Ở giữa cánh đồng của thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam có một ngôi mộ cổ rất đơn sơ, bình dị nằm khuất lấp trong đám cỏ xanh rì. Đó là ngôi mộ Thủy tổ tộc Lê của xã Cẩm Thanh Lê Duy Trì đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991.
Bia tóm tắt tiểu sử Thủy tổ Lê Duy Trì do Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An lập. Ảnh: Thái Mỹ |
Theo gia phả tộc Lê xã Cẩm Thanh được lưu giữ qua nhiều đời tại từ đường cũng như sử sách ghi lại về thời Hậu Lê thì ông Lê Duy Trì là con trai trưởng của Hoàng đế Lê Thế Tông (húy là Lê Duy Đàm, sinh năm 1567, vị vua thứ tư của triều nhà Lê giai đoạn Lê Trung hưng nước Đại Việt, trị vì từ năm 1573 đến 1599).
Lê Thế Tông là con thứ năm của vua Lê Anh Tông, húy là Lê Duy Bang. Đầu năm 1573, vua Lê Anh Tông thấy Tả tướng Trịnh Tùng lấn lướt hết quyền hành của triều đình, ngai hoàng đế chỉ còn như một cái bóng nên đã tính cách mưu sát Trịnh Tùng. Kế hoạch hạ bệ Trịnh Tùng không thành và bị bại lộ nên vua Lê Anh Tông liền bỏ hành cung Vạn Lại - An Trường (kinh đô của Đại Việt Nam triều, giai đoạn Nam - Bắc triều phân tranh giữa Lê - Mạc), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), dẫn 4 hoàng tử lớn chạy vào Nghệ An. Riêng hoàng tử Lê Duy Đàm còn quá nhỏ, không chạy theo cha được nên đành ở lại.
Cứ tưởng Trịnh Tùng sẽ trả thù, nhưng không, họ Trịnh sai lính đón rước hoàng tử Lê Duy Đàm lúc đó mới 5 tuổi lên làm vua lấy niên hiệu là Lê Thế Tông, sau đó Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị bí mật truy sát Lê Anh Tông. Trong thời kỳ vua Lê Thế Tông ngồi ngai vàng, Trịnh Tùng thâu tóm toàn bộ quyền quân quốc, tiếp tục điều binh, khiển tướng tiến hành cuộc chiến với nhà Mạc. Trải qua nhiều trận xông pha giao chiến, năm 1592, Trịnh Tùng đã đánh bại quân Mạc, chiếm lĩnh được Đông Kinh (Hà Nội ngay nay) rồi rước Lê Thế Tông về lại Kinh đô ngự trị.
Chính vì vậy nên sử sách nói về thời quốc hiệu Đại Việt đã ghi nhận vua Lê Thế Tông đã có công lớn trong việc khôi phục nhà Hậu Lê(*). Trên thực tế tuy nhà Lê trị quốc, song quyền lực của triều đình lại rơi hết vào tay Trịnh Tùng, nên năm 1599, vua Lê Thế Tông miễn cưỡng phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phu Bình An vương (một chức quan cao nhất trong triều đình, chỉ đứng sau vua), mở ra một thời kỳ được gọi là vua Lê - chúa Trịnh.
Sau đó không lâu, ngày 24-8 âm lịch năm 1599, vua Lê Thế Tông băng hà, Trịnh Tùng tiếp tục đưa con thứ tư của Lê Thế Tông là Lê Kính Tông, tên húy Lê Duy Tân lên ngôi thay vua cha và gả con gái của mình là Trịnh Thị Ngọc Trinh cho Lê Kính Tông. Vua Lê Kính Tông thấy Trịnh Tùng nắm toàn bộ quyền lực nên mùa hè năm 1619, nhân cơ hội hai người con trai của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân và Trịnh Tráng tranh giành ngôi cha, vua Lê Kính Tông bàn với Trịnh Xuân giết Trịnh Tùng và hứa sẽ giao Trịnh Xuân nắm toàn quyền của cha. Đứa con trai bất hiếu Trịnh Xuân đồng thuận với mưu kế giết cha, song lúc triển khai phương án mưu sát thì Trịnh Tùng chết… hụt, vua Lê Kính Tông phải thắt cổ tự vẫn.
