.

Động Hà Sống

.

Động Hà Sống nằm ở độ cao chừng 40m so với mực nước biển, trên một đoạn đường đèo dài khoảng 200m rất hiểm trở, bên trái là vực sâu nằm sát sông Vu Gia, bên phải là vách núi. Phía Tây của động là những dãy núi cao trên 1.000m, xung quanh động có cả những khu rừng già bao bọc và chỉ có một con đường duy nhất lên động. Vì thế động Hà Sống được xem là nơi phòng thủ hết sức lợi hại...

Động Hà Sống nhìn từ cầu Hà Nha. (Ảnh: Internet)
Động Hà Sống nhìn từ cầu Hà Nha. (Ảnh: Internet)

Theo Dư địa chí Đại Lộc và tư liệu của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, động Hà Sống trước kia thuộc huyện Hòa Vang (nay thuộc thành phố Đà Nẵng), từ năm 1890 thuộc tổng Đại An, huyện Đại Lộc. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, động Hà Sống là ranh giới tự nhiên của hai thôn Hà Thanh và Phước Vĩnh (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc). Hiện nay, động Hà Sống nằm trên trục lộ Hà Nha – Hà Tân, cách thị trấn Ái Nghĩa 12km.

Do địa thế hết sức hiểm trở và lợi hại nên từ những năm 1885 đến 1887, động Hà Sống được xem như là vị trí hiểm yếu của căn cứ Sông Côn khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam dấy binh khởi nghĩa. Có thể xem đây là căn cứ địa quan trọng thứ hai sau căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc (nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn). Từ căn cứ địa Sông Côn ở động Hà Sống có thể tiến quân vào tận vùng Gia Lai – Kon Tum, hoặc tiến quân ra các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị. Chính vì thế, Nghĩa hội đã biến nơi đây thành một tuyến phòng thủ kiên cố, hữu hiệu nhất mỗi khi bị quân Pháp và quân triều đình tấn công.

Dựa vào địa hình địa vật hiểm trở, tuyến phòng thủ này được chia thành hai khu vực: trên sông và trên đèo. Ở tuyến phòng thủ trên sông, nghĩa quân dùng tre, mây, gỗ đóng thành những hàng cừ kiên cố chắn dòng sông và dùng dây buộc những viên đá to rồi treo lơ lửng như những chiếc bẫy. Mỗi khi tàu địch theo đường sông tiến đánh vào động Hà Sống và căn cứ Sông Côn, hàng cừ sẽ làm chậm bước tiến của địch và những tảng đá to sẽ biến thành những quả bom đá thi nhau từ trên cao rơi xuống tàu địch. Ở tuyến trên đèo, nghĩa quân đào hầm, công sự và ngụy trang kín đáo, bên cạnh đó bố trí những chiếc xe tự chế bằng gỗ chở những chất dẫn lửa, những chất dễ cháy để mỗi khi địch tiến công bằng đường bộ thì những chiếc xe này sẽ biến thành những đám lửa di động từ trên đèo cao lao xuống đội hình địch. Bên cạnh đó, cũng bố trí một lực lượng lớn binh lính với vũ khí là mã tấu, kiếm, giáo sẵn sàng xông lên giáp lá cà với địch mỗi khi chúng tiến đánh vào động Hà Sống. Đặc biệt, trên đỉnh động nghĩa quân cũng bố trí một số khẩu súng thần công để chủ động tấn công phủ đầu địch từ xa.

Với phòng tuyến được phòng thủ hết sức lợi hại này, nghĩa quân đã nhiều lần ngăn chặn được bước tiến của quân Pháp và quân triều đình khi tiến vào căn cứ sông Côn. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra ngay cả trên sông, trên đèo. Do thông thạo địa hình và dựa vào sự hiểm trở của động Hà Sống, nghĩa quân đã gây cho địch nhiều tổn thất lớn...

Tuy nhiên, sau khi phong trào Nghĩa hội ở tỉnh nhà bị thất bại, động Hà Sống bị phá vỡ và dần dần bị quên lãng trong một thời gian dài. Mãi đến những năm kháng chiến chống Pháp, động Hà Sống lại được quân và dân ta sử dụng làm căn cứ và ẩn nấp. Chính tại hang động này, lực lượng vũ trang tỉnh và dân quân, du kích địa phương chọn làm phòng tuyến án ngữ chặn đánh không để cho quân Pháp tiến quân vào càn quét các xã vùng Tây của huyện Đại Lộc. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra tại đây, tiêu biểu nhất là trận đánh vào ngày 26-3-1947, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96 và quân dân địa phương đã phục kích và tiêu diệt gọn hai trung đội lính Pháp, thu nhiều vũ khí và phá hủy một số phương tiện chiến tranh của địch. Sau trận đánh này, quân Pháp tỏ ra chùn bước khi tiến đánh vùng Tây Đại Lộc, chính điều này đã giúp cho ta bảo vệ an toàn vùng giải phóng trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Hiện nay, động Hà Sống đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây cũng đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng cho thế hệ trẻ địa phương và cũng là nơi nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về một thời đạn bom khói lửa trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy cam go, thử thách.

AN TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.