Phạm Hữu Kính là một nhân vật đặc biệt của Quảng Nam. Đặc biệt vì nhiều lẽ: Thứ nhất ông là vị quan nổi tiếng, từng giữ chức Cai bạ Quảng Nam giai đoạn 1751-1758, nhưng cho đến nay những hiểu biết về ông không quá những gì được ghi lại trong Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Thứ hai, ông là một con người vừa hư vừa thực. Thực vì được sử sách ghi lại cụ thể về quê quán, khoa bảng, hoạn lộ, con cái, tính khí… Hư vì chuyện về ông có quá nhiều giai thoại mang màu sắc “tâm linh”.
Nội dung trên tấm bia trước mộ Phạm Hữu Kính ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). |
Thứ ba vì có liên quan đến con gái của ông, người suýt bị ông “dìm sông”. Đó là nữ sĩ Phạm Lam Anh, người được xem là “người mở đầu” cho văn học nữ và cả văn học của xứ Quảng; là người “chuyên bắt bẻ cổ nhân”, góp phần chứng minh truyền thống “hay cãi” và “cãi hay” của Quảng Nam.
Thứ tư vì tính khí và hành động của Phạm Hữu Kính phản ánh một số tính cách của người Quảng, cả cái hay lẫn cái dở: làm quan thanh liêm, chính trực, sống đạm bạc, khéo xét đoán, cần mẫn trong công việc, ít mê tín, coi lợi ích của dân trên cả thần linh, nhưng đôi khi ngay thẳng quá mức, dễ bị cho là “bất cận nhân tình”.
Và thứ năm là chuyện làm quan của Phạm Hữu Kính ngày trước lại mang ý nghĩa “thời sự”, là tấm gương cho những cán bộ, công chức thời nay!
Danh thần Phạm Hữu Kính
Sách Đại Nam liệt truyện cho biết quê ông ở huyện Diên Phước nhưng không rõ làng xã nào cũng như năm sinh năm mất, chỉ biết năm 1738 ông thi đỗ Hương tiến và làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), bắt đầu là chân giáo chức rồi Trấn thủ Nha Trang. Năm 1751, được bổ làm Cai bạ Quảng Nam. Sách cho biết “Kính làm quan thanh liêm công bình, tự phụng đạm bạc, không nhận người đến yết kiến ở nhà riêng. Lại khéo xét đoán, phát hiện việc gian, tìm ra điều ẩn kín, được nha lại và nhân dân sợ phục…”.
Sách cũng cho biết ông là người không mê tín. Thần linh mà làm hại dân là ông can thiệp ngay chứ chẳng sợ. Ba chuyện sau nói lên điều đó:
Năm 1738, ông qua đèo Hải Vân để ra Huế thi. “Trên đường đi qua núi Hải Vân, có ngôi đền, ai đi qua không làm lễ thì nó làm tai quái, ông nói: “Đó là tà quỷ” bèn đề một bài thơ ở vách đền rồi đi. Từ đó, đền ấy hết yêu quái”.
Hai chuyện khác: “Khi làm quan trấn thủ ở Nha Trang, nghe nhân dân kể trước tòa miếu cổ trong thành có cây to, mỗi năm cây rụng một cành thì dân sẽ chết một mạng, ông cho người phá miếu, chặt cây, giúp dân yên ổn làm ăn. Trong một giai thoại khác, khi trên đường trở về Quảng Nam nhậm chức Cai bạ, đi qua xã Hương Ly, ông hay tin ở một ngôi chùa trong xã có con nghê đá, đến đêm thường tác quái khiến dân vô cùng sợ hãi, liền viết chữ “tử” vào trán con nghê, từ đó nó không còn gây hại nữa”.
