.
Tản văn

Chuyện ghi ở Đa Phước

.

Làng Đa Phước hình thành từ gần 600 năm trước, bao gồm hầu hết địa giới hành chính phường Hòa Khánh Bắc và một phần phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng ngày nay. Các cụ cao niên vẫn còn kể cho con cháu những chuyện kỳ thú ở làng ngày trước.

Lễ tế chiến sĩ trận vong tại Nghĩa trủng làng Đa Phước.
Lễ tế chiến sĩ trận vong tại Nghĩa trủng làng Đa Phước.

“La làng” để được ly dị

Xưa, Đa Phước là làng có nền nếp, quy củ. Ngoài hương ước của làng, các họ tộc còn lập tộc ước riêng nhằm khuyên răn con cháu gìn giữ gia phong cốt cách. Một điều rất lạ, hễ ai lớn tiếng “la làng” là thế nào cũng bị phạt vạ. Cụ Bùi Hộ, 91 tuổi, nguyên Chánh bái làng, kể rằng lần đó cha cụ ra ruộng gặt lúa trước, dặn cụ cột bò xong là chạy ra coi lúa ngay kẻo người ta mót hết. Cụ ra chưa kịp, bị cha ví chạy có cờ, nhưng cha sức yếu đuổi không kịp nên la làng ầm ầm. Tối đó, làng tới nhà phạt mấy giác bạc và một bàn trầu cau rượu vì tội… la làng!

Thế nhưng, “la làng” đôi lúc cũng mang lại cái lợi. Ngày đó không ít những vụ bạo hành khiến người vợ phải cắn răng chịu đựng chứ chẳng biết kêu vào đâu. Ấy thế mà làng Đa Phước lại xử được mấy cái vụ này mới tài. Ở Đà Sơn (nay thuộc phường Hòa Khánh Nam) có dâu ông Hương Ấm, ở Đông Sơn (nay thuộc xã Hòa Ninh) có dâu ông Hương Thống, cả hai bị nhà chồng đối xử tệ bạc.

Không hẹn mà gặp, bữa nọ cả hai bà dâu cùng đến trước đình Đa Phước kêu to “Quớ làng! Quớ làng” rồi nằm lăn ra đó. Ngay tức khắc, người trong làng đem mõ ra đánh um lên một hồi. Lát sau có một phụ nữ đem chiếu ra cho họ nằm, che thêm cái nong để họ trốn nắng. Cứ thế, họ “nằm vạ” cho đến khi lý trưởng, hương mục làng Đa Phước khăn áo tới xem xét. Hỏi han một hồi đâu vào đó, lý trưởng Đa Phước quyết định làm giấy cho mời hai ông lý trưởng Đà Sơn và Đông Sơn cùng sui gia của hai bà dâu đến để giải quyết cho họ được ly dị.

Người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết

Trong làng có ông Huỳnh Phúc Lợi làm quan Triều Nguyễn đến chức Quang lộc Tự khanh thuộc hàm tam phẩm, nên thường được gọi là ông Quang Lợi. Về sau, ông tham gia Hội Cần vương Quảng Nam. Mỗi lần về làng ông đều đi bằng xe kéo, cả làng đổ ra xem. Cậu bé Bùi Hộ cùng trẻ con trong làng chạy đến vịn vào xe, phụ đẩy tới. Mỗi lần như thế, ông đều xoa đầu bọn trẻ rồi cho mỗi đứa mấy xu, nhiều nhất là 5 xu (10 xu là 1 giác hay 1 cắc) - bằng nửa ngày công lúc đó.

Ông Quang Lợi có hai người con nổi tiếng. Một người là Huỳnh Phúc Quý, thường gọi là Nghè Quý hay Giáo Quý, vì ông đỗ tiến sĩ và làm giáo viên trường làng. Người kia là Huỳnh Thị Thái (1896-1982), nổi tiếng với bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết với cuốn Tây phương mỹ nhơn năm 1927. Bà sánh duyên cùng Hàn lâm viện đại học sĩ Vương Khả Lãm, và theo chồng về sống tại Đà Nẵng. Có điều, nhiều tài liệu ghi nhầm rằng bà là người gốc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Bà là người phụ nữ đầu tiên của Đà thành cắt tóc ngắn, đi xe đạp, là ký giả của nhiều tờ báo lúc bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của bà được nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân chú ý và nhà nghiên cứu Trương Duy Hy tập hợp tư liệu, hình ảnh, các tác phẩm đã xuất bản và di cảo của bà để cho ra đời cuốn Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên (NXB Văn học - 2003).

Ngôi đình 7 lần xây dựng

Đình Đa Phước lập từ bao giờ, chưa ai xác quyết được. Cụ Bùi Hộ kể rằng từ thời ông nội cụ đã có đình rồi. Đình xây dựng theo hướng Đông Bắc, năm gian, bốn mái với các hàng cột xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là cột cái, cột con, cột hiên (cụ gọi là cột trỏng). Nhà ông nội cụ lúc đó ở xóm Trảng, cách đình gần nửa cây số, nhưng cả vùng trống huơ trống hoác nên thấy rõ mồn một hướng đình đâm thẳng vào hướng nhà. Xưa người ta quan niệm thế là không tốt, mà thực sự trong nhà cũng xảy mấy chuyện lục đục chẳng đâu vào đâu. Cuối cùng, nội cụ chuyển nhà xuống khu đất nằm trên đường Âu Cơ bây giờ.

Gần đình có cây cốc và cây sộp cao nghệu. Trên hai cây cổ thụ này, Pháp đã treo ngược hàng chục người dân để tra tấn. Một số người bị giặc giết, dân làng mang thi thể về an táng ở Nghĩa trủng cách đình khoảng 100m. Gần cây cốc cổ thụ là cống Đình (gọi thế, vì cống ở gần đình). Hôm nọ, khi cậu thanh niên Bùi Hộ cùng trai tráng trong làng đang đào đất phá cống thì hai sĩ quan Pháp đi qua, gặn hỏi. Ông Phạm Đình Hiển, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Đa Hòa, trả lời bằng tiếng Pháp là dân sửa đường. Tụi nó vặn lại: Phá đường chứ sửa đường gì?!

Mà đúng thế thật - cụ Hộ nhớ lại, mình phá cống để ngăn xe Pháp không qua được, cắt đứt đường liên lạc, tiếp tế của giặc lên phía trên. Tụi nó điên tiết, không bao lâu sau đưa quân tới phá dỡ đình, lấy hết mọi thứ ra lấp cống. Thế là bao nhiêu hoành phi, liễn thờ, cuốn thư, câu đối... sơn son thiếp vàng đều bị vùi dập nhưng làng không một ai dám lên tiếng trước họng súng của giặc.

Từ đó trở đi, đình đã bị Pháp rồi Mỹ phá dỡ trước sau 5 lần. Đến năm 1969, dân làng xây một nhà cấp 4 tạm làm đình để có nơi hương khói tiền nhân. Năm 2012, thể theo nguyện ước của dân làng, Hội đồng các gia tộc quyết định đại trùng tu đình theo kiến trúc ban đầu để lưu giữ nét lịch sử - văn hóa xưa. Các cụ mong rằng lần thứ 7 xây đình với kinh phí dự toán 2,5 tỷ đồng này sẽ là dịp để con cháu các họ tộc làng Đa Phước xưa thể hiện tâm nguyện của mình trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Dân làng ai cũng tin thế, bởi tên làng có nghĩa là nhiều phước…

LÊ HUỲNH

;
.
.
.
.
.