Xóm cũ

.

Trường từ Đà Nẵng vô Sài Gòn có công việc. Nhân bữa Chủ nhật, anh nằm nướng trong khách sạn, nhớ lại bao chuyện cũ thời sinh viên cơm hàng cháo chợ, ở nhà thuê nhưng đầy ắp kỷ niệm vui buồn. Nhớ nhất là những tháng năm mướn nhà ở xóm Bùi Phát trên đường Trương Minh Giảng...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đến lúc đó thì Trường vùng dậy, ra khỏi giường, anh quyết định đi tìm lại những kỷ niệm xưa ở Sài Gòn. Lúc anh đang ngồi taxi chạy về chỗ xóm trọ cũ thì thấy ngoài cửa xe có một người đàn ông đang chở mấy bao hàng trên chiếc xe honda chạy song song. Quen quá! Trường bấm cửa kính xe, chờm ra về phía người đó, nói to:

-  Này, anh có phải là Quý không? Phải Trần Quý đó không?

- Quý đây? Ai vậy?, người chạy xe máy nói giọng Sài Gòn nhưng pha chất Huế nhìn anh nói.

Trường bảo taxi dừng lại, kịp lúc chiếc honda trườn tới.

- Trường đây! Trời ơi đã bao nhiêu năm mới gặp lại…

Quý ở cùng xóm với Trường gần chợ Cồn. Đó là một ngôi chợ lâu đời nhất ở Đà Nẵng, đâu khoảng những năm 40 của thế kỷ trước. Họ học cùng lớp nhưng khác trường. Năm 1972, Quý thi hỏng Tú tài hai rồi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Khi Quý thăng đến cấp trung úy ở một đơn vị thiết giáp thì chiến tranh đã nổ ra sát nách Sài Gòn. Hắn bị thương ở trận đánh Bình Long và được đưa về chạy chữa ở Tổng Y viện Cộng Hòa. Đầu tháng Tư năm 1975, hắn xuất viện. Thay vì trở lại đơn vị, Quý quyết định đào ngũ rồi về ở chung nhà trọ với Trường. Nhờ nằm viện hơn hai tháng, tóc tai dài ra, thịt da trắng trẻo như một sinh viên. Trường và các bạn nhường mấy bộ đồ dân sự và một đôi giày bata để Quý mặc, tránh quân cảnh dòm ngó. Hằng ngày vẫn ra quán cà phê với bọn sinh viên tán gẫu, trên tay lúc nào cũng cầm cuốn “Mặt  trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của Remarque mà hắn vẫn đọc lúc còn ở lính. Trước khi quân cách mạng vào Sài Gòn một tuần lễ, trong lần đi uống cà phê gần Đại học Vạn Hạnh, hắn bị quân cảnh xét giấy tờ và bắt giam tận trên Phú Lâm với tội danh đào ngũ, chờ ngày xét xử. Ngày 30-4 nhà lao bị phá cổng, hắn chạy về nhà trọ của Trường ở thêm được mấy ngày rồi ra trình diện theo lệnh gọi của chính quyền mới…

Từ đó cho đến khi Trường nhìn thấy hắn chạy xe honda chở hàng trên đường phố Sài Gòn, tính ra đã hơn 40 năm!

Hai người bạn cùng xóm cũ ở Đà Nẵng kéo nhau vào một quán cà phê bên đường. Quý kể, nhờ đào ngũ, hắn chỉ đi học tập chưa đầy hai năm. Tranh thủ về Đà Nẵng 10 ngày thăm gia đình rồi vào lại Sài Gòn và lấy vợ, làm đủ nghề kiếm sống. Cha mẹ, anh chị em hắn đi kinh tế mới ở một huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk. Ông bà cụ của Quý, theo hắn kể, đã qua đời mười năm trước. Các em hắn cũng lập gia đình và dần dần quay về Sài Gòn. Quý và vợ hiện làm nghề bán vải. Hằng ngày hắn phụ vợ chở hàng giao cho các mối. Đời sống bình thường, kinh tế đủ nuôi hai con ăn học…

Khi hai người bạn kể cho nhau hết mọi hoàn cảnh, công việc của mỗi người thì đã trưa. Quý chở Trường về nhà cho biết mặt vợ con rồi bày ra một bàn nhậu để tâm sự tiếp.

