Do sống ở gần sông, bàu, mỗi năm phải đương đầu với vài trận lụt, nên từ xa xưa việc đi lại, vận chuyển không có gì tiện lợi hơn ghe. Từ đó, ông cha ta khi đến vùng đất mới đã tận dụng những vật liệu sẵn có tại chỗ để làm nên chiếc ghe.
Một bến ghe thuyền trên dòng sông Vu Gia. Ảnh: N.V.S |
Theo Địa chí xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), do Huỳnh Ngọc Trảng và Vu Gia biên soạn (NXB Đà Nẵng, 2007), đan ghe nan ở Đại Lộc nói chung, xã Đại Nghĩa nói riêng không thành phường hội, nhưng hầu như địa phương nào cũng có người biết đan ghe. Ngày nay vẫn còn người đan ghe vì có người mua. Người ta đan ghe theo đơn đặt hàng, dài ngắn bao nhiêu tùy người đặt, có khi đan để dùng nhưng có ai thích mua thì vẫn bán. Đặt ghe tính theo chiều dài, ghe nan lớn dài khoảng từ 13-14 thước mộc (một thước mộc bằng 0,425m); ghe nan nhỏ khoảng 9-10 thước mộc.
Để đan ghe, không chọn gốc tre già quá, nan bị giòn, dễ gãy; chỉ chọn những gốc tre già vừa phải để nan có độ dẻo. Chọn tre phải già đều nhau, nếu không, độ co giãn của nan tre không bằng nhau sẽ làm cho ghe dễ bị vênh, bị hở. Nan đan ghe phải được chẻ có độ lớn và độ dày từng nan đồng đều rồi đem ra sông ngâm. Theo kinh nghiệm, người ta không ngâm nan ở chỗ nước đục, nước tù đọng, vì ngâm ở những nơi đó nan dễ bị gãy hoặc tuổi thọ của ghe không cao. Ngâm nan nơi nước chảy và trong chừng vài ba đêm, người ta vớt lên và tiến hành vót nan.
Khi vót nan, người thợ vót lòng viết, nghĩa là vót nan có hình bầu dục ở giữa hơi phình ra ở hai bên, mép được tém lại không còn cạnh. Theo kinh nghiệm, khi đan quan trọng nhất là phải dồn nan sao cho thật chặt. Những người thợ luôn dùng một đoạn gỗ ngắn và một miếng chẻ bằng tre già ngang 1,5cm dài 20cm. Cứ đan đến đâu, người thợ lại dùng đoạn gỗ gõ vào đầu miếng chẻ để dồn nan lại cho khít. Đan xong, mê được đem đi phơi khô, sau đó người thợ lại tiếp tục dùng đoạn gỗ và miếng chẻ gõ để dồn nan lại cho khít hơn nữa.
Khi lận phải đều, tròn mình, đầu mũi của ghe phải lớn và cao hơn đầu lái. Nếu lận bầu quá (phình giữa) thì khi bơi, ghe sẽ bị lắc đôi khi dễ bị lật úp. Đây là công đoạn đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, kỹ thuật cao, lận sao cho cân đối, không bị vênh, bị méo. Mỗi chiếc ghe có 4 đà dẫy thường được làm bằng những đoạn tre gốc. Phía trên đà dẫy là đà ngang, đóng vào be để cho ghe chắc chắn vừa làm chỗ ngồi. Mỗi ghe thông thường có 5 con lươn làm bằng tre đực già và đặc ruột hoặc cây kiền kiền cưa nhỏ. Con lươn giữa, gọi là con lươn cái dài suốt từ mũi đến lái. Các con lươn khác ngắn hơn. Để tạo độ cứng cho ghe, người thợ phải đóng thêm bộ ki bằng gỗ dổi ở lái ghe. Chính vì thế, tuy đan bằng tre nhưng ghe nan rất vững và chắc.
Cuối cùng là 2 lượt trét dầu rái loại tốt mua ở Bến Dầu, Đại Thạnh (Đại Lộc). Lượt đầu, trét sơ qua một lớp mỏng cả trong và ngoài ghe, gọi là luộc nan rồi đem ra phơi nắng. Phân trâu được trộn với nước hơi sền sệt dùng vải trét đều kín các khe hở giữa các nan tre và cũng được phơi nắng vài ngày cho khô rồi dùng miếng vải chà mạnh vào lớp phân trâu đó cả trong và ngoài chỉ còn lại lớp các kẽ nan. Dọc theo be ghe, dầu rái được trét nhiều hơn để không bị ngấm nước làm mục nan. Và để ghe nan dùng được bền lâu, cứ vài ba năm người ta phải dùng dầu rái trét lại ghe một lần.
Thời thế đổi thay, những năm gần đây, phần lớn người dân vùng Đại Lộc nói chung và xã Đại Nghĩa nói riêng đã dùng đến ghe làm từ tôn, nhôm, ghe gỗ, ghe sắt. Đây được xem là những loại ghe đắt tiền nhưng bù lại rất bền so với ghe nan. Nói thế, chứ ghe nan ưu điểm là nhẹ, dễ cơ động trên sông lại có giá thành rẻ hơn. Một số người đi làm nghề rừng trên nguồn vẫn thường sử dụng ghe nan để tiện đi trên những thác ghềnh, rất an toàn mà giá thành lại vừa túi tiền của mình. Mỗi chiếc ghe nan khi hoàn thiện có giá từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng, tùy thuộc vào loại lớn, nhỏ. Hằng năm, cứ đến mùa lụt người dân Đại Nghĩa và một số vùng lân cận vẫn có thói quen dùng ghe nan để vận chuyển đồ đạt và cả dùng ghe đi vớt củi, bắt dế...
Về vùng Đại Lộc, hẳn ai cũng nghe nói đến Đại Nghĩa, xã có nghề truyền thống đan ghe nan mang đậm nét đặc trưng vùng miền và nó đã đọng lại bao ký ức cho người dân vùng sông nước Vu Gia… Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cho đến nay, ở Đại Nghĩa vẫn tồn tại nhiều gia đình ở các thôn Hòa Mỹ, Phiếm Ái, Đại Phú... làm nghề đan ghe nan truyền thống luôn cung cấp ghe nan cho các địa phương ven sông Thu Bồn và Vu Gia.
NGUYỄN VĂN SƠN