Họ xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, người sau nối bước người trước không chỉ làm rạng danh gia môn, vẻ vang dòng họ mà cả xóm làng cũng được thơm lây.
Mộ Tiến sĩ Phan Quang với 4 chữ Hán “Ngũ phụng Tề phi”. Ảnh: V.T.L |
Năm Giáp Ngọ (1894), cậu học trò Phan Quang rời làng quê Phước Đức, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, đi thi và đỗ cử nhân. Bốn năm sau, đỗ “Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân” khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1898, được vinh danh là một trong năm con chim phụng đất Quảng Nam cùng bay - “Ngũ phụng Tề phi”.
Tiến sĩ Phan Quang (1873 - 1939) xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông nội là Phan Văn Thuật, đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1840) tại trường thi Thừa Thiên, làm quan đến chức Án sát (lo việc hình sự ở một tỉnh) rồi Bố chánh (quan đầu tỉnh) Quảng Bình, nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, có tài xử án, được dân chúng nơi trấn nhậm mến phục. Theo gia phả tộc Phan Quế Sơn, các con của cụ Cử Thuật hướng theo võ nghiệp, đến đời cháu mới nối tiếp nghề văn bút - hai người đỗ Tú tài, một đỗ Cử nhân, đỗ cao nhất là Tiến sĩ Phan Quang.
Ba năm sau khi đỗ đại khoa, Tiến sĩ Phan Quang được bổ làm Tri huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) sau chuyển về Bố Trạch. Năm 1905, Công sứ Pháp ở Quảng Bình đòi tăng thuế điền thổ. Tri huyện Phan Quang không chịu, cho rằng đây là địa phương nghèo, đất đai cằn cỗi, thường xuyên chịu thiên tai, sưu thuế trước đã cao, mà còn tăng nữa thì dân sẽ chết đói. “Làm quan mà không bảo vệ được dân thì làm quan để làm gì”, nghĩ vậy, ông xúi dân không nộp thuế. Dưới áp lực của Công sứ Pháp, Nam triều buộc phải triệu ông về kinh, mãi 5 năm sau mới bổ ông làm giáo thọ Tuy An (tỉnh Phú Yên) rồi Tri huyện Hòa Đa (tỉnh Bình Thuận), Án sát Bình Định. Sau, ông về triều lĩnh chức Thị lang rồi Tham tri Bộ Hình rồi về hưu năm 1930 với hàm Thượng thư. Ông mất ngày 7-3-1939 ở quê nhà, hưởng thọ 67 tuổi. Mộ ông ở làng Phước Đức, xã Quế Châu, đã được công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.
Tiến sĩ Phan Quang có một đồng liêu là Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947). Cụ Nguyễn Đình Hiến xuất thân trong một gia đình khoa bảng tại làng Lộc Đông, tổng Trung Lộc (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), làm quan đến chức Hiệp tá Đại học sĩ, nguyên Tổng đốc Bình Định - Phú Yên. Hai nhà khoa bảng kết tình sui gia qua hai người con là Phan Khoang và Nguyễn Thị Thanh.
Nhà báo Phan Hải Đường (1933 - 2022), nguyên đạo diễn Đài Truyền hình Việt Nam, thuật lại lời cha mình (người này gọi Tiến sĩ Phan Quang bằng bác) rằng, ngày đón dâu từ Trung Lộc về Quế Sơn vượt qua đèo Le, chú rể Phan Khoang cưỡi con ngựa bạch đi cạnh chiếc võng điều của của cô dâu người làng Lộc Đông. Đèo Le bấy giờ heo hút, đường đi chỉ là lối mòn chật hẹp, gần 30km từ nhà gái về nhà trai nhưng đám rước dâu đi mất hơn nửa ngày trời. Có lẽ cuộc rước dâu “hi hữu” này đã để lại trong tâm trí vị Phó bảng làng Lộc Đông nhiều cảm xúc, để rồi sau khi về di dưỡng tuổi già tại quê nhà năm 1935, ông đã đề xuất với quan trên mở con đường băng qua đèo Le kéo dài từ đông sang tây, rộng 3m và dài khoảng 7km - tiền đề để các thế hệ về sau mở rộng đèo khang trang như ngày nay.
