Người quê, giọng quê...

.

Khi ta ra đời, giọng quê đã mấp máy trên môi từ những ngày bập bẹ cho đến khi tròn vành rõ chữ cất tiếng gọi mẹ gọi cha, thưa dạ với ông bà. Lời ăn, tiếng nói như một phần của phách hồn xứ sở, cứ thế thầm ngấm vào hơi thở, bện chặt vào tâm tư để rồi chưng cất thành nỗi nhớ đất, nhớ người khôn nguôi những tháng năm xa xứ...

Minh họa: TLAThu
Minh họa: TLAThu

Tôi vẫn luôn tự nhắc mình từ khi rời quê ra phố lập nghiệp rằng sống ở nơi nào cũng được, giữa bao mới mẻ, đổi thay thời cuộc cũng đừng làm phai nhạt giọng quê, “hòa nhập” để thích nghi chứ không “hòa tan”, trộn lẫn. Giữ giọng quê để biết rằng nơi chốn ấy ta luôn thuộc về, mạch nguồn xứ sở vẫn lặng thầm chảy trong ta, đậm sâu như hồn cốt, máu thịt đời người.

Có dạo, tôi từng chứng kiến đám thanh niên làng đôi năm vào Nam ra Bắc, về làng thường “khoe” sự tân tiến, hội nhập của mình bằng giọng nói lai căng khiến người quê có phần kém vui và ái ngại. Chả thế mà người Việt ta từ xa xưa đã đúc kết thành lời răn dạy thâm thúy: “Chửi cha không bằng pha tiếng” thay cho lời khẳng định ý thức tự tôn quê thói đất lề.

Lại nhớ, có anh bạn rời quê từ khi còn rất trẻ, lấy vợ sinh con rồi định cư luôn ở phương Nam. Sau khi hai đứa con lần lượt chào đời, anh đều cẩn thận gói núm nhau của con rồi lặn lội về lại quê nhà chôn xuống một góc làng. Anh bảo, đời mình ly hương, con cái gần như thuộc về nơi khác, may còn núm nhau gửi lại để mai này mong chúng có ý thức tìm về. Hơn thế, anh còn dạy con nói “giọng quê cha” từ rất sớm, như một cách để nhắc nhớ con về nguồn cội. Và thật bất ngờ, những đứa trẻ ấy khi lớn lên giao tiếp với người quê vẫn nguyên thủy giọng quê đầy chân phương và hào sảng...

Sống ở một vùng đất xa lạ, thương quý làm sao khi ta tình cờ bắt gặp đâu đó giọng nói quê mình, dù chỉ là thoáng qua hay có dịp gặp gỡ. Mỗi lần như thế lại dậy lên trong tôi sự gần gũi, thân thương, có cơ hội sẽ hỏi thăm đôi ba câu chuyện về quê, về làng, thậm chí bắt đầu một cuộc kết giao mới.

Giọng quê, hun đúc qua nhiều thế hệ để thành phách hồn xứ sở và tự bao giờ bện chặt vào tính cách, lối sống, nghĩa cử ứng xử của người quê. Đôi lúc cứ ngỡ tục mà lại thanh, chân chất mà hào sảng, giản dị mà vô cùng phóng túng.

Tấm tình thảo thơm của người quê như một lẽ tự nhiên cứ trải ra dài rộng đến khôn cùng. Từ trong cái mộc mạc, có khi xuề xòa mà đựng chứa xiết bao ân tình nặng trĩu. Người quê quý lắm những lời chào, câu thăm hỏi ân cần mỗi dịp đi xa về gần, nhất là khi có khách lạ ghé thăm. Bởi thế mà, mỗi dịp về thăm quê, thật khó lòng từ chối những lời mời sang chơi nhà, mời cơm từ xóm giềng thân thuộc. Điều đó đã thành vốn quý, là bản sắc hằn sâu vào nếp sống, lối ứng xử bao đời của người quê. Giản dị, chất phác mà chan chứa nghĩa tình.

Để rồi như một lẽ đương nhiên, biết bao cuộc đời đã và đang nương nhờ đất khách, họ vẫn luôn ý thức được việc nâng niu và gìn giữ giọng nói quê mình. Giữa bộn bề đổi thay cùng bao khác biệt văn hóa, vẫn nuôi dưỡng vẹn nguyên cốt cách, tâm hồn của người con xứ sở. Nghĩa là trong họ còn miết mải một dòng chảy cội nguồn thiêng liêng cùng tình yêu sâu nặng với đất, với người bằng lòng tự tôn mãnh liệt.

LÊ GIANG

;
;
.
.
.
.
.