Ngôi đình được lên 'hạng nhất'

.

Ở Quảng Nam xưa, tương truyền có ba ngôi đình lớn “Nhất La Qua, nhì Thành Mỹ, ba Chiên Đàn”, tuy nhiên trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, giờ đây chỉ còn lại mỗi đình Chiên Đàn.

Đình Chiên Đàn hiện là đình lớn nhất Quảng Nam với những cấu kiện gỗ được chạm trổ công phu. Ảnh: N.T
Đình Chiên Đàn hiện là đình lớn nhất Quảng Nam với những cấu kiện gỗ được chạm trổ công phu. Ảnh: N.T

Nét độc đáo của đình Chiên Đàn

Theo tư liệu lịch sử lưu trữ tại Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, vùng đất Chiên Đàn được khai lập vào năm 1403, sau khi nhà Hồ đem quân chinh phục Chiêm Thành và lập nên bốn châu: Thăng - Hoa - Tư - Nghĩa từ hai vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy. Đến năm 1471, trên bước đường bình Chiêm đến núi Thạch Bi, vua Lê Thánh Tông cho lập Quảng Nam thừa tuyên đạo và từ đó một số dòng họ người Việt đã theo chân nhà vua vào định cư vùng đất mới. Một đoàn người dừng chân ở vùng đất ngày nay thuộc xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, khai phá đất hoang lập nên địa hiệu Chiên Đàn, về sau xây dựng một ngôi đình và đặt tên là “Chiên Đàn xã đình”.

“Chiên Đàn xã đình” ngày nay tọa lạc tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn. Với kiến trúc truyền thống theo hình chữ “Nhất”, mặt quay về hướng đông nam, đình là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa và là một công trình nghệ thuật kiến trúc mỹ thuật cổ tiêu biểu của người xưa còn lại ở đất Quảng Nam.
Theo ông Nguyễn Đình Khôi, Trưởng ban quản lý đình Chiên Đàn, đình được xây dựng bởi những nghệ nhân làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). Khi xây đình, các cụ chức sắc trong làng cùng người dân đã huy động và đóng góp 350 mẫu công điền, 250 mẫu công thổ và 15 mẫu hương điền.

Sau cổng tam quan là sân đình, với khuôn viên 1.500m2, phần khu đình chính rộng 440m2, đình Chiên Đàn được xây dựng với năm gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, hai đầu mái được trang trí bởi những đường nét hoa văn tinh xảo với hình tượng “lưỡng long tranh nguyệt”, mái hiên được đắp hai con kỳ lân. Ba gian giữa được dùng làm nơi thờ tự. Phần hậu tẩm được xây dựng lại kiên cố. Được tận mắt nhìn những đường nét hoa văn tinh xảo trên các vì kèo trong đình mới thấy được sự tài hoa trong nghệ thuật chạm trổ của nghệ nhân làng mộc Văn Hà xưa. Với 30 trụ tròn bằng gỗ mít, đường kính ôm hết một vòng tay người lớn, trụ cao nhất cao 6,2m, việc tìm kiếm những cây mít thân cao và thẳng để xây dựng đình làng cho thấy sự khó nhọc và công phu trong quá trình xây dựng đình làng.

Khoảng sân rộng trước đình là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong làng, trước cổng tam quan còn dấu vết của những trụ cột, tương truyền đó là nhà võ ca, là nơi người dân đến xem biểu diễn võ thuật và ca hát trong những dịp lễ hội.

Bên phải đình là nhà trù, nơi ngày xưa lo việc bếp núc cho các lễ lạt ở đình, bên trái đình còn có một nhà kho đựng lúa nhưng nay không còn. Cũng theo ông Nguyễn Đình Khôi, thuở trước, có một ao nước, tạo nên phần minh đường - một nét phong thủy cho đình; tuy nhiên, qua thời gian thì ao nước không còn nữa. Từ khi xây dựng đến nay, đình làng Chiên Đàn đã trải qua 5 lần tu tạo trong đó có 2 lần đại trùng tu.

