Tôi đã quên hình ảnh quen thuộc của tuổi ấu thơ nếu không xem lại bộ phim đen trắng được sản xuất sau ngày nước nhà thống nhất. Đó là bóng dáng về một em trai chừng 9-10 tuổi, mặc quần đùi, áo ka-tê ngắn tay, đội mũ rộng vành, xỏ đôi dép nhựa, mang thùng cà rem lang thang khắp mọi con đường, hè phố.
Hình ảnh cậu bé bán cà rem trong phim là nhân vật phụ nhưng chắc có lẽ sẽ gợi cho nhiều người giờ đây mái đầu đã lốm đốm muối tiêu, với thiên chức ông bà bao bâng khuâng, nỗi niềm. Khoảng trời trẻ thơ của tôi cũng ùa về khi nghe tiếng rao của cậu bé, dù đó vọng về từ trong màn bạc: “Cà rem cắt đây”. Ngày ấy chiến tranh biến Đà Nẵng trở thành phố xá liên hợp quân sự của địch. Nhà cửa, đường phố chỉ gói gọn trong không gian nhỏ hẹp.
Minh họa: HÀ CÁT |
Cuộc sống của người dân lao động thị thành luôn hấp tấp, vội vã với bao công việc để mưu sinh. Những đứa trẻ bán cà rem lúc đó thật đáng thương bởi các em phải lặn lội kiếm cái ăn, cái mặc cho bản thân. Hầu hết các em từ những vùng quê nghèo khó các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang… tỉnh Quảng Đà trôi dạt về Đà Nẵng do hoàn cảnh khắc nghiệt của đạn bom.
Đa số các em đều là những số phận côi cút mất cha, vắng mẹ, bơ vơ giữa dòng đời. Nếu em nào may mắn có người bà con ở Đà Nẵng thì có chỗ nương náu tạm thời nhưng cũng phải tự thân lần mò cơm cháo, các em không có ai dựa dẫm thì nhà ga, bến xe, cầu cống là nơi để đêm về ngủ nghỉ. Mỗi em đều có cái thùng xốp hình chữ nhật để bỏ những khối kem đông đặc, con dao inox rồi mang chéo dây thùng sà tới đầu gối rong ruổi mọi ngóc ngách trong thành phố.
Vào thời gian này, Đà Nẵng chưa có kem que như bây giờ mà người ta chỉ đổ khuôn từng miếng cà rem đông đặc để cho các cậu bé mang đi bán dạo. “Cà rem cắt đây”. Tiếng rao bật lên giữa trưa hè ràn rạt để rồi bao đứa trẻ trạc tuổi như chính người bán từ đâu chạy tới chìa ra tờ tiền kênh trắng vòng tròn răng cưa có mệnh giá 5 đồng.
Thùng cà rem được đặt xuống giữa đường, cậu bé mở nắp dùng con dao cắt một miếng nho nhỏ giống như bánh xà phòng tắm đưa cho đứa mua. Do cà rem không có que cầm nên các cu cậu cứ sang đổi hai tay liên tục cho khỏi bị tê cóng để mút cái hương vị thơm ngọt, mát lịm trong tiết trời nóng bức.
Do suốt ngày đội mưa, hứng nắng nên da dẻ các em đen nhẻm, tóc cháy sém vàng hoe, quần áo xộc xệch, người hôi hám, chí (chấy) rận là nỗi ám ảnh khó phai mờ trong ký ức. Duy chỉ có ánh mắt của nhiều em ngời ngời sự hồn nhiên, trong trẻo, tự tin về cách kiếm cơm hằng ngày của mình.
Có không ít đêm đang vùi đầu trong các xó xỉnh ở những nơi công cộng bị cảnh sát, quân cảnh tuần tra đẩy đuổi, kèm theo những cú đá, cái bạt tai đe nẹt. Rồi cũng không ít lần bị tống lên xe đưa về đồn, cảnh sát tra xét vì địch nghi ngờ các em bán cà rem làm liên lạc với cơ sở cách mạng trong nội đô.
Bởi có em bán cà rem được các trinh sát an ninh, biệt động thành, các cơ sở cách mạng theo dõi, gặp gỡ, giao nhiệm vụ và rồi việc bán cà rem của các em là hình thức công khai để bí mật chuyển thư từ, tin tức tới các địa điểm cần thiết hoặc hộp thư chết, góp công cùng với quân, dân đấu tranh giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng ngày 29-3-1975.
Hình ảnh em bé bán cà rem trong phim mà tôi đã xem cũng là một chiến sĩ nhỏ tuổi gan dạ như thế. Bị địch bắt tra tấn cực kỳ dã man, ngất đi, tỉnh lại vẫn không hé môi một lời, sẵn sàng hy sinh càng làm cho kẻ thù run sợ.
Tôi không nhớ hình bóng những đứa trẻ bán cà rem ngày ấy lùi vào dĩ vãng từ bao giờ. Chỉ biết, khi các em lang thang nơi phố xá rong rêu, xưa cũ là chuỗi thời gian các em chưa có chốn bình yên để quay về. Thế nhưng, trong bao mảnh đời nhỏ bé ấy luôn có nghị lực, biết sống trong những ngày thành phố bị địch chiếm đóng.
Thái Mỹ