Những cuộc trôi khô

.

Chị kể má chồng sớm nay đòi chị chở đi đập tràn coi nước. Bà má bảo nghe nước về lớn lắm. Khỏi xác nhận bằng mắt chị cũng biết bà mơ. Dạo này bà hay mơ kiểu vậy. Nhưng bà già giảy nảy dữ quá khi con dâu nói mình chiêm bao. Mùi nước rõ ràng vậy mà mơ được sao, bây mơ thì có. Sự quả quyết của má khiến chị đâm ra ngờ chính mình.

Chị mở cửa sau nhìn ra đồng. Chị cúi nhìn xuống chân cột nhà sàn. Ráo hoảnh. Những chân cột nẻ khô như chân người cũng chờ đợi được rùng mình tưới tắm. Ngó cái ngấn nước đã dần mờ chỗ gần gù cột, chị cố nhớ coi cơn lũ để lại dấu tích nọ là năm hay bảy năm trước. Chờ đợi làm biến dạng thời gian, bởi ngày trở nên dài quá cỡ và đêm giãn nỡ không cùng. Thường thì những chân cột có ký ức riêng, với ngấn nước trên mình chúng nhớ được lũ cao lũ thấp. Giờ chúng cũng mất trí.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng dấu tích thời gian không chỉ trên những tờ lịch vô tủy. Hồi nhớ một lúc là lần tìm được mối trong chuỗi tháng ngày mờ. Đám con chị bỏ lên Sài Gòn trước đợt lũ đẹp nọ nửa năm, và một năm sau cơn nước cột nhà còn lưu dấu, chồng chị cũng đi Kampong Cham. Đêm trước hôm đi, thu xếp ít bộ đồ, chồng chị nhìn ra đồng cạn, nhắc năm ngoái cũng quãng này anh lấy xe máy chở má đi Tha La coi người ta xả nước. Chị không đi, vì tiệm nước mía mấy ngày đó bán luôn tay. Người xe lại qua nườm nượp, như đi hội. Trong mớ khách đi coi nước tình cờ có đứa bạn thân hồi cấp hai với chị, mất liên lạc từ bạn chuyển nhà qua Hòn Đất. Nhìn tóc khói trên đầu nhau mừng tủi. Bạn đi chân không.

Một chiếc là trượt chân làm rơi xuống đập, chiếc còn lại là bạn tự tay thả vào dòng chảy réo sôi. “Lúc đó không hy vọng mấy chuyện đôi dép tìm thấy nhau”, bạn nói, “nhưng gặp được mày ở đây tao tin là có duyên rồi”. Lát sau chồng chị về, bà má vẫn còn nấn ná lại đập coi nước cho đã mắt, anh bảo vợ giữ bạn lại ăn bánh xèo măng tép. Nói rồi anh xách lưới đi theo lối cửa trước, cánh đàn bà trong nhà pha bột xào măng vừa xong thì anh cũng tuôn qua cửa sau với mớ tép rong lẫn cá linh non tươi sống. Bạn kêu sao xứ này sống dễ như không, như thể ngồi ngay cửa đưa tay ra là vớt được bao nhiêu thứ ngon lành. “Coi vậy chớ mùa sau có khi trần ai kiếm miếng ăn”, lúc ấy anh nói vậy, và chị vợ cằn nhằn cứ nói chuyện mất vui.

Nhưng chính chị, lúc tiễn bạn về xế chiều hôm đó, cũng lỡ lời. “Năm sau biết lũ có về không nữa”, chị nói vậy sau hồi hứa hẹn quãng này năm tới đi coi nước lại gặp nhau... Lúc nhìn chồng nhảy lên xe đò, chị ước phải bà má còn mạnh giỏi chị cũng gồng gánh má đi. Hoặc theo chồng hoặc theo con. Ở nơi chốn xa lạ đó, nhìn ra cửa chỉ thấy trơ trơ phố xá, mỗi khi mưa sòng lòng chị biết đâu thoát khỏi cái ý nghĩ đau đáu sắp tới nước có đủ chan ngập đồng mình. Má chị cũng thôi mơ thấy nước về nữa, không chừng. Gần đây bà má không còn phân biệt được chiêm bao hay tỉnh thức.

Như mùi nước khuya qua bà ngửi thấy nó thật vậy mà sao nói ở chiêm bao. Những năm tháng cuối đời này, mùi nước ấy đánh thức bà suốt, lúc nửa đêm. Bà nói nước ở xứ này mùi không giống ở đâu, hương vị nước tháng Chín cũng không giống như tháng Chạp. Trong âm ỉ chiêm bao má, như bà kể vào sáng sau, mùi nước bao gồm tổng thể những gì nước mang theo, phủ trùm lên, bao bọc lấy. Mùi chân rạ phân rã, mùi rễ đu đủ thúi, mùi lũ bèo rong trôi nổi, ngọn điên điển giập bên be xuồng sau nhát dầm, mùi cá linh ngấm muối, mùi của lớp phù sa đóng lớp trên sàn nhà - thứ phù sa mịn như da trẻ sơ sinh. Nhưng còn loạt mùi từ bỏ danh tính riêng, chúng hòa mình vào nước, thành một khối hương ngòn ngọt đi qua những xóm làng, những đập tràn, làm thành ký ức.

Hồi còn minh mẫn, bà má chưa bao giờ coi lũ là thứ thù nghịch với dân xóm mình. Cả một vài năm lũ giở chứng dữ dằn, hung tợn. “Người còn có khi nóng giận, sao con nước lại không, mà có phải tự dưng nó vậy đâu, chẳng phải do con người ta đốn cây phá núi?”, bà nói. Đứng về con nước vô điều kiện, bà càm ràm cách làm thủy lợi coi nước là địch họa lấy đê ngăn đánh chặn từ xa, bà cũng không ưa nổi mấy bài hát ỉ ôi về phận người đói khổ trong cơn lũ.

“Nước cho dân mình bao nhiêu thứ, đất màu mỡ cũng nhờ nó, tôm cá sinh sôi cũng nhờ nó, sao không giỏi hát bài ca ngợi, mang ơn?”. Được thì bao nhiêu không kể, mất có chút đã trách phiền, chỉ nhìn thấy mặt xấu, ăn ở bạc vậy nước bỏ đi luôn là phải, sau này bà má thường hay nói vậy, khi ngó ra cánh đồng đói lũ dày cỏ dại. Mọi thứ không được nước lau rửa, cỗi cằn làm sao.

Lúc đó thằng con đầu mới dợm rời quê đi sau khi bỏ học. Tiễn con lên xe, chị không biết nỗi đau chia biệt sẽ lặp lại thêm vài lần nữa.

Nước không về.

Người rời đi.

Cứ vậy.

NGUYỄN NGỌC TƯ

;
;
.
.
.
.
.