Từ đường dòng họ Phạm Văn ở thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) hiện lưu giữ hai đạo sắc phong được triều đình ban tặng vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21 (1841). Dù đã gần 2 thế kỷ trôi qua nhưng những nét chữ cùng dấu triện đỏ vẫn còn nguyên vẹn.
Từ đường Phạm Văn tộc, nơi lưu giữ hai đạo sắc phong. Ảnh: N.T.T |
Dòng họ Phạm Văn ở thôn An Lương là nơi phát tích của những vị tướng quân trấn biển triều Nguyễn, đảm nhận những chức vụ quan trọng trong lực lượng thủy quân, trong đó có ông Phạm Văn Cuộc (cũng đọc là Cục) làm đến chức Thủy sư Chưởng vệ đại tướng quân, thống lĩnh lực lượng hải quân bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo những ghi chép trong gia phả tộc Phạm Văn ở An Lương được lập từ năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất - 1838), thủy tổ dòng họ Phạm Văn là ngài Phạm Đại Lang đến lập nghiệp tại vùng đất xã An Lương, tổng An Thạnh, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) vào năm 1694. Từ đó, con cháu đời nối đời sinh sống bằng nghề đi biển và dòng họ Phạm Văn có 3 con người xuất sắc từng giữ chức quan trọng trong quân đội dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng.
Ông Phạm Văn Đường giữ chức Hoàng triều Đô úy phó quản cơ (chánh tứ phẩm), phụ trách bảo vệ nội thành. Con trai ông là Phạm Văn Cuộc nối nghiệp cha theo đường binh nghiệp và giữ đến chức Thủy sư Chưởng vệ, (tòng nhị phẩm), chỉ huy ba đội quân thuộc thủy quân. Một tiền nhân khác của dòng họ Phạm Văn là ông Phạm Văn Trận được giao chức Thủy soái chưởng vệ tam tứ ngũ đẳng đại tướng quân (tòng nhị phẩm), chỉ huy lực lượng thủy quân cả nước.
Hai đạo sắc phong mà gia tộc Phạm Văn hiện lưu giữ là hai tấm lụa vàng hình chữ nhật dài 1 mét, rộng 0,37 mét được thêu hình rồng, phượng bao quanh. Dù đã gần 200 năm trôi qua nhưng những nét chữ cùng dấu triện đỏ vẫn còn nguyên vẹn. Hai đạo sắc phong này được triều đình ban tặng vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21 (1841).
Một trong hai đạo sắc phong dành cho vị Thủy sư Chưởng vệ Phạm Văn Cuộc, người có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, tận trung với triều đình. Sắc phong ca ngợi lòng trung thành, quả cảm, mưu lược của vị tướng thủy quân trong các trận chiến với quân thù. Điểm đặc biệt trong sắc phong này là không chỉ có người được ban thưởng mà còn được nhà vua khen ngợi; trong đó cũng đề cập đến tấm gương của người cha là ông Phạm Văn Đường đã có công dạy dỗ, huấn luyện cho đất nước một nhân tài kiệt xuất:“Hiển dương chi nguyện, mệnh danh bất hủ trường lưu” có nghĩa là nguyện ước (của ông) sẽ được hiển dương, tên tuổi ông sẽ trường tồn mãi mãi với non sông đất nước.
Trong sắc phong này, bà Nguyễn Thị Hốt, chánh phu nhân của Đô úy phó quản cơ Phạm Văn Đường, mẹ của Thủy sư Chưởng vệ Phạm Văn Cuộc cũng được vua khen ngợi là đoan chính, đảm đang, hết lòng lo cho gia đình để chồng, con cống hiến cho đất nước. Sắc phong ghi rõ:“Đức thục trường lưu bất hủ chi danh” có nghĩa là đức độ, thục hạnh của bà lưu danh vĩnh cửu.
Ông Phạm Văn Lương, Trưởng tộc Phạm Văn thôn An Lưu cho biết, ông nhờ người dịch các tài liệu chữ Hán trong bản sắc phong nên con cháu ngày nay mới biết được cha ông xưa đã đi biển, làm chức tước to, có công lớn với triều đình. Thời chiến tranh, con cháu họ Phạm mang bản sắc phong gửi vào chùa. Năm 1967, giặc cày trắng vùng đất Duy Hải, ông thuê người mang sang bên Cẩm An (nay thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) để gửi. Sau đó, ông mang theo hai bản sắc phong cùng gia đình tản cư ra Đà Nẵng. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, gia đình ông về lại làng xưa, mang theo bản sắc phong thờ cúng tại nhà thờ tộc cho đến ngày nay.
Nhà nghiên cứu Văn hóa Huế Trần Đại Vinh (người ngồi, bìa trái) đang đọc sắc phong. Ảnh: N.T.T |
Nói về con cháu tộc Phạm Văn ở thôn An Lương, anh Phạm Văn Hùng (con trai ông Lương) cho biết: “Cùng với bà con nhân dân các xã vùng đông của huyện Duy Xuyên, hiện trong gia tộc có 12 hộ làm ngư nghiệp. Đó là những người gan dạ, không quản ngại gian khổ, lập dự án vay thêm tiền đóng tàu có công suất lớn, mua sắm ngư cụ, ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió vừa mưu sinh, vừa như những người lính luôn có mặt trên vùng biển đảo, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền của đất nước”.
Trong quá trình mở cõi về phương Nam, các chúa Nguyễn từng bước thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và củng cố quốc phòng bảo vệ đất nước, đặc biệt đã tổ chức hệ thống hải phòng và tăng cường lực lượng thủy quân tuần tra phòng thủ mặt biển, bảo đảm chủ quyền biển đảo nước ta, mà biểu tượng của việc tăng cường thủy quân là hình chiếc thuyền chiến được chạm khắc trên Cửu đỉnh tại kinh thành Huế. Cùng với đó là những đạo sắc chỉ cổ - một loại tài liệu rất quan trọng - cho thấy việc tuyển quân cho đội Trường Sa và Hoàng Sa là việc làm thường xuyên của quan lại đầu tỉnh ở mỗi địa phương và triều đình, việc này chứng minh rằng, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình trên hai quần đảo này rất sớm.
Dòng tộc Phạm Văn ở thôn An Lương, xã Duy Hải, tự hào về truyền thống giữ nước của cha ông mình được minh chứng qua hai sắc phong cổ quý hiếm. Hiện hai đạo sắc phong này đã được ghi danh vào danh mục lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Biển đảo thuộc Bộ Ngoại giao ở Hà Nội và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên, để những di sản văn hóa này được lưu truyền mãi với thời gian.
NGUYỄN THỊ TUYẾT