Ngoài ra còn chuyện ông làm thơ đuổi cọp (trong Quảng Nam tỉnh phú của Trần Đình Phong), chuyện chuột nghe danh ông trốn biệt không dám phá hại mùa màng…
Phạm Hữu Kính không những nghiêm khắc với mình mà cả với con cái. Nghiêm khắc đến độ khắc nghiệt khiến nhiều người cho ông là “bất cận nhân tình”. Chuyện kể một lần ông đi công tác xa, con trai ông ở nhà nhận tiền hối lộ. Khi biết chuyện ông xử con tội tử hình. Nha lại đều can ngăn nhưng ông cương quyết “pháp bất vị thân”. May là khi án dâng lên, được chúa tha. Đối với con gái cưng Phạm Lam Anh, ông cũng nghiêm khắc không kém: Phạm Lam Anh được cha rước thầy Nguyễn Dưỡng Hạo về “dạy kèm”. Khi ông đi công tác xa, ở nhà “thầy” Dưỡng Hạo và “trò” Lam Anh “từ xướng họa thơ văn đi đến chỗ vụng trộm ái tình” (Nguyễn Văn Xuân - Phong trào Duy tân). Biết chuyện, ông giận lắm, đòi đem con dìm sông. Nhờ có người bạn hết sức khuyên giải, ông mới thôi.
Phạm Hữu Kính có 4 người con, trong đó Phạm Lam Anh là gái lớn. Sau khi được cha tha tội, Lam Anh lấy Nguyễn Dưỡng Hạo. Hai người là đồng tác giả của tập “Chiến cổ Đường thi” rất nổi tiếng, được Đại Nam liệt truyện hết lời khen ngợi. Đời sau vẫn xưng tụng Phạm Lam Anh là người mở đầu cho dòng văn học xứ Quảng, một tác giả đầy cá tính, “tiêu biểu cho tâm hồn và tính cách con người Quảng”.
Phạm Hữu Kính chết khi còn tại chức. Sau khi mất, ông được triều đình truy thăng chức Tham nghị, được tặng phong Tấn trị công thần, đặc Tiến trụ Quốc tên thụy Vĩnh lộc đại phu, Chính trị thượng khanh tham nghị, tên thụy là Thanh Hiến.
Những tư liệu mới
Tháng 4-2015, hai nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc và Hà Thị Phước trong khi đi điền dã ở làng Mông Nghệ, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, đã phát hiện ra khu lăng mộ Phạm Hữu Kính với tấm bia có nội dung hoàn toàn giống với tấm bia Mông Nghệ xã Phạm tộc bi nói về Phạm Hữu Kính trong Quảng Nam xã chí của Trường Viễn Đông bác cổ (EFEO) sưu tầm các tài liệu về làng xã Quảng Nam trước năm 1945 (mang ký hiệu 20427 hiện lưu trữ tại Viện Hán Nôm).
Nhưng tại sao Phạm Hữu Kính người huyện Diên Phước lại được chôn ở làng Mông Nghệ thuộc huyện Quế Sơn?
Sự thực dưới thời chúa Nguyễn (thời của Phạm Hữu Kính), làng Mông Nghệ lại thuộc huyện Diên Khánh (là tiền thân của huyện Diên Phước, được đổi tên từ năm 1823). Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn trong mục các làng xã cho biết: Huyện Diên Khánh (thuộc phủ Điện Bàn - NV) có 2 tổng là Uất Lũy và Mông Lĩnh. Mông Nghệ nằm trong tổng Mông Lĩnh của huyện Diên Khánh (trang 82). Bản đồ huyện Diên Khánh ngày đó kéo dài từ Điện Bàn cho đến tận nam Thăng Bình.
Điều này cho thấy khi Phạm Hữu Kính mất (1758), các con của ông đã đưa ông về an táng ở quê nhà là làng Mông Nghệ, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, sau này trở thành làng Mông Nghệ, tổng Xuân Phú của huyện Quế Sơn (và nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn). Sau này các sử gia nhà Nguyễn cũng không nói rõ nên gây hiểu nhầm.
Qua tư liệu mới ta xác định được không những quê quán của Phạm Hữu Kính (cũng như Phạm Lam Anh) mà còn có thể suy ra được năm sinh của ông (khoảng 1700-1705) vì biết rằng ông chết khi tại chức (chưa được 60 tuổi) vào năm 1758. Và nếu không quá cẩn thận, ta có thể cho rằng ông thuộc dòng dõi tộc Phạm lừng lẫy của Quế Sơn (là tiền hiền của làng Hương Quế và Đồng Tràm), là hậu duệ của Phạm Nhữ Dực, người được Hồ Hán Thương cử vào Nam giữ chức Chánh đô án vũ sứ phủ Thăng Hoa vào năm 1402.
LÊ THÍ