Trong tâm thức của người Việt, “cây đa - bến nước - sân đình” là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn mọi người dân Việt, là biểu tượng của quê hương, đất nước. Việc chăm lo gìn giữ giá trị văn hóa đình làng của ông Đinh Viết Thành, Trưởng làng Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) đã và đang góp phần kế thừa và phát huy văn hóa làng xã cho thế hệ mai sau.
Đình làng Quá Giáng sau khi được trùng tu. Ảnh: Đ.H.L |
Giữa cái nắng tháng 7 như đổ lửa, ông Đinh Viết Thành vẫn vui vẻ đón tôi trong bộ áo dài khăn đóng, miệng hồ hởi: Mỗi năm mặc bộ ni chỉ đúng 4-5 lần thôi, trong đó có 2-3 lần phục vụ lễ hội ở đình làng và 2-3 lần chi đó ở nhà thờ chư phái tộc. Tôi quay sang hỏi: Rứa lúc mặc cảm thấy vui không ông? Ông Thành liền bày tỏ: Vui chứ chú! Mỗi lần mặc là cảm thấy điều gì đó thiêng liêng vì mình đang làm việc hiếu.
Còn mãi niềm tự hào
Dù làng không diễn ra hội hè nhưng ông Thành vẫn mặc chiếc áo dài khăn đóng tiếp đón tôi khi vào thắp hương cho đình làng và nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng. Chiếc áo ấy dù đã theo ông bao mùa hội làng nhưng vẫn được ông gìn giữ mới tinh. Tính đến nay, ông Thành đã làm Trưởng làng hơn 15 năm. Nhìn dáng người nhanh nhẹn, hoạt bát của ông ở tuổi 84, tôi mới hiểu lý do tại sao ông được dân làng tín nhiệm bầu chức Trưởng làng qua nhiều năm như vậy.
Lần về ký ức, ông Thành kể, ông được dân bầu làm Trưởng làng từ năm 1998. Đây cũng là thời điểm đình làng được xây dựng lại mới hoàn toàn và sau đó lần lượt trùng tu, sửa chữa qua các năm 2015 và 2021. Đặc biệt, trong năm 2021, đình làng vẫn được thành phố đầu tư 4 tỷ đồng để trùng tu, xây dựng các hạng mục nhà trù (nhà ăn), nhà vệ sinh, sân gạch...
Đình làng Quá Giáng trước đây đặt ở Lò Khoai, Giáng Nam, cách đình làng hiện nay khoảng 1km. Do xa thôn Cồn Mong nên dân làng dời về Trường Tiểu học Quá Giáng. Sau khi bị sét đánh hư hỏng nặng, đình được đưa về xây dựng tại làng Quá Giáng vào năm 1938.
Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lúc khoảng 15-17 tuổi, ông Thành thường theo cha là lực lượng dân quân tự vệ của làng, ở ngoài nhà thờ chư phái tộc tập luyện võ binh nên được chứng kiến và nghe cha kể nhiều về hai ông Nguyễn Ngọc Kinh và Đinh Lăng tập hợp, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ huấn luyện đêm ngày tại đình làng để sẵn sàng chiến đấu. Đến ngày 19-8-1945, khi cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám nổ ra, lực lượng dân quân tự vệ tiến công trấn áp lý trưởng, thu hồi tài liệu và qua Mi Lôi Thượng giải phóng thu hồi 19 mẫu ruộng, 21 con trâu do Pháp chiếm giữ để trả lại cho dân làng. Có lẽ vì vậy mà tình yêu quê hương cứ lớn dần trong ông Thành để ông gắn bó với ngôi làng này đến tận bây giờ.
Ông Đinh Viết Thành thắp hương tại đình làng Quá Giáng. Ảnh: Đ.H.L |
Gìn giữ văn hóa tâm linh
Làng Quá Giáng hiện có 7 thôn, gồm: Cồn Mong, Quá Giáng 1, Quá Giáng 2, Giáng Nam 1, Giáng Nam 2, Trà Kiểm (huyện Hòa Vang) và thôn An Lưu (quận Ngũ Hành Sơn). Hằng năm, người dân các thôn về đây tụ hội, cúng lễ cầu an (10-4 âm lịch) và lễ Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, trong lễ cầu an có rước sắc phong và các hoạt động hội làng thu hút hơn 600 con cháu về tụ hội, đón xem. Trong đó, lễ rước sắc phong là một trong những lễ quan trọng khi sắc phong được rước từ nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng về đình làng Quá Giáng, rồi rước trở về lại. Hiện nhà thờ lưu giữ 3 sắc phong do vua ban từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị để khen ngợi dân làng làm tốt các chính sách. “Để chống bị trộm cắp, tôi mang các sắc phong về nhà cất giữ cẩn thận trong tủ nên vẫn còn mới nguyên vẹn. Chúng được quấn tròn, bọc giấy bên ngoài rồi bỏ trong ống nhựa và bịt lại hai đầu để tránh mối mọt, chuột gián”, ông Thành cho biết.
