Bạn đọc hẳn đã nghe nhắc tới một trong những “ông tổ” của trường phái hội họa ấn tượng Claude Monet với những bức tranh hoa súng nổi tiếng của ông. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết ông đã vẽ rất nhiều bức trong số ấy khi đang phải sống chung với căn bệnh đục thủy tinh thể.
Bức tranh “Water Lilies and Japanese Bridge” (Hoa súng và cây cầu Nhật) của danh họa người Pháp Claude Monet thuộc bộ sưu tập trực tuyến của Bảo tàng nghệ thuật thuộc ĐH Princeton (Mỹ). Ảnh: Internet |
Danh họa người Pháp Claude Monet đã làm thay đổi thế giới nghệ thuật với loạt tranh vẽ những bông hoa súng ra đời trong các năm 1897-1926. Với khoảng 250 bức tranh sơn dầu, ông đã dành 30 năm cuối đời gần như chỉ cho một đề tài duy nhất: vẽ khu vườn của ông tại xã Giverny (thuộc vùng Normandie, tỉnh Eure, Pháp). Rất nhiều bức trong “series tranh” này của ông được xếp chung vào hạng những tuyệt tác nổi tiếng nhất của trường phái Ấn tượng, bên cạnh bức Đêm đầy sao (Starry Night) của danh họa Hà Lan Vincent van Gogh. Tranh hoa súng của Monet hiện đang được trưng bày nổi bật tại nhiều bảo tàng trên thế giới.
Phía sau những bức tranh
Danh họa Claude Monet từng nói: “Một khoảnh khắc, một góc cạnh của thiên nhiên cũng đã bao hàm trong nó tất cả”. Người ta tin rằng khi nói điều ấy, ông muốn nhắc tới những kiệt tác cuối cùng của mình, các bức tranh phong cảnh của khu vườn và cái ao nhỏ của ông tại xã Givery.
Thay cho những đề tài đương đại khác nhau ông đã vẽ từ những năm 1870 đến những năm 1890, trong khoảng 30 năm cuối đời, Monet chăm chút cho những bông hoa súng. Khu vườn hoa yêu quý của họa sĩ trở thành tâm điểm trong những bức họa này. Ở đó có một khu vườn nước, một cái ao nhỏ và một cây cầu Nhật Bản bắc qua.
Trong loạt tranh đầu tiên vẽ hoa súng từ năm 1897 đến 1899, Monet vẽ khung cảnh quanh cái ao đó với cây cối, chiếc cầu và đường chân trời được phân định rõ ràng trong bố cục. Nhưng theo thời gian, ông ngày càng bớt bận tâm hơn với những không gian hình ảnh theo các tiêu chuẩn vốn có. Ông cũng bỏ luôn cả đường chân trời trong loạt tranh vẽ hoa súng của mình.
Căn bệnh đục thủy tinh thể được phát hiện ở tuổi 82 khiến Monet kinh sợ. “Tôi kinh hoàng nhận ra mình không thể nhìn thấy gì nữa bằng mắt phải…” báo Indian Express dẫn lại những dòng ông viết khi ấy. Thị lực giảm sút khiến ông hoảng sợ. Năm 1923 ông phẫu thuật tới 3 lần để cố gắng cữu vãn mắt phải.
Bức tranh “Water Lilies - Japanese Bridge” (Hoa súng - cầu Nhật) vẽ năm 1923 với sắc đỏ như máu và màu vàng đã là chỉ dấu cho thấy thị lực bị suy giảm của ông khi nhìn cây cầu trong “một bảng màu” bị hạn chế. Tuy nhiên đó cũng là sự kết hợp đầy khơi gợi của màu sắc, ánh sáng và bố cục, tạo nên một hiệu ứng cảm xúc vô cùng ấn tượng.
Thách thức các quy ước cũ
Một thực tế thú vị trong các bức tranh hoa súng của Monet đó là ông rất tập trung thể hiện mặt nước. Ông bỏ đi sự hiện diện của trời, đất trong các bức tranh, chỉ vẽ hình phản chiếu của chúng trên mặt nước. Một điển hình thường thấy là những cây liễu chỉ xuất hiện trong các bức tranh ở dạng phản chiếu. Và vì nước phản chiếu những đám mây trắng trên trời nên cả trời và nước đều cùng một gam màu xanh lam. Người xem chỉ biết đây là hình phản chiếu khi nhìn vào những bông hoa súng.
Trước khi vẽ những bức tranh này, tự tay Monet đã trồng những bông hoa súng. Ông bài trí khu vườn nhà như thể đó là một bức tranh khổng lồ trong thực tế. Ông nắn lại dòng chảy một con sông, trồng súng cùng nhiều loài hoa ngoại lai, trồng liễu, tre trong vườn với sự giúp đỡ của một vài người và nuôi thêm gà vịt.
Hội họa ấn tượng đã có sự khởi đầu như thế với những bông hoa súng của Monet. Danh họa người Pháp cùng những người chung ý hướng sáng tạo này đã tiên phong trong việc thách thức các quy ước của hội họa Paris trong kỷ nguyên hiện đại, đưa tác phẩm của họ theo hướng thấu hiểu nhiều hơn về màu sắc và ánh sáng.
Khi Monet qua đời vào năm 1926, thế giới hội họa ở cả Pháp cũng như Mỹ đều đã thay đổi rất nhiều. Monet thiết lập một tiền lệ cho các họa sĩ về sau, nhất là những người theo trường phái hậu - Ấn tượng, Biểu hiện và Biểu hiện - Trừu tượng.
Trần Đắc Luân