.

Chuyện cử nhân 18 tuổi ở làng Khánh Thọ

.

Làng Khánh Thọ, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam xưa (nay là thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) có ông Phan Văn Xưởng, sinh năm 1816, đỗ cử nhân lúc 18 tuổi (1834), là nho sĩ Quảng Nam đỗ đạt sớm nhất. Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn đã 18 lần ghi những chi tiết có liên quan đến ông này – đó là điều hiếm thấy đối với một quan chức chưa được dự vào hàng tứ phẩm.

Bài văn Khóc mẹ của ông Phan Văn Xưởng hiện đặt tại Nhà thờ tộc Phan thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Bài văn Khóc mẹ của ông Phan Văn Xưởng hiện đặt tại Nhà thờ tộc Phan thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Địa phương trên hiện còn tấm bia đá lớn, khắc bài văn “tưởng nhớ mẹ hiền” do chính ông cử nhân trẻ này chấp bút và đã được ông Nguyễn Tường Phổ (ông cố của các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo) – một tiến sĩ nổi tiếng sống vào thế kỷ XIX người vùng Hội An, Quảng Nam “đọc và duyệt” – như là một sự bảo chứng cho văn chương cũng như sự chính xác trong nội dung bài văn của ông Xưởng.

Sau khi đỗ cử nhân, chẳng rõ những năm đầu tiến thân trên đường làm quan như thế nào, chỉ biết 7 năm sau khi thi đỗ, ông Xưởng đã làm đến chức Lễ khoa Chưởng ấn cấp sự trung kiêm chức Kê Hặc ở Tôn Nhân phủ. Đó là một công việc tế nhị với một người trẻ chỉ mới 25 tuổi. Kê Hặc (như Ngự sử) là chức quan chuyên việc vạch ra và nhắc nhở, can gián (đàn hặc) các việc làm sai của người trong cơ quan mà mình được giao nhiệm vụ. Tôn Nhân phủ là nơi phụ trách các công việc có liên quan đến quan hệ và hoạt động của thân tộc nhà vua.

Triều đình vua Thiệu Trị khá tín nhiệm viên quan trẻ có năng lực này. Sử ghi lại, vào tháng 2 năm 1841, triều đình đã giao cho ông Xưởng vào Nam lĩnh chức Ngự sử đạo Định Tường – Biên Hòa xem xét về việc viên tri phủ Ba Xuyên có âm mưu kích động thổ dân và kiều dân làm loạn. Theo lời tâu của ông Xưởng, triều đình đã bãi chức viên quan này và đày y làm lính ở An Giang. Trước đó, cũng trong tháng 2 năm ấy, căn cứ vào lời đàn hặc của ông Xưởng về việc tiến cử không đúng phép, nhà vua đã quở trách các quan đứng đầu Bộ Hình về việc “trái lời và khinh nhờn”, đồng thời thưởng cho ông Xưởng một tấm lụa. Sau đó, ông Xưởng được giao liên tiếp nhiều nhiệm vụ có liên quan đến việc trị an ở vùng 6 tỉnh Nam kỳ. Đến tháng 7 năm 1841, ông được gọi về Huế nhậm chức Chưởng ấn Cấp sự trung ở Bộ Lễ.
Vinh dự nhất đối với ông Xưởng là được tháp tùng vua Thiệu Trị trong chuyến nhà vua tuần du ra Bắc vào mùa xuân năm 1842. Trong chuyến này, cùng với việc đàn hặc việc làm sai một số viên quan trên đất Bắc, ông Xưởng đã được tham gia vào công việc đặc biệt mà nhà vua giao cho Thượng thư Bộ Hình là Vũ Xuân Cẩn; đó là xử lý chuyện bốn ngàn lá đơn khiếu kiện tồn đọng của dân chúng từ Quảng Bình đến Cao Bằng vừa bị nhà vua phát hiện.

Sách Đại Nam thực lục đã ghi nhận ông Xưởng đã từng dâng tấu sớ can gián và tham mưu nhiều việc với vua Thiệu Trị, nhưng không phải việc gì nhà vua cũng nghe; thậm chí còn bị quở trách khi dám dâng sớ bàn về việc quân sự – dù trong thời gian làm Ngự sử ở Nam Kỳ, ông từng đóng góp những ý kiến xác đáng cho các vị tổng đốc địa phương về việc quân.

Tháng 3 năm 1842, trong khi đang tháp tùng nhà vua ở Bắc, được tin mẹ mất ở quê nhà, ông Xưởng xin phép nghỉ “đinh gian” (nghỉ để cư tang theo lệ của triều đình). Bài văn “Khóc mẹ” nói ở trên được viết, đưa duyệt và cho khắc vào bia mộ vào thời điểm này. Trong bài văn, tác giả đã nhắc đến tích “Phong trả” đời xưa (Phong: niêm phong, khằn kín lại; Trả: hũ cá muối mà người phương bắc thường dùng để dành ăn trong mùa lạnh) đại ý như sau: “Bà mẹ khuyên người con đang làm quan phải phong kín hũ cá muối trở lại (hũ cá ấy được tặng với ý hối lộ và người con đã lỡ mở ra) và bảo giao trả ngay cho người tặng”. Điển tích này thường dùng để chỉ việc các bà mẹ khuyên con giữ gìn sự thanh liêm khi làm quan. Trong bài văn nói trên, ông Xưởng cho biết mẹ ông là bà Hoàng Thị đã thường xuyên cho ông thêm tiền để mong cho ông sống đầy đủ; khỏi phải dính vào chuyện tham tang (nhận của đút lót).

Vậy mà, 8 tháng sau khi hết tang mẹ, trở lại kinh đô, được giao chức Án sát tỉnh Biên Hòa (tháng 9 năm 1843), ông Xưởng lại bị dính vào một vụ bê bối, bị kết tội “tham tang”, bị bãi chức rồi phải sung làm lính.

Nhưng, gia tộc và người địa phương nhất quyết không tin ông Xưởng là người như thế! Nhiều người khẳng định ông đã phải chịu án oan. Gia tộc Phan ở làng Khánh Thọ còn cho biết: ông Xưởng đã từng tham gia chống Pháp tại Đà Nẵng vào năm 1858. Một bài viết của một vị cao niên trong Văn hội Nho học huyện Hà Đông xưa (đăng trong Đặc san Cổ học của Hội Cổ học tỉnh Quảng Tín xuất bản ngày 16-7-1970) đã khẳng định ông là người “có khí tiết”. Bằng chứng là tên Phan Văn Xưởng vẫn được giữ trên tấm bia còn lưu tại Văn thánh huyện Hà Đông bên cạnh các tên tuổi nổi tiếng khác của huyện này lúc đương thời.

Đoạn cuối câu chuyện về ông cử nhân 18 tuổi này cần được lưu ý để nghiên cứu rõ ràng hơn!

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.