Là địa bàn trung tâm thành phố, quận Hải Châu trở thành điểm sáng khi tiên phong thí điểm các mô hình sáng tạo mang tới sự tiện ích cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Người dân giao dịch tại bộ phận "Một cửa" UBND phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Ảnh: Đ.H.L |
Từ mô hình Khu dân cư điện tử, quận chuyển sang đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền điện tử, từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện với người dân.
Hướng đến sự hài lòng và tiện ích của dân
Giờ cao điểm nhưng bộ phận "Một cửa" phường Hải Châu 1 vắng người dân đến giao dịch do hầu hết đã chuyển sang làm thủ tục hành chính trực tuyến. Thỉnh thoảng có một vài người dân đến công chứng, đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân... Chị Ngọc Anh (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, công ty đóng trên địa bàn phường Hải Châu 1 nên chị đến công chứng một số giấy tờ.
“Làm thủ tục công chứng tại bộ phận "Một cửa" rất nhanh nên tôi đến trực tiếp làm cho tiện. Cán bộ ở đây thân thiện, gần gũi và tận tình hướng dẫn tôi giải quyết giấy tờ nhanh gọn”, chị Ngọc Anh bày tỏ.
Bà Diễm Trinh (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) hài lòng khi các thủ tục đăng ký khai tử cho người thân được cán bộ phường hướng dẫn giải quyết nhanh. Bà Diễm Trinh cho biết: “Sau khi xin giấy xác nhận cư trú ở Công an phường, nhân viên bộ phận "Một cửa" hướng dẫn tôi rất tận tình, chỉ mất vài phút là xong thủ tục hồ sơ”.
Giải thích về một số hồ sơ giấy tờ phải đến làm trực tiếp tại phường, bà Hồ Thị Trà Vân, công chức văn phòng thống kê bộ phận "Một cửa" UBND phường Hải Châu 1 cho biết: “Đối với những hồ sơ làm mới như đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn thì công dân phải đến phường làm trực tiếp vì cần bảo đảm tính chính xác của pháp lý để cấp giấy cho người dân. Khó khăn hiện nay khi làm hồ sơ trực tuyến là hệ thống thường xảy ra lỗi, người dân nộp hồ sơ thiếu, khi quá thời hạn mới kiểm tra phát hiện hồ sơ thiếu nên mất thêm thời gian bổ sung. Ngoài ra, việc chưa đồng bộ chia sẻ dữ liệu cũng làm mất thời gian cho người dân khi phải đi xin giấy xác nhận cư trú ở Công an phường”.
Từ tháng 1-2022, quận Hải Châu đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số cho người dân 13 phường thực hiện các thủ tục hành chính trên nền tảng số. Qua đó, người dân tăng cường ứng dụng các phương tiện thông qua điện thoại thông minh và triển khai chuyển đổi số linh hoạt.
Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 cho biết, để giúp người dân giao dịch trực tuyến, phường đã triển khai mô hình Khu dân cư điện tử từ năm 2019 tại địa điểm 148 Lê Lợi, hỗ trợ người dân làm quen với các thao tác thực hiện thủ tục điện tử. Tuy nhiên, do ảnh hưởng Covid-19, mô hình này bị gián đoạn. “Hướng đến sự tiện lợi cho người dân, từ 1-1-2023, UBND phường Hải Châu 1 hỗ trợ người dân giao dịch trực tuyến và không còn làm hồ sơ giấy nữa. Thời gian tới, sau khi được phân quyền chia sẻ dữ liệu cho bộ phận "Một cửa" thì người dân không cần phải mất thời gian qua Công an phường để xác nhận cư trú”, ông Võ Trường Anh khẳng định.
Đơn giản hóa thủ tục
Theo báo cáo của UBND quận Hải Châu, trong năm 2022, thực hiện xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, 100% lãnh đạo UBND quận và các phòng, ngành chức năng quận sử dụng chữ ký số. Quận giải quyết 7.064/9.182 tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Có được kết quả này, một phần là nhờ quận Hải Châu sớm triển khai mô hình Khu dân cư điện tử trên 13 phường, qua đó từng bước giúp người dân tiếp cận nhanh chính quyền điện tử.
Ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Dương cho biết, việc thực hiện mô hình Khu dân cư điện tử trong thời gian đầu đã giúp người dân thao tác quen dần với giao dịch trực tuyến. Trong lúc chờ quận đánh giá hiệu quả của mô hình này, UBND phường Nam Dương đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số tại tổ dân phố. Đặc biệt, cử đoàn viên thanh niên phối hợp tổ chuyển đổi số, công nghệ số khu dân cư tạo tài khoản công dân điện tử để giao dịch với chính quyền. Mục tiêu đặt ra là mỗi gia đình phải có ít nhất một tài khoản công dân điện tử. Đến nay, phường đã có khoảng hơn 50% người dân tạo tài khoản công dân.
UBND phường Nam Dương đã triển khai giải pháp sáng kiến kinh nghiệm và có hình thức trao thưởng cho những sáng kiến kinh nghiệm hay để khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức tìm tòi giải pháp phục vụ người dân thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Hiện phường không dùng giấy trong các cuộc họp mà chuyển sang sử dụng mã QR để tải các tài liệu văn bản; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ và lập hồ sơ điện tử nhằm tránh hư hỏng tài liệu. Với phương châm phục vụ tận tình người dân, trong năm 2022, UBND phường Nam Dương giải quyết 11.022 hồ sơ, trong đó có 984 hồ sơ trả sớm hạn, 1.068 hồ sơ trả đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn, giải quyết 984 hồ sơ trực tuyến mức 3, mức 4.
Đánh giá công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong thời gian qua, bà Trương Thị Thúy Ngọc, Phó phòng Nội vụ quận Hải Châu cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác cải cách hành chính đã được UBND quận quan tâm thực hiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải cố gắng trong năm 2022. Với quyết tâm nỗ lực cao, Phòng Nội vụ quận bám sát từng tiêu chí kịp thời tham mưu lãnh đạo quận chỉ đạo. Đặc biệt, phòng luôn phối hợp chặt chẽ Văn phòng UBND quận rà soát từng tiêu chí, điều chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót. Song song đó, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả được quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện đại để vận hành tốt hệ thống phần mềm điện tử một cửa, một cửa liên thông. Đến nay, 100% các văn bản có chữ ký số lãnh đạo, 100% văn bản điện tử được thực hiện liên thông điện tử, 100% văn bản tiếp nhận đúng hạn, 13/13 phường cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
“Thời gian tới, để nâng cao tính hiệu quả, quận Hải Châu tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa thành phần hồ sơ và thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân tiến hành sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 và thủ tục liên thông hồ sơ một cửa điện tử. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính, quận tiếp tục triển khai các phần mềm chuyên ngành như: phần mềm quản lý văn bản điều hành, phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo, phần mềm đánh giá cán bộ, công chức... ; đồng thời khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị mình”, bà Trương Thị Thúy Ngọc nhấn mạnh.
ĐOÀN GIA HUY