Cách người Ai Cập cổ đại ướp xác

.

Trong hàng ngàn năm, người Ai Cập cổ đại đã ướp xác người chết để tìm kiếm sự sống vĩnh cửu. Giờ đây, các nhà khoa học sử dụng các chất hóa học để tìm hiểu những chất liệu và công thức pha chế mà người Ai Cập cổ đại dùng để ướp xác người chết. Theo đó, những hiểu biết mới về quá trình ướp xác vừa được công bố trên tạp chí Nature, dựa trên một phát hiện khảo cổ hiếm có: Một xưởng ướp xác với kho đồ gốm khoảng 2.500 năm tuổi. Những chất cặn còn lại trong nhiều chiếc lọ, bình cổ từ địa điểm này là chìa khóa để các nhà khoa học có thể đi sâu tìm hiểu về kỹ thuật ướp xác.

Hình minh họa mô tả quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại.Ảnh: Nikola Nevenov
Hình minh họa mô tả quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại.Ảnh: Nikola Nevenov

Xưởng ướp xác của người Ai Cập cổ đại được phát hiện vào năm 2016 bởi tác giả nghiên cứu Ramadan Hussein, nằm trong khu chôn cất nổi tiếng của Saqqara. Saqqara là một ngôi làng Ai Cập, khu vực Badrashin, thuộc tỉnh Giza - nơi chôn cất của hoàng gia Ai Cập cổ đại. Các bộ phận của khu nhà xưởng nằm trên bề mặt nhưng có lộ giới kéo dài xuống phòng ướp xác và phòng chôn cất dưới lòng đất - nơi phát hiện ra những chiếc lọ. Những người ướp xác cổ đại có kiến thức sâu rộng về những chất giúp bảo quản xác chết, bao gồm các chất liệu đa dạng.

Theo đó, họ đã sử dụng hợp chất được gọi là antiu, gồm các thành phần chính như: dầu cây tuyết tùng, dầu cây bách xù, mỡ động vật... để tạo nên chất liệu ướp xác. Dựa trên phần hướng dẫn sử dụng được khắc trên cổ vật, các nhà khoa học cho rằng người Ai Cập cổ đại có thể đã xoa hợp chất này lên cơ thể của người chết, sau đó băng kín lại bằng những tấm vải. Tiếp theo, họ sử dụng mỡ động vật và nhựa cây Burseraceae để xử lý mùi của cơ thể đang phân hủy.

Bên cạnh đó, mỡ động vật và sáp ong cũng được sử dụng để xử lý phần da chết trong những ngày điều trị đầu tiên. Điều đáng chú ý là một số thành phần chứa bên trong các lọ được tìm thấy có nguồn gốc từ những nơi xa xôi trên thế giới. Điều này có nghĩa là người Ai Cập đã cố gắng hết sức để làm cho xác ướp của họ “hoàn hảo nhất có thể”.

Salima Ikram, nhà Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo cho biết, việc làm khô cơ thể có thể diễn ra trên mặt đất, sau đó, người ta đưa thi thể xuống các phòng ướp xác - nơi giai đoạn cuối của quá trình ướp xác diễn ra. Thông qua quá trình ướp xác, họ nhìn thấy rõ các cơ quan nội tạng, mặc dù không biết chức năng của chúng. Điều này cho phép bác sĩ ghi lại các phát hiện và phát triển phương pháp phẫu thuật dựa trên kiến thức giải phẫu. Mục đích của việc ướp xác là giữ cho thi thể nguyên vẹn để có thể chuyển sang thế giới bên kia bằng tâm linh.

Chỉ những người rất giàu mới có khả năng ướp xác tốt nhất. Tuy nhiên, mong muốn được "sống" vĩnh cửu là điều quan trọng với tất cả mọi người, vì vậy, đa phần người dân đều cố gắng chi trả để được làm thành xác ướp khi chết đi. Người ta ước tính có khoảng 70 triệu xác ướp đã được tạo ra ở Ai Cập trong hơn 3.000 năm của nền văn minh cổ đại.

HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.