Nhà bia phía trước mộ Thủy tổ Lê Duy Trì. Ảnh: Thái Mỹ |
Trở lại chuyện của Thủy tổ Lê Duy Trì xã Cẩm Thanh. Sau khi vua Lê Kính Tông tự sát, tuy Trịnh Tùng tiếp tục đưa con của Lê Kính Tông là Lê Thần Tông (tên húy là Lê Duy Kỳ), cũng là đứa cháu ngoại của mình lên ngôi, song họ Trịnh tiếp tục mở cuộc truy bức dòng dõi vua Lê. Vì thế, năm 1623, Lê Duy Trì phải khăn gói chạy vào làng Thanh Châu (nay là xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An) cùng với một số tộc họ khai canh, lập cư tại đây, sinh con, đẻ cháu, hình thành ra dòng tộc Lê tại vùng đất màu mỡ, tốt tươi này.
Gia phả cũng như văn bia tại ngôi mộ không thể hiện được năm mà tiền hiền Lê Duy Trì từ biệt dương gian nhưng bia mộ ghi rõ các dòng chữ “Đệ lục thế tổ: Lê Học, Lê Trừ, Lê Lợi; thập nhất thế tổ: Hoàng đế Lê Duy Bang; thập nhị thế tổ: Hoàng đế Lê Duy Đàm; thập tam thế tổ: Lê Đại Lang Duy Trì, Hoàng đế Lê Duy Tân; thập tứ thế tổ: Lê Văn Già, Lê Văn Nhĩ; thập ngũ thế tổ: Lê Văn Nghĩa, Lê Văn Nghệ…”.
Nhiều người cho biết, ngày xưa mộ của Thủy tổ Lê Duy Trì được xây cất khá bề thế nhưng do trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời cuộc, ngôi mộ bị tàn phá, hư hỏng nhiều. Năm 1930, con cháu tộc Lê xã Cẩm Thanh cùng nhau tu sửa lại mộ và năm 1989 xây lại nhà bia. Mộ Thủy tổ tộc Lê xã Cẩm Thanh là minh chứng, sự khẳng định giá trị về lịch sử, văn hóa, là cơ sở để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu, khám phá về vấn đề di dân, lập làng của cư dân Đại Việt trên vùng đất Hội An nói chung, xã Cẩm Thanh nói riêng.
Mới đây, cơ quan chức năng của thành phố Hội An đã gắn các biển chỉ dẫn lối đi để du khách dễ dàng tham quan di tích mộ Thủy tổ Lê Duy Trì. Tuy nhiên lối đi vào di tích này không hề dễ dàng bởi mộ tọa lạc hun hút giữa cánh đồng, đường tuy tráng bê-tông nhưng rất chật hẹp, ngoằn ngoèo, chỉ có thể dành riêng cho xe máy hoặc đi bộ.
Hiện mộ Thủy tổ Lê Duy Trì chỉ có hai nhà bia được bà con tộc Lê xã Cẩm Thanh xây dựng với nguồn kinh phí rất khiêm tốn, còn nấm mộ cũng đang còn được đắp bằng đất theo hình quả trứng như kiểu chôn cất người khuất bóng thuở xưa do cuộc sống khó khăn. Chính vì vậy nên nấm mộ cũng như khuôn viên di tích luôn xanh rì cỏ dại. Con cháu hậu duệ tộc Lê xã Cẩm Thanh luôn mong mỏi cơ quan chức năng sớm tu bổ, nâng cấp ngôi mộ thủy tổ Lê Duy Trì để bảo vệ, gìn giữ di tích được lâu dài.
THÁI MỸ
(*) Nhà Hậu Lê do Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi lập ra, giai đoạn 1442-1789, còn nhà tiền Lê do Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) dựng lên giai đoạn 980-1009.