Đó là một căn hộ khoảng 40 mét vuông trong con hẻm trên quận 11, gần hồ Kỳ Hòa. Gia đình lao động, nhưng dưới mắt Trường là khá nền nếp, khác với vẻ giang hồ bạt mạng của một sĩ quan Thiết giáp, hay một học sinh ham chơi đàn hát trong cái xóm lao động xưa ở miền Trung. Trường xin phép lên gác xép thắp hương cho song thân Quý trong lúc vợ chồng bạn làm các món đãi bạn.

- Mày có bao giờ nhớ lại cái xóm cũ của bọn mình không?

- Trời, trong mơ có lúc tao còn nhớ nữa là…

Xóm cách đường phố chính chỉ vài ba chục mét, muốn vào phải qua các con hẻm hoặc một con đường đất rộng chưa đầy chục mét. Cả xóm đều là nhà tôn, vách ván hoặc xây gạch. Không có một ngọn điện. Các gia đình khá giả đều mua đèn măng-sông để thắp ban đêm cho con cái học bài. Con đường đất bụi mù vào những tháng nắng, nhưng nhão nhoẹt vào mùa mưa. Các xe GMC nhà binh buôn đồ lậu ra vào khiến cho mặt đường càng nhầy nhụa, có chỗ lở loét và đọng nước sâu hoắm nhiều ngày.

Cứ tạm đặt tên cho cái xóm cũ của Trường và Quý là xóm Bùn Cát cho dễ nhớ. Nhiều năm sau ngày hết chiến tranh, Trường ngồi nhớ lại, đó là một cộng đồng dân cư phức tạp đặc trưng trong thời chiến. Vài gia đình công chức ở chen lẫn với người buôn bán ngoài chợ hoặc hàng rong, có mấy hộ mua bán xăng dầu lậu do lính Mỹ chở vào. Một tiệm tạp hóa của gia đình viên sĩ quan cảnh sát, là chủ nợ của cả xóm. Hai người đạp xích lô chuyên nghiệp, trong đó có một người hoạt động bí mật trở thành trưởng khối phố sau hòa bình, người kia là dân tản cư vào từ ngoài đèo Hải Vân, suốt ngày say xỉn, gọi tên hàng xóm chửi không chừa một ai, sau khi đã chở vợ với gánh bánh bột lọc ra chợ Cồn. Một công chức góa vợ nuôi hai người con trai, suốt ngày đóng cửa im ỉm, không giao tiếp với ai. Một gia đình miền Bắc di cư có hai cô con gái xinh đẹp, học giỏi, đêm nào cũng nghe lanh canh tiếng muỗng khuấy cà phê để thức học bài. Mấy anh lính kiểng làm việc trong thành phố, đêm đêm chơi đàn guitar và hát “trăng tàn trên hè phố” hoặc “căn nhà ngoại ô” nghe đến não ruột…

Cha mẹ Quý là một tư chức sống chừng mực. Gia đình Trường tản cư đến từ nông thôn và mua căn nhà cũ, làm nghề buôn bán bách hóa đường dài.

Giữa xóm, trong ngôi nhà gỗ, có gia đình mụ Tư bán xôi nếp, xôi bắp cho người lớn lẫn trẻ em mỗi sáng. Lão Tư làm thợ mộc trong sở Mỹ và tranh thủ đóng thêm các thứ đồ gia dụng ở nhà cho bất cứ ai nhờ đến… Thúng xôi của mụ Tư ngon và rẻ, nhất là món dầu phụng phi hành, nên thu hút khách mua từ các xóm khác đến đông đúc.

Quý và Trường cũng là khách ăn sáng của mụ Tư. Khi có tiền, khi ăn chịu, mụ cũng vui cười. Thằng Quý mới học đệ Tam đã tán con Thu cuối xóm đang học đệ Tứ, thỉnh thoảng nó lại mua xôi nợ tiền mời con bé Thu. Thu là con gái một nữ Thượng sĩ quân y. Quý còn có tài đàn hát, thường theo đàn anh chơi nhiều bài bolero mùi mẫn và hay dắt mấy em gái ra biển Mỹ Khê vui chơi mỗi cuối tuần. Thằng Trường bị coi là đứa nhà quê, nhưng là một trong hai học trò trường công cư ngụ trong xóm. Một lần đi học, em Phương con gia đình miền Bắc di cư trượt té trên vũng nước, chiếc áo dài màu xanh thiên thanh sũng bùn. Trường trở thành ân nhân khi đưa Phương về nhà thay áo và mượn xe đạp chở nàng đến trường cho kịp giờ học. Từ đó họ thân nhau cho đến khi vào đại học, nhưng vì tính nhút nhát nên chưa một lần cầm tay nhau. Anh có viết thư tỏ tình và làm thơ tặng nàng mấy lần, nhưng không lần nào gởi. Vào đại học Phương lại theo văn khoa cùng các bạn nữ, ở xa nhau, nên họ vẫn mãi là bạn bè… Nhiều năm sau này, Phương trở thành cô giáo dạy con trai đầu của Trường. Họ vẫn quý mến nhau. Cô bé Thu của Quý nghe nói đã theo gia đình ra nước ngoài sau năm 1975…

Nhiều năm sau ngày 30-4-1975, Trường cưới vợ và chuyển đến ở một khu phố khác. Thỉnh thoảng trong những ngày kỵ giỗ người thân, anh vẫn quay về xóm Bùn Cát. Nhưng về rồi đi, ít khi có thời gian ở lại lâu. Khung cảnh chung quanh tự nó đang thay đổi từng ngày, như một quy luật. Cái trụ điện năm xưa do cha anh hợp đồng kéo điện vào xóm cho bà con dùng chung bây giờ đã là trạm biến áp hiện đại. Con đường đầy cát và thấp trủng xưa nay đã là đường lát nhựa, cống rãnh thông thoáng, lề đường rộng rãi, những ngôi nhà mới có cái đã đổi chủ, có cái vẫn là người xưa, nhưng đều hai, ba tầng đẹp đẽ. Xóm cũ nay có nhiều xe máy và cả ô-tô…

Vợ chồng bà Tư bán xôi không còn nữa. Ông già xích lô và người vợ bán bánh bột lọc đã về quê sau chiến tranh và nghe nói đã theo ông bà. Ông đạp xích lô hoạt động bí mật, sau thời gian làm trưởng khối phố, nay đã nghỉ việc vì tuổi tác... Nói chung nhiều người lớn tuổi, theo luật tự nhiên, đã trở thành thiên cổ. Đám thanh niên ngày xưa thường tụ tập đàn hát, chơi bolero suốt đêm ngày, sau này cũng mỗi người mỗi ngã. Có người giờ là cụ ông cụ bà, cháu con đùm đề trong xóm. Cái tên xóm Bùn Cát giờ nhiều người đã quên. Lớp trẻ sau này gọi xóm mình theo cái tên mới, là tên một danh nhân đặt cho con đường đất năm xưa…

Trong một giấc mơ của mình, sau ngày gặp lại Quý ở Sài Gòn, Trường bỗng thấy hiện lên mồn một cảnh cũ, người xưa. Anh giật mình thức giấc giữa đêm và bật đèn sáng ngồi vào bàn viết, ghi lại những gì đã nghe thấy và những kỷ niệm khó phai thời mới lớn. Và một chi tiết, dường như khắc đậm vào trí nhớ anh là những câu nói của mụ Tư bán xôi với Quý khi anh mua thêm gói nữa cho con bé Thu: “Mấy đứa con học giỏi rồi lấy nhau đi, cho xóm mình được ăn đám cưới! Ngày đó chắc hết súng đạn rồi nghe!”. Hoặc đoạn ông xích lô say xỉn về gọi cả xóm ra chửi, đến đoạn ông ta gọi tên cha của Trường ra chửi, bao nhiêu người đều không chịu nổi, nhưng cha Trường chỉ nói một câu: “Kệ, hồi nào tỉnh rượu thì ổng sẽ không chửi nữa! Chiến tranh mà, người ta tụ hết vào thành phố nên bức xúc vì chật chội, nghèo đói, sinh ra quẩn trí đó thôi!”. Từ hôm đó, người ta ngạc nhiên thấy ông xích lô không còn say khướt nữa và tỏ ra khá thân thiết với gia đình Trường. Ông công chức người Bắc, bố của cô giáo Phương, một hôm ghé chơi nhà, đã nói với cha Trường: “Chúng ta sống chẳng bao lâu nữa nên tôi thấy ông lấy sự khoan hòa mà đối nhân xử thế như vậy, tôi phục lắm!”…

Ghi lại mấy chi tiết đó từ giấc mơ về xóm cũ, tự nhiên Trường nhớ tới vợ chồng Quý vì hoàn cảnh mà phải tha phương cầu thực. Anh nhớ đến câu nói lưng chừng của Quý hôm gặp lại nhau ở Sài Gòn: “Trong mơ tao cũng còn thấy cái xóm cũ, nữa là…”.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.