Đã bao đời nay, dù đất nước thăng trầm qua nhiều biến cố chiến tranh, giặc giã, nhưng từ khắp làng mạc, xóm thôn đến chốn phố xá, thị thành đều có tục cúng đất. Có thể nói, cúng đất là chuỗi hoạt động thuần túy về tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người Việt.
Một mâm lễ cúng đất theo phong tục xứ Quảng. Ảnh: T.M |
Tùy theo phong tục, tập quán vùng miền mà thể thức, lễ vật và nội dung cúng đất có khác nhau, song cho dù ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất xuyên suốt theo chiều dài hình chữ S của Tổ quốc thì lễ cúng này vẫn vươn tới khát vọng đất nước được thái bình, cửa nhà được yên ấm. “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, câu thành ngữ này quá quen thuộc với mọi người và có thể hiểu Thổ Công là vị Thần đất, là Thổ địa…, là “vị đại quan” trong “triều đình” của thế giới tâm linh. Theo quan niệm của nhiều người, thần Thổ địa có nhiệm vụ “cai quản” một vùng đất, một khu vực lãnh thổ nào đó và mỗi ngôi nhà cũng đều có Thổ địa theo dõi, quản lý.
Nét văn hóa truyền thống của cộng đồng Việt có từ ngàn đời là “uống nước nhớ nguồn”, luôn hướng về tổ tiên, biết ơn các bậc tiền nhân, nguồn cội. Do đó việc thờ phụng ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất luôn hiện diện trong mỗi mái nhà từ quê đến phố. Trong từng ngôi nhà nhỏ nơi làng quê nghèo khó cho đến những căn biệt thự, nhà vườn nguy nga tráng lệ nơi phố xá đều có những ngày giỗ, kỵ những người đã mất. Nhiều người cho rằng, tuy ở trong nhà có bàn thờ nhưng họ luôn đi xa, mỗi năm chỉ có ngày giỗ, kỵ, ngày Tết cổ truyền mới mời được họ về quây quần bên con cháu. Làm mâm cỗ cúng để mời những người khuất mặt dương gian “về dự” và muốn họ được “vào nhà” thì phải cúng Thổ địa để báo cáo, xin phép, bởi đây là vị thần có chức năng kiểm soát toàn bộ khu vực ngôi nhà, sẽ không cho bất cứ ai từ bên ngoài xâm nhập vào nhà nếu chưa được phép của gia chủ đang sống.
Chính từ ý tưởng này mà ở xứ Quảng, mỗi khi có giỗ, kỵ, chủ nhà thường sắm một mâm đầy đủ các lễ vật như mâm cúng người quá cố rồi đặt chính giữa trước cửa nhà để cúng bái, vái lạy Thổ địa, cầu mong thần phù hộ độ trì, phúc đến họa đi, tai qua nạn khỏi và xin thần cho người quá cố được vào nhà dự cỗ. Sau khi cúng lạy thần Thổ địa xong thì gia chủ mới được vào bên trong cúng, mời ông bà, người thân đang “định cư” ở thế giới… âm phủ. Phong tục cúng Thổ địa kết hợp với giỗ, kỵ có từ lâu đời và được coi đây là nghi lễ bắt buộc mỗi khi gia đình có giỗ.
Ngoài lễ cúng Thổ địa kết hợp với giỗ, kỵ như vậy, có khá nhiều gia đình hằng năm cũng cúng Thổ địa, còn gọi cúng đất, với thời gian và thể thức riêng. Ở Đà Nẵng, Quảng Nam việc cúng đất chỉ diễn ra trong tháng 2 âm lịch, chủ yếu được tổ chức từ mồng 10 đến cuối tháng. Việc sắm sửa lễ vật để cúng đất theo nghi thức này khác so với việc cúng theo đám giỗ. Mâm cỗ cúng đất tháng 2 ngoài các món thịt, cá thông thường phải có các đĩa tôm, cua luộc nguyên con; khoai, đậu phụng, bắp tươi nấu; rau xanh, trứng luộc; cá trích nướng; thịt heo nguyên cục; cà chiên; mía cây róc vỏ cắt từng đốt… nói chung các món sắm cúng đất rất dân dã và gần gũi với đời sống của bà con làng quê.
Đến nay vẫn chưa có sách vở, tài liệu nào cho biết vì sao mâm cỗ cúng đất tháng 2 khác với mâm cúng đất kết hợp với giỗ, kỵ, chỉ biết rằng ý tưởng của người cúng luôn cầu mong Thổ địa chở che cho ngôi nhà của mình vạn sự được bình an!
Nét đẹp tâm linh trong mâm cỗ cúng đất là như thế, song việc cúng đất cũng ẩn chứa ở phía sau không ít phiền toái đối với cộng đồng, nhất là các nơi phố xá đông đúc, chật chội, bởi chỉ riêng mâm cúng đất mới kèm theo gạo muối, cháo thánh… và sau khi cúng xong, vàng mã, cháo, gạo, muối... rải đầy ra mặt đường, kiệt hẻm, giấy má đốt mờ mịt cả lối đi, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Đà Nẵng đã bước sang năm thứ hai thực hiện chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, có nhiều nhóm hành vi đã và đang tiến hành nhằm lập lại trật tự mỹ quan phố xá, trong đó nghiêm cấm việc rải cháo thánh, gạo, muối ra đường. Bản chất của tục cúng đất rất đẹp trong tiềm thức của bao người, song để ý nghĩa đó càng đẹp hơn thì mọi người hãy cùng nhau và tự giác gìn giữ phố phường sạch sẽ.
THÁI MỸ