau xà lách, cải, mồng tơi…, thế nào cũng bắt gặp dền cơm mọc đầy trên khắp luống, khắp vạt xen lẫn vào cỏ. Thay vì nhổ bỏ, mẹ bảo để dành chờ rau lớn sẽ hái về chế biến các món ăn. Mẹ nói rau dền đã đi vào đời sống, đi vào thơ ca đến thân thuộc: “Cho em hái đọt rau dền/ Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ già”, hay: “Canh tôm nấu rau dền cơm/ Anh ăn một chén thảo thơm quê nhà”… Cũng từ đó, tôi bắt đầu biết đến công dụng của rau dền và càng quý hơn thức quà của đồng quê này.
Bao giờ cũng thế, món canh rau dền cua đồng chất lượng hay không là tùy thuộc vào công đoạn nấu, đặc biệt phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi bàn tay người nội trợ. Mẹ đặt nồi nước cua lên bếp, đẩy lửa vừa đủ, tay dùng đũa khuấy đều để thịt cua không bị lắng và bén dưới đáy nồi. Khi nào thấy phần thịt cua nổi lên trên mặt nước thành tảng, mẹ gạt phần thịt sang một bên rồi cho rau dền vào. Phần gạch cua cũng được mẹ xào qua với hành khô cho thơm vàng rồi cho vào nồi canh. Mẹ đẩy lửa đến khi rau chín, nêm nếm thêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Bữa cơm gia đình một thời gian khó với món rau dền dường như đã quá quen thuộc với những người dân quê chúng tôi, nhưng riêng món rau dền nấu canh cua thì đó lần đầu tiên tôi được thưởng thức qua bàn tay tảo tần, tháo vát của mẹ. Sự quyện hòa giữa vị rau dền cơm mềm bùi, ngọt thanh với vị cua đồng béo ngậy, bổ dưỡng thực sự là món canh “giải nhiệt” lý tưởng và hấp dẫn mà bất kỳ ai sinh ra từ làng quê dù đã ăn nhiều lần vẫn muốn được ăn hoài ăn mãi.
Tôi lập nghiệp xa quê nhưng vẫn nhớ nấu món canh rau dền cua đồng ngọt mát ngày nào. Hôm rồi xuống chợ, tôi may mắn mua được bó rau dền cơm xanh non của một bà lão. Sau trận mưa đầu hè, cua đồng cũng sẵn. Thế là buổi trưa hôm ấy, cả nhà tôi có món canh rau dền nấu cua đồng thay đổi khẩu vị. Nâng niu chén canh ngon ngọt, trong tôi bỗng rưng rưng nỗi nhớ quê, nhớ mẹ cồn cào!
LÊ THỊ XUYÊN