Những dấu chân lịch sử

Gần 550 năm, theo dòng chảy của lịch sử, “Chiên Đàn xã đình” in đậm những dấu chân của những anh hùng trung liệt, các khoa bảng, chí sĩ và danh nhân xứ Quảng.

Đình Chiên Đàn hiện là đình lớn nhất Quảng Nam với những cấu kiện gỗ được chạm trổ công phu. Ảnh: N.T
Đình Chiên Đàn hiện là đình lớn nhất Quảng Nam với những cấu kiện gỗ được chạm trổ công phu. Ảnh: N.T

Theo khẩu truyền của các cụ cao niên ở làng, vào khoảng năm 1782, anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong lần tiến quân đánh đồn Hải Vân, được bà con nhân dân ủng hộ và nghinh tiếp. Tại đình làng Chiên Đàn, Nguyễn Huệ đã tập hợp được lực lượng nghĩa binh với tên gọi “Tiền cơ Trung Nghĩa”. Những người con của xứ Hà Đông theo chân người anh hùng dân tộc đi đánh trận, trong đó có hai vị tướng làng Chiên Đàn là Kiều Phụng, được phong Đô đốc phụ trách hải thuyền; Đống Công Trường, được phong Cai cơ, phụ trách thống lãnh đạo quân Hà Đông.

Dưới thời Nguyễn, đình làng Chiên Đàn là nơi dân “kim hộ” nộp thuế vàng vào kho của Nhà nước vào ngày 5-5 âm lịch hằng năm.

Theo tài liệu đã dẫn, hưởng ứng dụ Cần Vương, tiến sĩ Trần Văn Dư cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La Nguyễn Thành… thành lập Nghĩa hội Quảng Nam do tiến sĩ Trần Văn Dư làm hội chủ. Đình làng Chiên Đàn là nơi mà các cụ Võ Đức Mậu, Trần Hoán, Võ Bang, Võ Lê, Xã Xước, là những người trong Nghĩa hội Quảng Nam dùng làm nơi kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào, xây dựng lực lượng, thu nhận lương thực, khí giới để đánh Pháp.

Tiếp sau phong trào Cần Vương, đình làng Chiên Đàn cũng là nơi các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng tập hợp hàng ngàn người dân để diễn thuyết, kêu gọi người dân đứng lên đấu tranh đòi xin xâu, giảm thuế vào những năm 1904 - 1908 trong phong trào Duy Tân. Cuộc đấu tranh trong phong trào Duy Tân ở Quảng Nam gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, cùng với các đình làng khác ở Quảng Nam dùng làm nơi hội họp, học tập và nơi làm việc của chính quyền cách mạng thì đình làng Chiên Đàn được chọn làm trụ sở UBND lâm thời xã Chiên Đàn, cho đến năm 1949 thì được sáp nhập vào xã Tam An. Đình làng Chiên Đàn còn ghi dấu đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công), người con ưu tú của đất Quảng Nam, đã tổ chức các cuộc họp quần chúng và cán bộ cốt cán trong những ngày đầu thành lập Đảng bộ Tam Kỳ.

Quảng Nam xưa có ba ngôi đình lớn, “Nhất La Qua, nhì Thành Mỹ, ba Chiên Đàn”. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, giờ đây chỉ còn lại mỗi đình Chiên Đàn, xếp thứ ba nay đã lên hạng nhất. Vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, “Chiên Đàn xã đình” được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT ngày 30-12-2002 của Bộ Văn hóa Thông tin. Hằng năm, vào ngày 14-7 âm lịch, dân làng tập trung về đình dâng hương tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, tiền hiền, hậu hiền đã có công khai hoang lập ấp và tưởng nhớ đến anh linh của các anh hùng hào kiệt đã phụng sự đất nước. 

NGUYỄN TRẦN

 

;
;
.
.
.
.
.