Phát huy giá trị kiến trúc công trình Pháp

.

Theo thời gian, những công trình kiến trúc xưa cũ do người Pháp xây dựng tại Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm của người dân bởi vẻ đẹp cổ điển, sang trọng, mang tính mỹ thuật. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp phù hợp để giữ gìn nhóm công trình này, góp phần tạo nên không gian kiến trúc đặc trưng của thành phố.

Đà Nẵng quyết định chuyển đổi công năng tòa nhà 42-44 Bạch Đằng (vốn là Tòa Thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc) thành Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Đà Nẵng quyết định chuyển đổi công năng tòa nhà 42-44 Bạch Đằng (vốn là Tòa Thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc) thành Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Trưởng bộ môn Kiến trúc, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), TS. Lê Minh Sơn khẳng định, quá trình tiếp biến của thời gian đã giúp Đà Nẵng hình thành một hình thái đô thị đặc trưng, trong đó kiến trúc thuộc địa Pháp - một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên hình ảnh đặc trưng đó. 

Cân nhắc gìn giữ các giá trị lịch sử

Mỗi công trình kiến trúc Pháp còn lại ở Đà Nẵng đều chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử cần gìn giữ. Bà Võ Thị Oanh, quản lý biệt thự Pháp (số 56 Trần Quốc Toản) cho hay, biệt thự do ông nội bà là ông Võ Hồ Kiệm xây dựng hơn 100 năm trước, theo lối kiến trúc Pháp đề cao vẻ đẹp thẩm mỹ, mùa hè mát, mùa đông ấm. Để xây dựng biệt thự này, ông Kiệm vận chuyển xi-măng, sắt thép, nội thất từ Pháp và phải mất vài năm mới hoàn thiện.

Giữa tất bật phố phường, ngôi nhà Pháp tại 56 Trần Quốc Toản vẫn giữ nét quyến rũ, yên bình vốn có và được đánh giá là một trong những công trình nhà ở kiến trúc Pháp còn giữ nguyên hiện trạng, với 3 lớp cửa và các chi tiết thiết kế mang đậm phong cách phương Tây. Bên ngoài cũ kỹ, bên trong ấm cúng, nội thất tân cổ điển được bố trí cân đối, hài hòa giữa màu sắc và ánh sáng ngôi nhà. Những trụ gỗ cùng khung tranh, ảnh, bàn, ghế, tủ gỗ tông trầm nổi bật giữa mảng tường màu trắng ngà cũ kỹ. Trên trần nhà, những chiếc đèn trang trí đơn giản, tinh tế làm sáng bừng không gian sang trọng, quý phái. Bên cạnh đó, nét đặc trưng của công trình là hệ thống tường bao được xây dựng chắc chắn, an toàn, nổi bật của biệt thự kiểu Pháp. “Trước khi mất, ông tôi để lại di chúc căn dặn con cháu phải giữ bằng được ngôi nhà nên gia đình quyết tâm gìn giữ, dù lâu nay thỉnh thoảng vẫn có người đến hỏi thuê để mở nhà hàng nhưng gia đình không đồng ý”, bà Oanh chia sẻ.

Thực tế, không phải công trình Pháp nào cũng gìn giữ được giá trị kiến trúc nguyên bản, bởi có không ít công trình đã, đang đối mặt nguy cơ “mất dấu”, nếu không được ứng xử phù hợp. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng từng bày tỏ sự băn khoăn khi Đà Nẵng quyết định tháo dỡ tòa nhà kiến trúc Pháp tại 70 Bạch Đằng (nguyên là trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố) để mở rộng trụ sở làm việc. Theo ông Tiếng, tòa nhà 70 Bạch Đằng là một trong những di sản kiến trúc Pháp ít ỏi còn sót lại trên địa bàn thành phố. Do đó, việc thay đổi công năng cần giữ nguyên trạng thiết kế, nếu không thành phố sẽ mất thêm một di tích lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển thành phố.

Tương tự, dự án cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng tòa nhà 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú (vốn là Tòa Thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc) thành Bảo tàng Đà Nẵng cũng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận đúng giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất ở mỗi công trình, từ đó đưa ra hướng bảo tồn, phát huy hiệu quả. Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao khẳng định, trong quá trình triển khai các dự án cải tạo, ngành văn hóa luôn tuân thủ nguyên tắc bảo đảm yếu tố gốc và giữ nguyên các đặc điểm kiến trúc cốt lõi của công trình.