Mỗi lần đến dịp cúng lễ đình làng, người dân lại thấy ông Thành tất tả lo lắng việc mua sắm các lễ vật cúng tế. Theo tục lệ xưa, lễ cúng tế phải có 3 con heo, trong đó có một con chưa nấu chín. Ngoài ra còn có đầy đủ hương đèn, áo giấy vàng bạc, hoa quả... Trước khi cúng, ông Thành mời các cụ cao niên trong làng đi kiểm tra lại các lễ vật. Cùng với lễ cúng, đình làng tổ chức nhiều trò chơi dân gian phục vụ người dân như đánh đu, thả vịt, bắt dê, hò khoan, giã gạo…; đặc biệt là mời nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về biểu diễn 2 đêm liên tục tại đình làng, thu hút 60-70% dân của 7 thôn đến xem.
Người xưa có câu “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, nên việc lo cỗ phần ăn đầy đủ cho hàng trăm người dân trong làng là không hề đơn giản. “Lo nhất là làm cỗ phần ăn, chỉ sợ thiếu chứ không lo thừa vì người dân đi bất thần, mình không kiểm soát được. Năm nào cũng chuẩn bị 70-80 mâm cỗ nên rất vất vả. Cũng may là có sự giúp sức của bà con, mỗi thôn cử vài ba người đến phụ nấu cỗ, riêng thôn nào gần đình làng thì sẽ tham gia nhiều người hơn”, ông Thành giải thích.
Dù thời gian biến đổi thăng trầm và chịu sự tác động của việc du nhập văn hóa hiện đại nhưng đến nay lễ hội cầu an vẫn được ông Đinh Viết Thành chăm lo gìn giữ và tổ chức chu đáo. “Công việc của tôi còn gọi là Chánh hội chủ (Trưởng làng). Đối với lễ hội đình làng, tôi chỉ đạo chung toàn diện; trong đó quan tâm làm tròn phần việc tế văn, học trò lễ. Học trò lễ cùng đi với thầy lạy để phần lễ thêm trang trọng. Đặc biệt, ngoài việc cúng kính, thờ vọng tổ tiên, tôi luôn chú trọng tổ chức tốt các hoạt động hội làng như các trò chơi dân gian, hát tuồng, hát hò khoan... để thu hút người dân tham gia đông đủ, từ đó khơi gợi tinh thần đoàn kết trong dân làng”, ông Thành chia sẻ.
Nét đẹp độc đáo của văn hóa làng
Việc họ việc làng nghe qua thì rất dễ nhưng không phải ai cũng có thể làm được nếu không có sự chu đáo, tỉ mỉ, nhất là sự tín nhiệm của dân làng. Ông Thành giải thích: Ý dân là ý trời. Chín người mười ý nên mình phải giải thích cho họ hiểu rồi quy lại thành một ý. Cũng có người nghe, cũng có người không nghe nhưng mình chọn đa số. Được cái, người dân nơi đây hiền lành, dễ chịu, thuần phác và siêng lao động!
Tuy nhiên, theo ông Thành, muốn vận động thành công thì cần sự giúp sức của chính quyền, Mặt trận và đoàn thể địa phương. Ông Thành cho biết: “Cũng nhờ chính quyền, Mặt trận thôn tập hợp bà con lên đình làng thì mình mới vận động cho họ nghe. Nếu chưa xong thì họp tới họp lui 2-3 ngày mới thuận. Nhờ đó, người dân không chỉ tham gia tốt phần việc của làng mà còn thực hiện tốt các phong trào thi đua của địa phương, nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới. Người dân chung tay cùng Nhà nước đóng góp ngày công bằng tiền mặt hoặc công sức để đổ bê-tông làm đường giao thông nông thôn; tích cực tham gia gìn giữ vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp, bảo vệ an ninh trật tự ổn định.
Để kế thừa công việc của làng, ông Thành đang quan tâm tìm người kế nhiệm mình. “Người thay thế phải có năng lực, bảo đảm các yếu tố: con cháu phải biết nghe lời, biết xã giao để đối nội đối ngoại, biết giữ mối liên hệ tốt với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, họ cũng phải hiểu biết các tục lễ cúng kính nên ngay từ bây giờ phải giúp họ thường xuyên dự các lễ cúng để nắm bắt các phần việc mà điều hành. Không chỉ là người có uy tín, dám nghĩ dám làm, mà còn trên 70 tuổi thì mới đứng ra chịu trách nhiệm với tổ tiên được!”, ông Thành trăn trở.
Hiện Nhà thờ chư phái tộc làng Quá Giáng được xếp di tích nghệ thuật kiến trúc cổ cấp quốc gia, còn đình làng Quá Giáng là di tích lịch sử cấp thành phố. Đình làng Quá Giáng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và hội họp của người dân trong làng mà còn là nơi thờ Đại càn quốc gia Nam Hải nên rất thiêng liêng đối với người dân. Nơi đây vừa là sợi dây gắn bó cộng đồng, vừa là nét đẹp độc đáo của văn hóa làng xã. Những người trưởng làng như ông Đinh Viết Thành đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa tâm linh của đình làng; vừa tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự địa phương và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trường tồn.
"Ông Đinh Viết Thành không chỉ làm tốt vai trò của một trưởng làng trong việc gìn giữ và tổ chức các lễ hội văn hóa đình làng ở địa phương, mà còn thực hiện tốt vai trò của trưởng họ Đinh. Với uy tín của mình, ông thường xuyên vận động con cháu họ tộc Đinh chấp hành tốt các quy định của làng, các phong trào thi đua của địa phương và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không có người trong họ vi phạm pháp luật” Ông Nguyễn Bút,Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG