Sách mới, Sách hay

.

1.“Cuộc đời thường như một nồi nước rất nóng. Có thể cuộc đời là nơi khắc nghiệt, căng thẳng và khó khăn. Em sẽ thấy mình ở trong những môi trường và hoàn cảnh thử thách con người thật của em, và có thể làm em thay đổi, làm em suy yếu hoặc chai cứng lại nếu em để cho mình chịu tác động”, thầy Jackson nói với cậu học trò Abe như vậy trong cuốn sách Chất như hạt cà phê (NXB Trẻ, 2022, Minh Huy dịch) của hai tác giả Jon Gordon và Damon West.

Chất như hạt cà phê là câu chuyện về Abe - một cậu học sinh luôn trong tình trạng căng thẳng và sợ hãi khi phải đối mặt với những thử thách, áp lực ở trường học và gia đình. Một ngày sau khi tan học, thầy giáo của Abe chia sẻ với cậu bài học chuyển hóa môi trường của hạt cà phê và thông điệp mạnh mẽ này đã thay đổi cách cậu suy nghĩ, hành động và nhìn nhận cuộc đời. Abe hiểu ra thay vì để môi trường làm mình thay đổi theo chiều hướng xấu đi, cậu có thể chuyển hóa theo hướng tốt hơn. Được trang bị chân lý chuyển hóa này, Abe bắt đầu hành trình đầy cảm hứng để sống cuộc đời chất như hạt cà phê. Bất kể cuộc sống đưa cậu đến đâu, từ trường học, quân đội, đến thế giới kinh doanh, Abe chứng minh rằng bài học đơn giản này có thể giải phóng nội lực và giúp cậu thành công.

2. Trong cuốn sách tâm lý Tôi ổn - Bạn ổn (tên tiếng Anh: “I’m OK - You’re OK”, NXB Dân trí, 2022), bác sĩ tâm thần Thomas Harris (Mỹ) lý giải nguồn gốc  những khuôn mẫu hành vi tiêu cực trong hiện tại, giúp hàng triệu người chưa - bao - giờ - thấy - mình - ổn trở nên ổn hơn. Phát hành lần đầu năm 1969, Tôi ổn - Bạn ổn được dịch ra 20 thứ tiếng với hơn 15 triệu bản in, đạt vị trí số một trong danh sách New York Times nhiều năm liền. Nó cũng đưa cụm từ “I’m OK - You’re OK” vào vốn từ vựng được sử dụng thường ngày của người Mỹ.

Tác giả tin rằng bên trong mỗi con người đều có 3 “trạng thái cái tôi” như cái tôi trẻ em, cái tôi cha mẹ, cái tôi người lớn, với những khuôn mẫu về hành vi, lời nói, quan điểm, cảm xúc. Tại từng thời điểm, cộng với những yếu tố khác nhau từ bên ngoài, các “trạng thái cái tôi” này sẽ nắm quyền kiểm soát và chi phối cảm xúc, hành vi. Theo Thomas Harris, chỉ khi kiểm soát được sự hiện diện của ba trạng thái này, con người mới được tự do hướng về hạnh phúc.

PHI TUÂN

;
;
.
.
.
.
.