Các sân bay ở Việt Nam

.

* Việt Nam hiện có bao nhiêu sân bay quốc tế? (Trần Hồng Lam, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

- Hiện ở Việt Nam có hai loại sân bay: sân bay dân dụng và sân bay quân sự. Sân bay dân dụng đáp ứng nhu cầu bay thông thường, hiện Việt Nam có 12 sân bay quốc tế và 10 sân bay nội địa. Các sân bay dân dụng cũng có một phần dành riêng cho hoạt động quân sự (khi cần).

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T.L
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T.L

Theo trang toancanhbatdongsan.com.vn (Diễn đàn toàn cảnh Bất động sản Việt Nam), trong số 12 sân bay quốc tế (cảng hàng không quốc tế) ở Việt Nam có 5 sân bay trọng điểm: Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng (Đà Nẵng), Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Sân bay quốc tế Nội Bài (ký hiệu HAN) là sân bay lớn nhất và quan trọng nhất ở miền Bắc Việt Nam, nằm ở huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, gồm 2 nhà ga nội địa (T1) và nhà ga quốc tế (T2). Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hành khách, sân bay đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm cây nước miễn phí, quầy hàng miễn thuế, khu vực sạc điện thoại di động, hộp ngủ... Hằng năm, sân bay quốc tế Nội Bài đón 16 đến 29 triệu lượt khách. Do đó, sân bay đang lên kế hoạch hiện đại hóa, mở rộng để tăng công suất và cải thiện tình trạng quá tải.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) là cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam về diện tích, công suất nhà ga và lưu lượng hành khách. Tổng diện tích của sân bay là 850 ha, công suất nhà ga thiết kế là 28 triệu hành khách/năm. Sân bay được đầu tư trang thiết bị tiện nghi, cơ sở hạ tầng hiện đại, cao cấp đáp ứng nhu cầu tối thiểu của hành khách. Chẳng hạn như mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi, sạc điện thoại di động...

Sân bay quốc tế Đà Nẵng (DAD) là sân bay lớn thứ 3 tại Việt Nam với tổng diện tích 842 ha. Đây là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất trên bản đồ sân bay Việt Nam. Theo thống kê, có 16 đường bay nội địa và 25 đường bay thẳng quốc tế khởi hành từ Đà Nẵng với tổng số 200 chuyến bay mỗi ngày. Sân bay có 3 nhà ga phục vụ hành khách gồm nhà ga quốc nội (T1 - đón 15 triệu khách/năm), nhà ga quốc tế (T2 - đón 6 triệu khách/năm) và nhà ga VIP (chỉ phục vụ nguyên thủ quốc gia).

Sân bay quốc tế Vân Đồn (VDO) chính thức đi vào hoạt động năm 2018 và được biết đến là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Sân bay có vị trí chiến lược, cách thành phố Hạ Long 60km, tiếp giáp với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, có tiềm năng phát triển kinh tế du lịch không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài.

Sân bay quốc tế Phú Quốc (PQC) đứng sau sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cần Thơ, góp phần quan trọng giúp Phú Quốc trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch quan trọng phía Nam. Cho đến nay, Cảng hàng không Phú Quốc là nơi hoạt động của 5 hãng nội địa Việt Nam cùng khoảng 20 hãng bay quốc tế từ Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc…

7 sân bay quốc tế còn lại gồm: Cát Bi (HPH), thành phố Hải Phòng; Vinh (VII), tỉnh Nghệ An; Phú Bài (HUI), tỉnh Thừa Thiên Huế; Cam Ranh (CXR), tỉnh Khánh Hòa; Liên Khương (DLI), tỉnh Lâm Đồng; Phù Cát (UIH), tỉnh Bình Định; Cần Thơ (VCA), thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang được xúc tiến xây dựng.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.