.

Người thợ in làm cách mạng

Phan Nhụy là con thứ tư của cụ Phan Định ở Bảo An, và là anh ruột của hai ông Phan Thanh, Phan Bôi được nhiều người biết đến. Ông sinh năm 1896, mất năm 1983, mộ ông hiện ở nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh.

Là con lớn trong gia đình, nhà nghèo, ông Nhụy không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước ở địa phương và nhất là cha ông, người rất ghét Tây thực dân, từng đánh tên Pháp coi đập Vĩnh Trinh gãy cả cái cán dù.

11 tuổi, ông vào học quốc ngữ ở Trường Diên Phong, ngôi trường do phong trào Văn thân lập ra với giáo viên chính là ông Phan Thành Tài. Các ông Huỳnh Thúc Kháng, Mai Dị, Học Tốn, Phan Khôi, Tú Nhự thỉnh thoảng có đến nói chuyện với học trò vài ba ngày rồi lại ra đi. Chỉ khi nào cụ Phan Châu Trinh đến thì nhân dân trong vùng tập trung tại một địa điểm để nghe cụ nói chuyện. Nội dung cuộc nói chuyện thường là khuyên nhủ đồng bào rằng muốn biết, muốn tiến bộ thì cần phải học, chứ chưa nói đến lòng yêu nước, chưa có lời hiệu triệu chống Pháp.

Sau các vụ nông dân rầm rộ biểu tình chống sưu cao thuế nặng năm 1908, thực dân Pháp ra sức khủng bố. Các nhà Văn thân lần lượt bị bắt, bị tù. Trường Diên Phong phải đóng cửa, Phan Nhụy nghỉ học. Năm 1910, ông lại xin vào học trường tư của ông Tú tài Trương Hữu, một nhà Văn thân bị bắt mới được thả về. Thầy Tú Hữu dạy cả quốc ngữ lẫn chữ Hán, chủ yếu là các bài ca yêu nước, và bài trừ hủ tục, cúng bái mê tín dị đoan. Được một thời gian ngắn, Phan Nhụy phải ở nhà theo cha học mua bán, lo kinh tế gia đình.

Năm 1916, ông tham gia đội hương binh bí mật dự bị cho cuộc khởi nghĩa do các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài lãnh đạo nhưng cuộc khởi nghĩa bị lộ, không thành.

Những diễn biến như trên trong địa phương đã làm cho người thanh niên Phan Nhụy suy nghĩ: “Ở đời, không chỉ có làm ăn nuôi sống bản thân và gia đình mà phải làm gì có ích cho xã hội”. Năm 1922, ở tuổi 25, ông ra Hà Nội học nghề in tại nhà in Tin Lành. Khi ông xin phép đi, cha ông dặn dò: “Ừ, bây giờ con đã lớn, đi học nghề để lập thân thì cha không ngăn cản, nhưng thành phố là nơi có nhiều điều tốt đẹp mà cũng không ít điều xấu xa, con nên giữ gìn, không được sa vào điều tội lỗi”.

Vừa học nghề in, ông vừa tìm đọc các sách báo Trung Quốc về cuộc cách mạng Tân Hợi, về cách mạng Nga năm 1917. Ông đọc các sách của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu nên kiến thức càng được mở rộng. Nhờ xem báo Trung Quốc, ông biết vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở Sa Diện toan giết viên Toàn quyền Pháp Martial Henri Merlin, nhưng việc không thành, Phạm Hồng Thái hy sinh (tháng 6-1924). Vụ việc làm ông quan tâm, ngày đêm suy nghĩ: “Làm trai phải như Phạm Hồng Thái!”. Ông đem tâm sự này trao đổi với một người bạn thân cùng làm việc ở nhà in. Hai người thống nhất với nhau in 3.000 truyền đơn vận động công nhân đòi tăng tiền lương, giảm giờ làm việc.

Nhân dịp vợ chồng chủ nhà in đi Singapore, hai anh em tranh thủ in truyền đơn, phân phát cho công nhân vào tối 14-7 là lễ kỷ niệm cách mạng tư sản của Pháp. Cuộc đình công của công nhân nhà in thắng lợi. Chủ nhà in là người có đạo Tin Lành, đã giải quyết phần nào nguyện vọng của công nhân. Sau vụ này, ông Phan Nhụy và người bạn bị mật thám ráo riết theo dõi, ông phải rời Hà Nội, vào Sài Gòn, còn người bạn trốn qua Pháp.

Vào Sài Gòn, Phan Nhụy làm cho nhà in Xưa nay, sau chuyển qua nhà in Nguyễn Văn Của. Lúc này, tại thành phố có phong trào quần chúng đòi ân xá Phan Bội Châu, tiếp đến là sự kiện đám tang cụ Phan Châu Trinh, ông đều tích cực tham gia. Ông thường lên xuống Hóc Môn, Bà Điểm, Mười Chín thôn vườn trầu, liên hệ với nhiều người.

Năm 1930, khi Phan Bôi, người em ruột của ông vào hoạt động ở Sài Gòn, ông hết lòng che chở. Khi Phan Bôi bị mật thám truy lùng, ông đã đưa em đến trú ẩn một thời gian tại nhà một người bồi của tên quan tư thủy binh Pháp. Lúc đó, ông bị bắt giam ở Sở Mật thám cầu Ông Lãnh, nhưng sau vì không có chứng cứ gì chúng phải thả ông ra.

Một buổi tối thứ bảy, Phan Bôi đến báo cho Phan Nhụy biết là chiều mai, chủ nhật, tại sân banh thành phố có một cuộc mít-tinh lớn, đề nghị anh tham gia bảo vệ. Ông Nhụy đến, cùng một số anh em khiêng bàn chồng lên nhau để Phan Bôi đứng diễn thuyết. Cuộc diễn thuyết đang được đồng bào hoan hô thì mật thám ập tới, rút súng ra tiến lại chỗ Phan Bôi. Bỗng, một tiếng nổ vang trời, tên mật thám Le Grand bị bắn chết. Mật thám vây bắt được Lý Tự Trọng, Phan Bôi và một số đồng chí khác trong đó có Phan Nhụy đưa vào giam ở bót Catinat. Bị tra tấn, ông khai là mình đi coi đá banh, bị bắt oan, chúng đưa ông qua Khám Lớn, giam chung với tù thường phạm.

Năm 1934, mãn hạn tù ông bị giải về quản thúc ở quê nhà. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông tiếp tục hoạt động, tham gia vận động lập Hội Ái hữu, phân phát báo chí, vận động bầu cử Phan Thanh, rồi Đặng Thai Mai vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, tổ chức đón Gô-đa (Godart), phái viên của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp sang Đông Dương.

Giữa năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp bắt đầu khủng bố, bắt giam nhiều chiến sĩ cộng sản và nhiều người hoạt động cách mạng. Ông bị đày đi nhiều nơi, đến tháng 3-1945 mới khỏi tù về lại quê nhà. Trong những ngày tháng 7 và đầu tháng 8-1945, tại nhà ông đã diễn ra nhiều cuộc họp chuẩn bị khởi nghĩa. Nhờ nắm được kỹ thuật in ấn, ông đã giúp các đồng chí in truyền đơn. Ông là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, cướp chính quyền ở huyện Điện Bàn tháng 8 năm 1945.

THANH MINH

;
.
.
.
.
.