Sách mới, sách hay

.

1. Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021) của tác giả người Nhật Bản Takashi Saito chỉ ra rằng, đọc sách chính là cách mà loài người làm cho trí tuệ tiến triển không ngừng, làm phong phú trí tưởng tượng và nâng tầm nhân cách.

 

Mở đầu cuốn sách, Takashi Saito viết: “Ngày hôm qua, tôi vừa thấy một dữ liệu đáng kinh ngạc. Đó là, quá nửa số sinh viên đại học có thời gian đọc sách bằng 0”. Cụ thể, có 53,1% sinh viên Nhật Bản trả lời thời gian đọc sách mỗi ngày của họ là “0 phút”, thông tin này được ông dẫn từ kết quả khảo sát của Liên hiệp hội Công đoàn đời sống sinh viên toàn quốc Nhật Bản lần thứ 53.

Chính điều này thôi thúc ông chia sẻ những trải nghiệm đọc sách của bản thân và cộng đồng đọc sách, từ đó chỉ ra việc đọc thông tin trên Internet và đọc sách là hai hành vi hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, ở phần “Đọc sách làm sâu sắc nhân sinh”, tác giả không đưa ra lời khuyên con người cần hạn chế đọc thông tin trên mạng, mà cố gắng truyền đi thông điệp: Trong khi vẫn sử dụng Internet và mạng xã hội, chúng ta vẫn đọc sách, đọc như thế nào và nên đọc sách gì.

2. “Sẽ có lúc bàn tay bé con không cần mẹ dắt nữa. Và đôi gót hồng mềm xinh không cần mẹ nâng đỡ. Nhưng hãy nhớ, mỗi khi con cô đơn buồn bã, mẹ luôn ở đó, một vòng tay” là lời căn dặn đầy âu yếm của tác giả Diệu Thủy trong Trong vòng tay mẹ (NXB Thế giới, 2021) dành cho hai con yêu.Cuốn sách chia sẻ những trải nghiệm làm mẹ của tác giả, đồng thời đưa ra những nhận định, phân tích giúp mỗi ông bố, bà mẹ nhìn nhận lại quá trình chăm sóc và nuôi dạy con trưởng thành.

 

Theo Diệu Thủy, không có nghề nào đặc biệt như “nghề làm mẹ”, với vô vàn trải nghiệm mới mẻ mà chỉ có thấu hiểu và yêu thương, người mẹ mới có thể vượt qua để mang lại cho con không gian phát triển tốt: “Nuôi con, mẹ trở nên mềm yếu hơn, dễ xúc động, hay sợ hãi... Những câu chuyện buồn liên quan đến trẻ con mà mẹ nghe được luôn làm mẹ đau thắt. Mẹ từng khóc như mưa khi đến chia buồn với bà hàng xóm, con dâu của bà mới mất để lại hai đứa con nhỏ, mà mẹ chỉ quen xã giao với cô ấy. Và mẹ khóc vì các con rất nhiều. Khi Hét một tháng tuổi rưỡi bị viêm phổi, mẹ cứ nhìn bàn tay bé xíu quấn băng cái ống chờ tiêm mà nước mắt chan hòa.

Khi Miu vào lớp Một lon ton xếp hàng đi vào lớp cùng các bạn. Khi Miu lần đầu tiên đạp xe mà không cần bố giữ, tóc bay tung trong gió. Làm mẹ phải chăng là công việc tốn nhiều nước mắt nhất? Mẹ nghĩ mình có kiến thức, mình đọc nhiều sách, mình khỏe mạnh và mình biết yêu thương, nuôi con là chuyện đơn giản, mình sẽ thế này, mình sẽ thế kia… Nhưng đến khi thực sự nuôi con, mẹ mới “sáng mắt”! Có những thứ trong sách không thể nói hết. Có những kiến thức không đúng với con của mẹ. Có những hướng dẫn không thể áp dụng…”.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.