Tôn trọng sự đa dạng trong kiến trúc

Thống kê sơ bộ, hiện Đà Nẵng có hơn 20 công trình kiến trúc Pháp có giá trị, tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu, như Trường Ecole Franco - An namite de Tourane (1890, nay là Trường Tiểu học Phù Đổng), Bảo tàng điêu khắc Chăm (1919), Tòa Thị chính thành phố (1906), Tòa án nhân dân thành phố (1906), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố (1920)… Hầu hết các công trình đều được thành phố đưa vào danh sách cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử. Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện nhiều đợt kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng công trình có giá trị để có biện pháp bảo vệ. Sở cũng lập hồ sơ khoa học và đề xuất cấp có thẩm quyền xếp hạng, đưa vào danh mục kiểm kê các công trình có giá trị làm cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn.

Mặt khác, dựa theo Luật Kiến trúc năm 2019, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện thống kê, đánh giá hiện trạng, giá trị các công trình kiến trúc Pháp, tham mưu UBND thành phố đưa vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị. “Hiện chúng tôi đang phối hợp Sở Xây dựng xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Đà Nẵng, trong đó có công trình kiến trúc Pháp. Quy chế được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như góp phần nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ di sản”, ông Hà Vỹ thông tin thêm.

Trong khi đó, TS. Lê Minh Sơn cho rằng, các công trình kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng là riêng biệt, độc đáo và không thể thay thế. Với vẻ đẹp thẩm mỹ, hài hòa, bảo đảm công năng sử dụng, nhóm công trình này sẽ góp phần tạo nên không gian kiến trúc đặc trưng của thành phố. Nếu Đà Nẵng tập trung phát triển theo xu hướng năng động hiện đại (nhà cao tầng, khu phức hợp…) mà không cân bằng được yếu tố cũ - mới thì Đà Nẵng cũng sẽ giống như Singapore hay na ná một số nước khác trên thế giới: phát triển không có bản sắc địa phương, không theo hướng bền vững. Có thể nói, giá trị lớn nhất của quỹ kiến trúc Pháp là thúc đẩy phát triển du lịch phục vụ du khách quốc tế, châu Âu, kế đến là giá trị về bản sắc địa phương.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, tuổi thọ công trình, một nguyên nhân khác khiến công tác bảo tồn kiến trúc công trình Pháp gặp khó khăn là Đà Nẵng hiện không còn bản vẽ gốc. Việc trùng tu không dựa theo bản vẽ gốc đã khiến nhiều công trình mất đi giá trị kiến trúc vốn có. Là người có nhiều nghiên cứu về kiến trúc công trình Pháp tại Đà Nẵng, TS. Lê Minh Sơn lo lắng việc trùng tu, bảo tồn không dựa theo bản vẽ gốc, tư liệu lịch sử, được thực hiện bởi người không có chuyên môn và không được giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến sự sai lệch so với kiến trúc nguyên bản.

TS. Lê Minh Sơn dẫn chứng, những ngôi nhà cổ ở phố cổ Hội An được tổ chức JICA (Nhật) hỗ trợ trùng tu theo nguyên bản gốc, nhờ đó khôi phục được hình dạng, kiến trúc ban đầu. “Trùng tu theo phương pháp xây dựng nguyên bản luôn mang lại giá trị cao nhất cho công trình. Chưa kể, trong quá trình trùng tu, các nhà nghiên cứu làm việc trách nhiệm, khoa học sẽ hạn chế việc sử dụng vật liệu mới, xem đó là điều cấm kỵ và không thực tế.

Theo tôi, muốn bảo tồn cái gì, trước tiên phải xem nó có giá trị hay không, từ đó đưa vào danh mục bảo tồn (có quyết định phê duyệt của UBND thành phố). Trên cơ sở này, chúng ta mới bàn tiếp tới việc phát huy giá trị quỹ kiến trúc công trình Pháp trong giai đoạn mới: chuyển đổi chức năng sử dụng, cho các tập đoàn kinh doanh dịch vụ nổi tiếng trên thế giới thuê lại (có quy định ràng buộc cụ thể về giữ gìn giá trị kiến trúc công trình) nhằm mang lại hơi thở thời đại cho các công trình xưa cũ”, ông Sơn phân tích.

Không thể phủ nhận quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ, phục hồi và trùng tu các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc hài hòa giữa lợi ích chủ sở hữu công trình (thành phố, tư nhân) với bảo tồn, phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn.

Để từng bước tháo gỡ, ông Hà Vỹ cho rằng thành phố cần ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với các công trình kiến trúc xưa cũ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng dân cư trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc một cách hiệu quả. Đối với những công trình kiến trúc Pháp có giá trị, công tác trùng tu, tôn tạo cần bảo đảm quy định Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó đơn vị thi công phải bảo đảm về năng lực, các phương án thiết kế phải lấy ý kiến chuyên gia và các cơ quan liên quan trước khi triển khai.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.