Cà phê

.

Có người nói quán cà phê là nơi duy nhất ngồi một mình mà không thấy cô đơn. Rất nhiều lần tôi cảm cái lặng lẽ một mình trong tiếng nhạc bên ly cà phê. Đọc bài báo mình thích để dành từ trước, hay đơn giản đắm chìm theo những bản nhạc mà hình như không còn là âm thanh nữa, nó là kỷ niệm.

Rất nhiều người bắt đầu một ngày mới là ly cà phê, với tôi cũng vậy. Thường là một quán nào đó gần cơ quan, hoặc thuận đường, cà phê như lời hứa thầm cho một khởi động. Không biết có phải do cạnh tranh không mà chất lượng pha chế cái thứ nước thần thánh này không chênh nhau mấy. Không chi thú vị bằng một ly cà phê ngon, không gian lắng đọng, có chỗ để mắt mình nhìn, có người để mình ngồi… im lặng. Nhiều người cho rằng Đà Nẵng và Đà Lạt là hai nơi có cà phê ngon nhất nước, không biết có phải do con nước hay cách thưởng thức mà nên?

Hoa cà phê. Ảnh: T.T
Hoa cà phê. Ảnh: T.T

Cũng vì cái thức uống mở cửa tâm hồn mỗi ngày mà tôi dặn với mình, lần này nhất định phải tới tận gốc để nhìn cho rõ cái cây cho đời sự tỉnh táo ấy như thế nào. Mê cây, mê hoa nhưng thú thật đây là lần đầu tôi được tận mắt thấy hoa cà phê. Từng nụ trắng tinh khôi đầy quyến rũ, kết thành chuỗi sắp đều quanh cành, nổi bật giữa màu xanh tít tắp bất tận lưng đồi, nhưng ám ảnh là mùi thơm dịu nhẹ thanh khiết của nó. Có chút nồng nàn nguyệt quế, phảng phất hoa mộc kiêu sa, gần gũi huệ lan tháng tám…

Không phải là lần đầu đến Buôn Mê Thuột, nhưng lần trước so với lần này cảnh và người khác nhau nhiều lắm. Buôn Mê Thuột ngày trước có người ác miệng dịch là Buồn Muôn Thuở. Chắc là chiến tranh Tây Nguyên với những địa danh Đắk Mil, Đắk Tô, Tân Cảnh, Pleime... với những trận đánh long trời, thì phố xá nơi đây buồn cũng là lẽ thường, nhưng bây giờ thì khác hẳn. Nhà cao cửa rộng, phố xá thênh thang, hàng quán với những tiện nghi, nói thật ở dưới biển mấy khi được tới những chỗ ngang với cỡ trên này.

Đó là phố, chứ còn xuống các huyện như Buôn Đôn, Lak, Krông Ana… thì sự trù phú hiện ra như một bức tranh đủ để làm ngạc nhiên bất cứ ai. Nhà lầu, xe hơi không là chuyện hiếm. Nhớ ngày trước, thỉnh thoảng có bà con ở quê ra ở đợi vài ngày mua vé xe đi kinh tế mới, nhìn mấy bao cát đựng đồ cho một chuyến đi cuộc đời, trong đầu óc bé con của tôi cũng đủ để ái ngại, vậy mà hôm nay những người ngày xưa ấy mua vé máy bay, đón tiếp ân cần những ân nhân của những ngày chờ xe ngày nọ lên chơi.

Đắk Lắk mùa này vẫn đẹp, mưa cuối mùa, đêm về se lạnh đủ để gây mùi nhớ, cây trái đang tụ mùa căng tràn sức sống. Với tôi, nhìn đâu cũng lạ, cũng mỡ màng bazan trù phú, cũng thênh thang ngút mắt màu xánh của lá, của rừng đang rạo rực chuyển mùa. Mấy ngày ở cao nguyên, tôi muốn nhìn thật nhiều, muốn nghe cho hết, muốn nhớ thật sâu… những gì tôi thấy, mà lạ một điều tôi muốn… cảm ơn.

Hầu hết bạn bè tôi bắt đầu mỗi ngày đều bằng một cử cà phê, có thể đen, sữa, đá… tùy gu mỗi người nhưng nhất định phải có một ly. Không còn là thói quen nữa, nó đã thành điều kiện tự nhiên và bắt buộc mỗi ngày. Tôi cũng vậy, ngồi chung với bạn và cũng rất nhiều khi ngồi một mình. Cầm cái ly, cái muỗng rồi từ tốn khuấy đều, im lặng nhìn thật lâu vào sóng sánh thơm ấy, đừng nghĩ chi khác, thật nhẹ bạn đưa cốc lên và chao ơi cái ngụm cà phê đầu tiên trong ngày, nó giống như nụ hôn của đất của trời tụ lại và ban tặng cho riêng ai. Cứ nghĩ triệu năm mỡ màng bazan tích lại cùng với sự hào phóng của nắng, của gió phương này mà chắt chiu thành thơm thành ngậy, đặc quánh.

Tôi đã đến nhiều quán cà phê, nhưng chưa đâu tôi thấy như ở Buôn Mê Thuột. Có cảm giác như một thánh đường, cũng trai thanh gái lịch, cũng bàn cũng ghế, cũng cây cũng hoa nhưng ở đây có một cái gì rất khác. Hình như bầu trời ở đây gần đất hơn chăng? Hay hạt mưa ở đây lớn hơn dưới đồng bằng? Hay gió ở đây hào phóng hơn mà không khí trong quán trở nên gần gũi, hay do con nước mà mùi cà phê thơm hơn?... Có lẽ bởi tất cả, chỉ nơi đây cà phê mới đúng là cà phê.

Người ta nói Vienna (Áo) là thủ đô các quán cà phê của thế giới, còn Đắk Lắk là thủ đô cà phê của Việt Nam. Một lần đến thủ đô của thứ trái làm say đắm cuộc đời cũng đáng để mà đi.

TRẦN THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.