Chuyện nhặt ở quê Bùi Giáng

.

Trong mục từ “Bùi Giáng” ở các trang 162-163 của Từ điển Văn học Bộ mới (NXB Thế Giới, 2004), tác giả T. Khuê viết: “Chuyện hạ bút thành thơ của ông được xác định như là một hiện tượng độc đáo…”. Độc đáo, có lẽ do Bùi Giáng được sinh ra trong một gia đình vốn có căn tính cà rỡn, giữa một làng quê lắm chuyện văn nghệ dân gian mà lằn ranh giữa hư và thực khó thể đoán định...

“Ông trẻ” Bùi Minh Diệu (đội mũ) chuyện trò với một người trong tộc bên giếng cổ của ông Cửu Tý. Ảnh: V.T.L
“Ông trẻ” Bùi Minh Diệu (đội mũ) chuyện trò với một người trong tộc bên giếng cổ của ông Cửu Tý. Ảnh: V.T.L

Ông Bùi Minh Diệu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) gọi nhà thơ Bùi Giáng là ông nội bác. Sau khi cha qua đời, ông Diệu thay cha làm trưởng tộc Bùi Vĩnh Trinh, quán xuyến mọi công việc của họ tộc. “Ông trẻ” này cho biết, nhà thơ Bùi Giáng quê gốc làng Vĩnh Trinh (nay thuộc xã Duy Hòa) nhưng sinh ra ở làng Thanh Châu (xã Duy Châu) cách đó không xa, trên mảnh đất của cha mình - ông Bùi Thuyên, người đời quen gọi một cách thân mật là Cửu Tý.

Những câu đối kiểu… cà rỡn

Ông Cửu Tý là người có học và giỏi chữ có tiếng trong vùng, có tài giỏi ứng biến chữ nghĩa trong những tình huống bất ngờ. Trong làng ngày đó có phong trào hát hò khoan đối đáp, những lần gặt lúa, đạp lúa, hay gánh nước đêm trăng... nam thanh, nữ tú nào lỡ bị “đo ván” trong những trận “tỷ thí” văn chương bình dân kiểu đó đều cảm thấy hậm hực trong lòng, thế nào cũng tìm tới nhờ “sư phụ” Cửu Tý chỉ giáo vài đường để “hạ” địch thủ trong lần tái đấu.

Ông Cửu Tý có người anh ruột tên là Bùi Chuyết (tức ông Bát Tiếu). Một bữa, ông Chuyết tới nhà ông Cửu Tý chơi, chọc chú em mình rằng: “Chuột chạy cùng sào rớt cái bịch”. Ý chê ông Cửu Tý học hành nhiều, chữ nghĩa “thấm ra da” mà đi thi thì “đậu phải cành mềm”.

Cửu Tý cũng chẳng phải tay vừa, nhân thấy đàn gà mẹ con đang quanh quẩn tìm ăn trong sân, ông huơ tay đuổi tới tấp rồi “đập” lại ông anh ngay: “Gà kêu chiếc chiếc điếc lỗ tai”. Người Quảng thường phát âm rất thoải mái, không phải luyến láy chi cho trẹo lưỡi. Bùi Thuyên cứ gọi thành Bùi Thiên. Bùi Chuyết biến thành Bùi Chiết, đồng âm (giọng Quảng) với chiếc. Trong vế đối lại của mình, ông Cửu Tý tỏ ý ngầm chê ông Chuyết hơi nặng tai.

Bấy giờ, có vị Lưỡng khoa Tú tài tên là Phan Tuyên, người làng Bàn Lãnh, Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lên ngụ tại Cổ Tháp mở trường dạy học. Ông Tuyên và ông Bùi Thân (ông nội ông Cửu Tý) vốn là bạn học, rồi trở thành bạn thân, cuối cùng kết tình sui gia với nhau. Con trai ông Tuyên là Cửu Tung về làm rể ông Bùi Thân, vì thế, ông Cửu Tý gọi ông Cửu Tung là dượng rể.