Trở lại với khoa bảng đất Quế Sơn. Khi Nho học suy tàn và chấm dứt với khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919), tộc Phan Quế Sơn tuy không còn ai lưu danh về khoa bảng nhưng có nhiều người thành đạt về học thuật, trong đó lưu tiếng thơm cho dòng họ là hai người con của Tiến sĩ Phan Quang: nhà sử học, nhà giáo, nhà báo Phan Khoang (1906 - 1971) và nhà báo kiêm nhà văn Phan Du (1915 - 1983).
Phan Du thuở nhỏ học trung học ở Quy Nhơn, rồi Huế, sau làm tư chức thời Pháp thuộc. Ông có truyện ngắn đăng trên các báo ở Hà Nội, để lại các tác phẩm: Hai chậu lan Tố Tâm, Hang động mới, Quảng Nam trong lịch sử… Những năm 60 thế kỷ trước, ngoài thời gian làm công chức ngành văn hóa, ông cộng tác với các báo Bách khoa, Văn học, Tân văn, Tin văn, Văn... Sau năm 1975, ông về sống ở Đà Nẵng và mất vào ngày 11-3-1983, hưởng thọ 68 tuổi.
Phan Khoang là trưởng nam, được cha dạy chữ Hán nên kiến thức khá vững, giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu của ông về sau. Ông giảng dạy về văn chương Việt Hán và Việt sử ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Huế. Ông từng làm chủ bút các báo Bình Minh, Trách Nhiệm, Vì Dân (từ 1949 - 1955) ở Huế; tham gia viết bài và là biên tập viên Tập san Sử Địa (1966 - 1975) - tạp chí có uy tín về sử học bấy giờ. Phát hành 3 tháng một kỳ, Tập san Sử Địa cung cấp nguồn tài liệu phong phú trong việc khảo cứu, sưu tầm về sử ký và địa lý Việt Nam. Ông tham gia viết bài cùng với những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực sử học của miền Nam bấy giờ như: Hoàng Xuân Hãn, Phạm Văn Sơn, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í…
Ông Phan Tử bên con đường mang tên cha mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Năm 1970, ông bị bệnh phải ra nước ngoài điều trị, nhưng không khỏi. Ông về nước, và mất ngày 22-10-1971 tại Sài Gòn, hưởng thọ 65 tuổi. Ông để lại nhiều bộ sách lịch sử được giới nghiên cứu đánh giá cao, trong đó cuốn Việt sử: Xứ Đàng Trong - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (1969) đã góp phần đưa ông trở thành một cây bút hàng đầu của nền sử học miền Nam trước năm 1975. Ghi nhận công lao của ông, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên ông cho một tuyến đường ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ.
Người con thứ 8 của Phan Khoang là Phan Tử, cho biết cha ông lúc sinh thời luôn trông ngóng về quê nhà, điều này thể hiện qua cách đặt tên ông và người em kế - Phan Phần - theo câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: Đoái thương muôn dặm tử phần/ Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa. Tử là cây thị. Phần là cây phần. Tầm nguyên Từ điển giải thích: Trong làng thường trồng cây tử, cây phần nên có chữ phần hương tử lý (làng phần xóm lý), nghĩa bóng chỉ nơi cố hương.
Đầu xuân này, gia đình ông Phan Tử đưa cha mẹ mình về an nghỉ nơi cố hương theo di nguyện của người đã khuất. Nghe chuyện xưa của tộc Phan Quế Sơn, một nhà nho tặng câu đối: Phước Đức truyền lưu, hoa văn bút bừng trang Việt sử/ Lộc Đông phát tiết, hạnh đoan trang ngát cửa Phan gia.
VĂN THÀNH LÊ