Nhà cách mạng Phan Châu Trinh và nhà báo Phan Khôi tuy cùng họ, cùng quê Quảng Nam, nhưng nổi tiếng trên hai lãnh vực khác nhau. Vì thế, nhiều người cứ tưởng hai ông tuy có “bà con” với nhau nhưng không phải là “đồng chí” của nhau. Thực tế đã chứng minh ngược lại.
Phan Châu Trinh (1872-1926) và Phan Khôi (1887-1959) |
Phan Châu Trinh sinh năm 1872 ở làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh. Phan Khôi nhỏ hơn Phan Châu Trinh 15 tuổi và sinh ở làng Bảo An, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Ngày trước hơn nhau 15 tuổi là đã ở vào vị trí cha, chú. Phan Trân, thân phụ của Phan Khôi, cũng đã từng coi Phan Châu Trinh là người ngang vai vế với mình. Chuyện kể, vào năm 1906, lúc Phan Châu Trinh từ Nhật Bản về với mái tóc cắt ngắn, khi gặp nhau, Phan Trân chào Phan Châu Trinh bằng câu bông đùa “cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc” (lâu không gặp anh, nay thấy anh đã trọc đầu) (1).
Tuy không có bà con, lại ở hai huyện xa nhau, nhưng họ đã biết nhau từ rất sớm. Thời kỳ 1897-1905, khi Phan Khôi theo học với tiến sĩ Trần Quý Cáp ở trường làng Bất Nhị (Điện Phước, Điện Bàn), Phan Châu Trinh từng đến thăm và vì thế từng đánh giá “Phan Khôi và Mai Dị là những tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”.
Năm 1906, Phan Khôi là một trong những người đầu tiên được Phan Châu Trinh “giác ngộ”, “xúi” cắt phăng búi tóc củ hành giã từ cuộc đời của một nhà Nho để làm “nhà Duy tân”.
Tham gia phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng nên sau khi thi đỗ tú tài Phan Khôi từ chối khoa cử Nho học để theo Tây học, bài xích “hủ nho”. Nếu Phan Châu Trinh là người dám đem đầu của mình thách đấu với ngai vàng phong kiến thì Phan Khôi “là nhà Nho nhưng đã phụ bạc Nho giáo một cách tàn nhẫn để theo Tây học” (2). Chính vì tham gia phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng nên Phan Khôi đã từng được đưa ra Hà Nội học trường Đông Kinh nghĩa thục (2-1908). Sau khi Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa ông xuống Nam Định học chữ Tây với Nguyễn Bá Học. Khi vụ kháng thuế cự sưu nổ ra ở Quảng Nam vào năm 1908, ông bị bắt giải về giam ở nhà lao Hội An suốt 3 năm cho mãi đến năm 1911 mới được tự do.
Năm 1922, khi Phan Châu Trinh đề xuất chủ trương “Ngũ long tề khởi” và chuẩn bị về nước để đấu tranh trực diện với thực dân, phong kiến thì Phan Khôi cũng từ bỏ công việc ổn định ở Hà Nội (viết cho Thực Nghiệp dân báo, Hữu Thanh, dịch Kinh thánh) để vào Sài Gòn, chuẩn bị cộng tác với Phan Châu Trinh. Vì việc này Phan Khôi bị mật thám Pháp theo dõi nên phải chạy xuống ẩn mình ở tận Cà Mau xa xôi, và giữ mối liên lạc với phong trào bằng cách học chữ Tây thông qua việc viết thư với nhà báo cấp tiến người Pháp Dejean de La Bâtie.
Khi Phan Châu Trinh về nước, Phan Khôi đã viết một cuốn sách về Phan Châu Trinh. Điều này được tên mật thám Pháp P. Arnoux cho biết thông qua bản báo cáo của y gửi Thống đốc Nam Kỳ và Phủ Toàn quyền Đông Dương. Báo cáo viết: “Tú tài Phan Khôi... là một đồ đệ của Phan Châu Trinh, đã viết một tác phẩm mang tên đơn giản là Phan Châu Trinh. Tôi đã có trong tay tập sách đó với 99 trang đánh máy. Tác giả đã đưa cho Nguyễn Hào Vinh in nhưng anh này đã từ chối vì sợ trách nhiệm.