Ông Cửu Tung dòng dõi Nho học nên chữ nghĩa cũng thuộc hàng có cỡ lúc bấy giờ. Một bữa, thấy cháu vợ mình nói chuyện nọ xọ chuyện kia, không đầu không đuôi, ông Cửu Tung tức cảnh sinh tình xướng ngay một vế: “Huyên thuyên xấp xí, Cửu Tý nói điên”. Ông Cửu Tý, biết là gặp phải ông dượng “chẳng phải dạng vừa”, bèn ngưng ngay “huyên thuyên” và ứng khẩu đáp lại người vai trên một cách rất... ngông: “Túi bụi tùng bùng, Cửu Tung nói bậy”.

Những chuyện trên, phần lớn được “Ông trẻ” Bùi Minh Diệu nghe cha mình kể lại, phần được chú giải trong “Bùi tộc Phổ hệ” (1990). Tuy chỉ là những giai thoại góp nhặt từ dân gian nhưng qua đó cho thấy con người đầy cá tính của ông Cửu Tý. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, các nhà nghiên cứu cho rằng, có lẽ do có một người cha như thế nên nhà thơ Bùi Giáng có giọng thơ ngang ngang không giống ai. T. Khuê viết về Bùi Giáng trong sách đã dẫn: “Nhưng dù sao chăng nữa, ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán đời của thế kỷ XX, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ XIX hoặc Tản Đà ở đầu thế kỷ XX”.

Bức bình phong bị... đơm đặt

Tộc Bùi Vĩnh Trinh là một giòng họ nổi tiếng đất Duy Xuyên xưa, đã sản sinh những con người tài giỏi trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn chương, y tế... Dân chúng quanh vùng lắm người yêu vì nhưng cũng không ít kẻ đố kỵ, như chuyện dưới đây.

Ngày trước lắm cái “kỳ lạ” của người tộc Bùi khiến người dân quanh vùng xôn xao bàn tán. Nhà thờ tộc Bùi có cái bình phong thuộc dạng... không giống ai: Mặt trước đắp phù điêu hình con ngựa (chữ Hán gọi là ), mặt sau đắp hình con rùa (chữ Hán gọi là quy). Người qua kẻ lại không ngớt bàn tán, bởi tìm không ra cái bình phong thứ hai trên đất Duy Xuyên.

Ông Dương Đức Quý, nguyên Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam kể, thời còn làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên ông có lần ghé nhà thờ tộc Bùi Vĩnh Trinh xem qua bức bình phong nhiều lời dị nghị nói trên. Thế nhưng, ông Quý giải thích, qua hình tượng trên bình phong, tiền nhân tộc Bùi đã gửi lại con cháu một thông điệp: Muốn giàu có thì phải làm quần quật, dẻo dai như ngựa mà chi tiêu thì chậm chạp như rùa.

Mà thật vậy, một trong những người tộc Bùi Vĩnh Trinh làm quần quật như ngựa và chi tiêu như rùa là ông Bùi Thân, tức ông Quản Nghi, ông cố của nhà thơ Bùi Giáng. “Bùi tộc Phổ hệ” chép, ông bị hỏa hoạn gần khánh tận gia sản, nhưng ngọn lửa kia dường như nung luyện thêm ý chí phấn đấu của ông. Ông chuyển về ấp Bàu Cùng, thôn Vĩnh Trinh, dương cơ tọa lạc giữa một cánh đồng rộng lớn, làm lại từ đầu. Ông dành dụm từng chạc sắn, chạc khoai - loại rễ to chưa phát triển thành củ nhưng có thể nấu ăn được. Ông dằm cá rô với nước mắm chan cơm ăn cả tuần. Có lễ lạt chi thì đi đôi guốc mộc giản dị. Với tính nhẫn nại, lòng tự tin và nhất là hội đủ cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nên chỉ trong khoảng 30 năm, ông đã xây dựng một sản nghiệp hơn 3.000 mẫu ở rải rác khắp nhiều huyện trong tỉnh.

Trở lại với bức bình phong trước nhà thờ tộc Bùi Vĩnh Trinh. Người ta đồ rằng, cách nói lái dựa vào hình tượng ngựa và rùa cũng chỉ là cách đùa dai của người dân địa phương như nhà thơ Bùi Giáng đã đùa cợt chính tên mình bằng cách nói lái đủ kiểu, như: Bùi Bàng Dúi, Bùi Bán Dùi...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.