Kèm theo tiểu sử của Phan Châu Trinh, tác phẩm này chứa đựng các bình luận về đời sống chính trị, tư tưởng các dự án và công việc tuyên truyền ở Đông Dương, ở Pháp và ở nước ngoài những quan điểm chính trị được dân An Nam coi là nhà đại ái quốc. Nếu được in ra chắc chắn sách này sẽ được hoan nghênh và kích động những người An Nam đọc chống đối chính phủ bảo hộ.
Phan Châu Trinh đã cho gọi tú tài Phan Khôi vào Nam Kỳ với ý đồ cho y viết tác phẩm này và nhiều tác phẩm chính trị khác”(3).
Do sự khủng bố của thực dân, tác phẩm không được ra mắt bạn đọc và bản thảo cũng thất lạc. Nhưng bốn năm sau trên báo Phụ nữ Tân văn số 44 ngày 20-3-1930 có một bài viết nhan đề “Nhớ ngày 24-3 Tây Hồ Phan Châu Trinh” được ký tên phía dưới không phải là một tác giả mà là tên tờ báo PNTV. Bài báo khá dài với khoảng 4.000 từ nói về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Châu Trinh. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khi nghiên cứu tổng hợp những tác phẩm đăng báo của Phan Khôi năm 1930 cẩn thận xếp bài này vào mục tồn nghi. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã xác quyết đây là bài tóm lược từ quyển sách của Phan Khôi được đề cập ở trên. Chỉ có Phan Khôi mới có đủ “dũng khí” và sự “hiểu biết” để đem “gan ruột” của mình tôn vinh Phan Châu Trinh, người anh, người đồng chí, người lãnh tụ vĩ đại của phong trào Duy tân.
Tháng 6-1925 Phan Châu Trinh về nước. Lúc này Phan Khôi vẫn viết báo ở Sài Gòn. Không nghe đề cập đến mối quan hệ giữa hai người. Nhưng khi Phan Châu Trinh qua đời vào ngày 24-3-1926 thì Phan Khôi là một trong ba người (4) đã đưa thi hài Phan Châu Trinh từ nhà cụ Nguyễn An Cư về khách sạn Bá Huê Lầu ở đường Pellerin (đường Pasteur ngày nay) để tổ chức quốc tang. Và chính Phan Khôi là người viết lời hiệu triệu gởi quốc dân đồng bào. Lời hiệu triệu của Phan Khôi có sức lay động đã góp phần làm cho tang lễ Phan Châu Trinh trở thành “một Big Bang của lòng yêu nước”, “một cuộc biểu dương lực lượng hùng vĩ của quần chúng yêu nước, báo hiệu những chuyển động xã hội sẽ không còn gì ngăn cản được” (5).
Qua các sự kiện trên, nhà nghiên cứu Thụy Khuê cho rằng: “Khi về nước Phan Châu Trinh đã phó thác đại sự cho Phan Khôi” vì đã “Tìm thấy ở Phan Khôi một nhà Nho điềm tĩnh, gần gũi với tư tưởng và chủ trương bất bạo động của ông chứ không phải như Nguyễn An Ninh, một nhà cách mạng nhiệt thành nhưng lại Tây quá”.
Rất tiếc là Phan Châu Trinh ra đi quá sớm. Sự nghiệp của ông vẫn còn dang dở vì thế sự nghiệp chính trị của Phan Khôi cũng dang dở theo.
LÊ THÍ
(1) Lịch sử tóc ngắn, tự truyện của Phan Khôi. Báo Ngày Nay số 149 ngày 15-2-1939.
(2) Theo Lưu Trọng Lư. Dẫn lại trong Nhớ cha tôi Phan Khôi của Phan Thị Mỹ Khanh. Nxb Đà Nẵng. 2001. tr 250.
(3) Lê Thị Kinh - Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới, NXB Đà Nẵng năm 2001.
(4) Đó là Phan Khôi, Đặng Văn Ký và Huỳnh Đình Điển.
(5) Nguyên Ngọc, Việt Báo số ngày 12-7-2009.